Nhiều trường học mở cửa, nấu ăn đón dân tránh lũ, hiệu trưởng chia sẻ: "Vất vả của chúng tôi chưa là gì..."
Nhiều trường học mở cửa, nấu ăn đón dân tránh lũ, hiệu trưởng chia sẻ: "Vất vả của chúng tôi chưa là gì..."
Tào Nga
Thứ tư, ngày 11/09/2024 15:48 PM (GMT+7)
Giáo viên Hà Nội cùng chung tay mỗi người mua một nhu yếu phẩm, dọn dẹp phòng thể chất, phòng bán trú, nấu cơm và sẵn sàng túc trực tại trường học để hỗ trợ bà con địa phương tránh lũ.
Ngay từ chiều tối ngày 10/9, nhiều trường học ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã trở thành điểm tránh trú của người dân địa phương.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô Lê Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội kể lại: "Nhận được chỉ đạo của UBND quận, cũng như các trường trên địa bàn, toàn bộ giáo viên Trường Tiểu học Thụy Phương ngay lập tức đã chuẩn bị sẵn sàng trở thành điểm tiếp nhận các hộ dân di dời tránh lũ.
Hiện tại có 13 người đang trú tạm tại trường, chủ yếu là người già, trẻ em và bà mẹ trẻ. Theo thông báo tối nay mực nước dâng lên sẽ có nhiều người di dời đến. Sức chứa của trường khoảng 100 nhân khẩu nếu học sinh đang học. Nếu học sinh học online sẽ tận dụng các phòng học chứa được thêm nhiều người nữa. Học sinh của trường vẫn học bình thường, các em sẽ chuyển sang học thể dục ngay lại lớp học".
Cô Thanh cho hay, nhà trường đã dọn dẹp tầng 2 là phòng Thể chất rất rộng rãi, có sẵn quạt. Do chiếu và chăn gối nhà trường phục vụ bán trú mỗi năm đều mua dôi ra dự phòng nên có sẵn mang ra sử dụng. Cô Thanh và các giáo viên của trường phân chia nhau mua nhu yếu phẩm thiết yếu như nước, sữa, mì tôm... để phục vụ người dân bất cứ lúc nào. Trưa nay, toàn bộ người dân tại đây đã được ăn cơm theo suất ăn bán trú của học sinh. Chiều tối nay, giáo viên trong trường sẽ tự nấu cơm phục vụ người dân. Đặc biệt, kinh phí mua sắm ban đầu này đều do giáo viên trong trường tự nguyện chung tay vì đồng bào.
"Kinh phí và nhân sự ban đầu chưa nhiều nên nhà trường vẫn có thể lo liệu được. Khi nào quá đông, quá tải nhà trường sẽ xin hỗ trợ từ UBND hoặc các mạnh thường quân sau. Các chiến sĩ bộ đội, công an, tổ dân phố đang vật lộn với mưa ngập ở ngoài đê bảo vệ tài sản, di dời người dân, trong khi đó nhân sự lại mỏng. Vất vả của chúng tôi chưa là gì với các chiến sĩ đang ở ngoài kia", cô Thanh chia sẻ.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thụy Phương cũng bày tỏ thương cảm với người dân đang gặp khó khăn vì ngập lụt. "Tối qua có một bác hơn 60 tuổi đến trường xin tạm trú đã nói với tôi: "Ngần này tuổi đầu, chứng kiến nhiều lần ngập lụt nhưng đây là lần đầu tiên tôi phải di dời. Lúc đầu tôi rất ngại nhưng được các cô quan tâm nên tôi rất cảm động. Có cháu bé mới đến lạ lẫm nhưng sau đó tươi cười vui chơi. Chúng tôi chỉ mong người dân nhanh chóng di dời khi được lệnh để an toàn cho gia đình", cô Thanh bày tỏ.
Hiện tại học sinh của Trường Tiểu học Thụy Phương đang học tập bình thường do địa hình trường trên cao không bị ngập lụt. Tuy nhiên, một số trường hợp phụ huynh muốn con nghỉ học về quê nên cô Thanh vận động để học sinh ở lại đi học. Nhà trường sẵn sàng hỗ trợ học sinh nếu gia đình gặp khó khăn cần giúp đỡ.
Hệ thống bếp sẽ phục vụ hết công suất phục vụ bà con
Cô Nguyễn Thị Hảo, Phó hiệu trưởng Trường THCS Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm cho biết: "Nhà trường có thể đón được khoảng 200 người đến trú bão. Trong đó, chúng tôi đã chuẩn bị phòng thư viện có thể ở được khoảng 100 người, 3 phòng bán trú khoảng 60 người. Tất cả đã sẵn sàng để hỗ trợ người dân".
Không chỉ chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, Trường THCS Thượng Cát cũng bố trí bếp ăn cung cấp lương thực.
"Buổi sáng bộ phận bếp sẽ nấu xôi mang đến tận nơi cho mọi người, buổi trưa thì ăn cơm bán trú với các học sinh, cùng với đó là chuẩn bị thêm mì tôm, nước, thịt, gạo. Hệ thống bếp sẽ đảm bảo hết công suất phục vụ bà con", cô Hảo cho biết.
Việc cho người dân tạm trú không ảnh hưởng đến học sinh của trường bởi đã phân ra khu vực riêng biệt, ngoài ra vào buổi sáng mọi người vẫn tản đi làm, khắc phục hậu quả tại nhà. "Chúng tôi dành mọi điều kiện tốt nhất phục vụ bà con như người thân trong gia đình mình, không kể sớm tối", cô Hảo bày tỏ.
Tại Trường THCS Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, từ tối 10/9, nhà trường cũng đã đón khoảng gần 10 người dân đến sơ tán.
Cô Nguyễn Thị Thịnh, Hiệu trưởng Trường THCS Đức Thắng cho biết: "Chúng tôi sẵn sàng mở cửa đón người dân bất cứ lúc nào. Cùng với đó, rà soát các gia đình học sinh ở vùng ngập và có nguy cơ ngập thì mời gia đình đến tạm trú".
Cũng theo chia sẻ của cô Thịnh, trường có thể cho từ 100-150 người ở tại khu vực bán trú của học sinh. Nơi đây đều được trang bị đầy đủ điều hòa, giường tầng, chăn màn, nhà vệ sinh, bếp ăn. Đối với học sinh vẫn có thể nghỉ ngơi tại lớp học, nhà trường đảm bảo đủ điều kiện học tập cho các em.
Theo thống kê từ Sở GDĐT Hà Nội, ngày 11/9, toàn TP có gần 130 trường trực thuộc không tổ chức học trực tiếp do ảnh hưởng nặng nề của bão Yagi. Nếu thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, trời còn mưa lớn thì dự báo số lượng trường phải tạm dừng học trực tiếp sẽ còn tăng.
Nhiều trường học thông báo, phụ huynh bám sát thông tin đăng tải, chia sẻ từ trường để nắm được lịch học của con mỗi ngày.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.