“Trong tuần tới, Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương có buổi làm việc sơ kết hoạt động trong sáu tháng đầu năm 2015. Buổi họp này sẽ thảo luận các vấn đề liên quan đến việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy (gọi tắt là thu phí xe máy - NV) trước khi có ý kiến chính thức” - một lãnh đạo Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương đã chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM chiều 8-7.
Chiều cùng ngày, bên lề cuộc họp HĐND TP Cần Thơ, ông Phạm Văn Hiểu - Chủ tịch HĐND TP nói: “Việc thu phí đã được quy định tại các văn bản của trung ương nên địa phương phải chấp hành. Tuy nhiên, Thường trực HĐND, UBND TP sẽ nghe các đơn vị liên quan báo cáo chi tiết về việc này rồi có ý kiến chính thức”.
Tại báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri phục vụ kỳ họp này, cử tri nhiều quận, huyện kiến nghị TP bãi bỏ.
Chỗ thu muốn dừng
Trước đó, 100% đại biểu HĐND TP Đà Nẵng đã biểu quyết tạm dừng thu phí xe máy trên địa bàn kể từ ngày 7-7. Ông Mai Đức Lộc, Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng, chia sẻ: Hơn hai năm thu phí đã bộc lộ nhiều bất cập. Tỉ lệ thu phí đạt được rất thấp và giảm dần. Nguyên do không có chế tài xử phạt nên người chấp hành, đóng phí chỉ thấy thiệt thòi nên không đóng nữa. “Việc thu phí nếu còn tiếp tục không chỉ là gánh nặng cho người đi thu mà còn gây ra không công bằng” - ông Lộc nói.
Nhiều người dân cho rằng việc thu phí xe máy phải công bằng và sử dụng đúng mục đích. Ảnh: HTD
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Đà Nẵng, cũng truyền đạt nguyện vọng của cử tri là không thu phí này nữa. “Chúng tôi đề nghị HĐND kiến nghị Chính phủ không thu phí này” - ông Hùng nhấn mạnh.
Tương tự, tại Hà Nội, Ban Kinh tế và Ngân sách cho biết có địa phương nhận được tỉ lệ trích nộp từ việc thu phí không đủ trang trải cho việc thu phí. Vì vậy, phường phải chi thêm ngân sách phục vụ thu phí. Bên lề kỳ họp HĐND của Hà Nội, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết TP Hà Nội đi đầu thu phí. Tuy nhiên, qua hơn hai năm thực hiện cho thấy có nhiều khó khăn về phương thức thu, biện pháp chế tài đối với người không đóng phí. “Qua tiếp xúc cử tri, HĐND TP Hà Nội nhận được nhiều ý kiến. Hà Nội cũng ủng hộ quan điểm bỏ thu phí nên nếu Chính phủ bỏ thì HĐND TP và cử tri Hà Nội rất ủng hộ” - bà Ngọc nói.
TP.HCM: Tỉ lệ thu thấp, tạm ngưng thu
Riêng tại TP.HCM, đây là địa phương duy nhất còn “sót” lại trên cả nước vẫn chưa thu phí. “Theo quyết định của UBND TP, việc thu phí được thực hiện từ đầu tháng 5-2015. Quận 9 đã thu phí ở một số phường và đạt được tỉ lệ 13% nhưng đến nay đã tạm ngưng. Số tiền đã thu tạm thời không phân bổ sử dụng mà chờ hướng dẫn TP.HCM” - đại diện Quỹ Bảo trì TP.HCM cho biết.
Theo vị này, hội đồng quản lý quỹ đã tổ chức tập huấn cho các quận/huyện, phường/xã về việc thu phí. Nhiều nơi đã phát phiếu đề nghị chủ xe máy kê khai, chuẩn bị việc thu phí. Tuy nhiên, đến nay việc thu tiền phí đang tạm ngưng, chờ quyết định chính thức của lãnh đạo TP.HCM. “TP.HCM đã rất băn khoăn vì đã dự liệu được những bất cập phát sinh trước khi quyết định tổ chức thu phí. Tỉ lệ thu phí khó đạt mức cao, tiền phí thu được không nhiều, lại nảy sinh nhiều vấn đề. Lẽ ra việc thu phí đã được thực hiện nhưng một lần nữa, HĐND TP đề nghị tạm ngưng việc thu tiền (các công việc khác vẫn triển khai bình thường) đểnghe toàn bộ các vướng mắc liên quan” - vị này nói.
“Địa phương được quyết thu hay không thu”
Theo Luật Giao thông đường bộ, một trong những nguồn hình thành quỹ bảo trì đường bộ là từ nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ. Nghị định 56/2014 sửa đổi, bổ sung Nghị định 18/2012 nêu chi tiết phí sử dụng đường bộ được thu hằng năm trên đầu ô tô, xe máy. Nguồn kinh phí của quỹ địa phương (theo Thông tư 230/2012 của Bộ Tài chính và Bộ GTVT) gồm nguồn được phân chia từ thu phí ô tô, nguồn thu từ xe máy, các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ, ngân sách bổ sung…
Phí xe máy chỉ là một trong nhiều nguồn thu của phí sử dụng đường bộ, đồng thời phí sử dụng đường bộ cũng chỉ là một trong ba nguồn tạo nên quỹ bảo trì đường bộ. Như vậy, có thể nói phí xe máy chỉ là một nguồn thu rất nhỏ của quỹ.
Ngoài ra, theo Thông tư 02/2014 của Bộ Tài chính thì HĐND cấp tỉnh được quyền quyết định việc thu phí (hay không), lệ phí; phạm vi, đối tượng… phù hợp với từng địa phương.
Như vậy, HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định thu phí xe máy hay không. Tuy nhiên, để trả lời có nên thu hay không thì từng địa phương cần căn cứ vào thực tế. Nếu không thu thì phải có nguồn tài chính để quản lý, bảo trì cầu đường vẫn phải từ quỹ bảo trì đường bộ cho phù hợp với Luật Giao thông đường bộ.
Luật gia HẢI NGUYỄN, TP.HCM
22% tỉ lệ thu phí đạt được ở các địa phương được Bộ Tài chính thanh tra.
Đường hư gây thiệt hại kêu ai?
Khoản phí này được nói để phục vụ cho việc bảo trì cầu, đường. Vậy khi thu phí thì có đảm bảo đường hết lún sụp, không còn ổ voi, ổ gà và hết ngập nước hay không?
Tôi không ủng hộ việc đóng phí cầu đường, song nếu TP.HCM vẫn thu thì tôi sẽ đóng. Nhưng tôi đề nghị khi tôi đóng thì những người khác cũng phải đóng, đồng thời việc thu, sử dụng phí phải đảm bảo không thất thoát và đúng mục đích.
Chị PHAN THỊ OANH (đang làm việc tại một công ty ở quận Phú Nhuận, TP.HCM)
Không nên thu
Nếu mỗi năm chỉ đóng phí 50.000-150.000 đồng/năm sẽ không đáng là bao. Nhưng người dân chúng tôi phải chịu rất nhiều khoản phí khác nhau.
Việc thu phí này không có chế tài nên sẽ có người đóng, người không. Vậy giả sử có thu được nhưng nói là không thì chẳng phải đã tạo điều kiện cho một số cá nhân lợi dụng kẽ hở trục lợi?
Ngoài ra, tôi có ô tô. Mỗi năm tôi đóng hơn 2 triệu đồng phí nhưng tiền đóng rồi mà đường vẫn hư, nước vẫn ngập. Mỗi khi mưa to là tôi phải tấp vào quán ngồi đợi nước rút mới dám đi tiếp. Mục đích thu phí để đường sá tốt hơn không đạt được nên theo tôi là không nên thu.
Ông ĐOÀN BÌNH (quận Tân Bình, TP.HCM)
NGÂN NGA ghi
Vui lòng nhập nội dung bình luận.