Nhiều quyết sách cứng rắn "dọn" rác thải nhựa khỏi bờ biển Đông Nam Á

P.V Thứ tư, ngày 02/12/2020 15:51 PM (GMT+7)
Nói không với nhập khẩu rác thải nhựa không thể tái chế, phản đối việc "tuồn" rác thải nhựa trái phép vào khu vực, đặt mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa nội địa,… đó là những động thái mạnh mẽ mà Việt Nam và nước ASEAN đã, đang và sẽ thực hiện để bảo vệ bờ biển Đông Nam Á trước nguy cơ ô nhiễm.
Bình luận 0

Siết chặt việc nhập khẩu rác thải nhựa

Các quốc gia phát triển từ lâu đã chuyển lượng lớn rác thải nhựa đến các nước đang phát triển để xử lý. Từ thập niên 80 của thế kỷ trước, Trung Quốc là nhà nhập khẩu nhựa phế liệu lớn nhất thế giới, với hàng triệu tấn rác được tái chế rồi đưa trở lại chính các nước phát triển làm nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, tháng 1/2018, tình trang ô nhiễm nghiêm trọng trong quá trình tái chế đã khiến Chính phủ Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa trên toàn quốc.

Nhiều quyết sách cứng rắn "dọn" rác thải nhựa khỏi bờ biển Đông Nam Á - Ảnh 1.

Người dân Quảng Bình tích cực thu gom rác thải, bảo vệ môi trường. I.T

Thay vì Trung Quốc, các nước phát triển đã chuyển hướng xuất khẩu rác sang các nước ở Đông - Nam Á, như Malaysia, Philippines, Thái-lan hay Indonesia,… nơi một số quy định bảo vệ môi trường vẫn còn khá lỏng lẻo. Việc nhập khẩu và tập kết rác thải ở các khu vực ven biển đã khiến các quốc gia Đông Nam Á phải chịu ảnh hưởng từ môi trường ngày càng nghiêm trọng. Trước nguy cơ biển bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi rác thải nhựa, các quốc gia trong khu vực Đông – Nam Á đã phải có những chính sách cứng rắn. Cụ thể, Philippines đã gửi trả lại 51 container chứa chất thải hỗn hợp cho Hàn Quốc, bao gồm cả nhựa và các vật liệu ô nhiễm; tiếp đó, Malaysia trả lại năm container rác nhựa cho Tây Ban Nha; Chính phủ Indonesia thì cam kết dành 1 tỷ USD/năm để giảm 70% lượng rác thải nhựa trên biển trước năm 2025. Chính phủ Brunei cũng đặt mục tiêu loại bỏ túi nhựa khỏi siêu thị và khuyến khích người dân dùng túi thân thiện với môi trường…

Việt Nam đặt mục tiêu giảm 75% rác thải nhựa trên biển

Tại Hội nghị quốc tế Các giải pháp về chất thải nhựa khu vực các Biển Đông Á năm 2020 (SEA of Solutions 2020) được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì, phối hợp với Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UN Environment) (với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên WWF) vừa được tổ chức mới đây, nhiều giải pháp để giảm thiểu nguy cơ rác thải nhựa đã được đưa ra.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân, Việt Nam nói riêng và các nước ASEAN nói chung hiện đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, vấn nạn rác thải biển, đặc biệt là rác thải nhựa đại dương. Theo ông Ngân, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến vấn đề này khi ban hành Quyết định số 1746 về việc Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Cụ thể, đến năm 2025, đặt mục tiêu giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy;...

Đến năm 2030, đặt mục tiêu giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa…

Nhiều quyết sách cứng rắn "dọn" rác thải nhựa khỏi bờ biển Đông Nam Á - Ảnh 2.

Tình trạng rác thải nhựa gây ô nhiễm xảy ra ở nhiều bờ biển của các nước trong khu vực Đông Nam Á. I.T

Phát biểu trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên thiên nhiên và Môi trường của Malaysia cho biết: "Ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề toàn cầu trong đó có đất nước chúng tôi. Chúng tôi có trên 50% những sản phẩm nhựa là sản phẩm dùng một lần, 80% rác thải ở biển xuất phát từ đất liền. Chúng tôi hướng đến mục tiêu cụ thể bằng các chính sách theo hướng kinh tế tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng các sản phẩm trong cuộc sống".

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Bảo vệ Môi trường Myanmar, đất nước này có bờ biển dài, có nhiều thuận lợi nhưng cũng là thách thức khi các hoạt động kinh tế biển đã làm tăng nguy cơ ô nhiễm nhựa ở đại dương.

"Chúng tôi đã thông qua những chính sách quy hoạch tổng thể và quản lý chất thải trong đó có chất thải nhựa đại dương. Chính vì những đe dọa của chất thải nhựa đại dương nên chúng ta cần chung tay, chia sẻ thông tin, kiến thức chung tay bảo vệ đại dương từ đó là bảo vệ toàn thế giới... Với sự hỗ trợ của ngân hàng thế giới chúng tôi cam kết cùng ASEAN hành động để giảm thiểu chất thải nhựa đại dương", Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Bảo vệ Môi trường Myanmar cho hay.

Với vai trò là Thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) nhiệm kỳ 2020 – 2021 và Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đang khẳng định năng lực lãnh đạo, nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế; thể hiện là thành viên tích cực, đối tác tin cậy và có trách nhiệm, đóng góp nhiều hơn nữa vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển bền vững, đặc biệt là trong phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ môi trường đại dương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem