Nhiều nơi lợi dụng để thu phí

Thứ bảy, ngày 12/04/2014 13:03 PM (GMT+7)
"Người dân bức xúc vì đang phải oằn lưng chịu gánh nặng phí và lệ phí nhưng vai trò và trách nhiệm quản lý nhà nước lại chưa được quan tâm đúng mức".
Bình luận 0
"Người dân bức xúc vì đang phải oằn lưng chịu gánh nặng phí và lệ phí nhưng vai trò và trách nhiệm quản lý nhà nước lại chưa được quan tâm đúng mức"- đây là ý kiến của nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên giải trình của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc thực thi pháp lệnh phí và lệ phí chiều 11.4.

Xử lý chưa rõ ràng

Chủ trì phiên chất vấn, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã đi thẳng vào vấn đề: "Pháp lệnh phí và lệ phí có hiệu lực từ năm 2002 song đến nay tồn tại rất nhiều hạn chế".

Các trạm thu phí đã “phủ kín” các tuyến đường vào TP.HCM khiến nhiều xe bị thu phí 2 lần.
Các trạm thu phí đã “phủ kín” các tuyến đường vào TP.HCM khiến nhiều xe bị thu phí 2 lần.

Theo ông Hiển, đó là việc chậm loại bỏ các loại phí và lệ phí không hợp lý. Nhiều loại phí được ban hành không đúng ở một số địa phương. Số lượng văn bản quá lớn khiến cho việc tra cứu, quản lý phí, lệ phí khó khăn. Việc lạm thu hoặc bỏ sót phí và lệ phí thực tế vẫn diễn ra, tỷ lệ nộp ngân sách của phí và lệ phí chưa tương xứng.

Giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, qua hơn 10 năm thực hiện pháp lệnh, quản lý nhà nước đã tiến hành loại bỏ trên 300 phí, lệ phí. Số thu cơ bản vào ngân sách nhà nước và số để lại, theo bộ trưởng là đã "công khai, minh bạch". Tuy nhiên, ông Dũng cũng thừa nhận một số loại phí, lệ phí không còn phù hợp. Một số loại phí, lệ phí theo thời cuộc đã trở thành giá dịch vụ, như viện phí, phí chứng nhận chất lượng hàng hóa, phí giám định hàng hóa, phí chợ, phí trông giữ xe... Chính vì sự "quá độ" này đã một phần dẫn đến tình trạng lạm-loạn phí, lệ phí mà các cơ quan quản lý nhà nước chưa xử lý hết.

Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Dũng, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nêu thực trạng: Việc lạm thu phí, lệ phí đang diễn ra phổ biến, nhiều phí như phí dịch vụ chung cư hoặc phí chuyển tiền của ngân hàng... đang bị thu rất tùy tiện. Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Mã Hiền Cư cũng dẫn chứng nhiều tổ chức giáo dục, trường học thu hàng chục thứ phí từ học lại, thi lại... (sau đó, ông Hiển đã phải dùng một danh sách để đọc bao gồm mấy chục loại phí) vậy sẽ phải xử lý ra sao?

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Sĩ Cương chất vấn Bộ trưởng Dũng về việc 21 khoản phí, lệ phí dù có trong danh mục nhưng chưa có văn bản hướng dẫn, có phải nó phi thực tế hay danh mục không phù hợp?

"Tình hình nóng, xử lý nguội"

Trả lời những câu hỏi này, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh: Theo pháp lệnh chỉ có 73 loại phí và 43 loại lệ phí. Bộ Tài chính đã chấn chỉnh các văn bản, yêu cầu các địa phương rà soát, bỏ những phí và lệ phí không có tên trong danh mục. Chính phủ cũng đã miễn một số phí như an ninh trật tự, phòng chống thiên tai... Tuy nhiên, có tình trạng địa phương vẫn thu những khoản không có trong danh mục như xây dựng hạ tầng, quỹ khuyến học, quỹ quốc phòng an ninh, quỹ phòng chống thiên tai... Do vậy, khi phát sinh thu nộp người dân cho đó là phí và lệ phí và một số là giá dịch vụ cũng "đổ đồng" là phí lệ phí (như phí chung cư, bến bãi, ra vào khu công nghiệp...) dẫn tới hiểu nhầm là nhiều phí, lệ phí.

"Chỉ phí nào có tên trong danh mục mới được thu. Nghị định 24 (năm 2006) của Chính phủ về phí và lệ phí đã có danh mục rất rõ, do vậy (theo luật), các bộ ngành địa phương không thể đặt ra các khoản thu mới".
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Ông Dũng đề nghị, cần tuyên truyền để người dân hiểu đâu là phí, đâu là đóng góp tự nguyện, đâu là khoản huy động... Về 21 loại phí và lệ phí chưa có văn bản hướng dẫn, theo ông Dũng là do Bộ tính đến việc ban hành trong... tương lai, nên không nhất thiết phải hướng dẫn ngay…

Sốt ruột bởi những trả lời chưa trúng của Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Phùng Quốc Hiển đã phải cắt ngang: "Tôi rất băn khoăn tại sao người dân không phân biệt được phí, lệ phí dẫn đến nhầm lẫn, thậm chí bị lừa và nhiều nơi đã lợi dụng danh nghĩa Nhà nước để thu phí. Việc thu có tổ chức, đứng sau đó là các cấp chính quyền địa phương. Thậm chí có nơi thu thành quỹ rồi gửi ngân hàng hưởng lãi. Vậy vấn đề minh bạch và trách nhiệm là thế nào cần phải làm rõ".

Các đại biểu cho rằng, trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính còn "quá vòng vo và còn rất xa với thực tế". Đại biểu Lê Hồng Trường đã ví việc thực thi pháp lệnh phí và lệ phí đang cho thấy "tình hình thì nóng mà xử lý thì rất nguội", chỉ xử phạt hành chính là hết.

Mai Hương (Mai Hương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem