Nhiều vướng mắc trong phương án chuyển giao bắt buộc Ngân hàng TMCP Đông Á

Linh Anh Thứ hai, ngày 21/10/2024 13:13 PM (GMT+7)
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý tổ chức tín dụng yếu kém và xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng (trong đó có Ngân hàng Đông Á) còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài.
Bình luận 0

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XV đối với lĩnh vực ngân hàng.

Nhiều vướng mắc trong phương án chuyển giao bắt buộc Ngân hàng TMCP Đông Á - Ảnh 1.

Thống đốc NHNN, Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: VGP).

Nhiều vướng mắc trong phương án chuyển giao bắt buộc Ngân hàng Đông Á

Nhà điều hành cho biết, trong công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại (NHTM) đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc (năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm cơ cấu TCTD yếu kém) kéo dài và gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân, do việc này phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các NHTM và cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận tham gia nhận chuyển giao bắt buộc.

Đặc biệt, cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý TCTD yếu kém nói chung và để xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng mua bắt buộc và NHTMCP Đông Á nói riêng còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài.

Bên cạnh đó, năng lực một số cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, giám sát còn hạn chế trong điều kiện áp lực xử lý khối lượng công việc lớn, phức tạp, yêu cầu khẩn trương về tiến độ (vừa thực hiện công tác thanh tra, giám sát vừa thực hiện công tác cơ cấu lại ngân hàng yếu kém).

Siết chặt tình trạng sở hữu chéo, thao túng tổ chức tín dụng

NHNN cho biết, thời gian qua, nhà điều hành đã tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và quyết liệt triển khai các giải pháp ngăn ngừa, xử lý sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo, cho vay, đầu tư không đúng quy định cùng với quá trình cơ cấu lại TCTD.

Dữ liệu thống kê cho thấy, tình trạng sở hữu cổ phần vượt giới hạn, sở hữu chéo giữa TCTD; TCTD và doanh nghiệp theo báo cáo của TCTD qua xử lý đã giảm đáng kể so với các giai đoạn trước đây.

Dù vậy, cổ đông; cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định chủ yếu còn tại các Tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước. Do đó, NHNN kiến nghị cần tiếp tục chỉ đạo xử lý nhằm tập trung vốn cho hoạt động kinh doanh chính và sử dụng vốn có hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, công tác siết chặt tình trạng sở hữu chéo, thao túng tổ chức tín dụng cũng còn nhiều khó khăn.

Cụ thể, NHNN nêu, việc sở hữu chéo liên quan đến nhiều đối tượng thuộc sự quản lý của các bộ/ngành, tuy nhiên, đối tượng quản lý của NHNN chỉ là các TCTD nên việc sở hữu giữa các công ty trong lĩnh vực khác NHNN không có thông tin cũng như công cụ để kiểm soát. 

Đồng thời, việc kiểm soát sở hữu chéo giữa các công ty ngoài ngành với Ngân hàng rất khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che dấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật về sở hữu chéo sở hữu vượt mức quy định hoặc lách quy định về giới hạn cấp tín dụng nhóm khách hàng liên quan, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông và người có liên quan. 

Điều này dẫn tới tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của TCTD thiếu công khai, minh bạch, đồng thời, việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua công tác điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, việc phát hiện mối liên quan giữa các doanh nghiệp còn hạn chế do thông tin để xác định tính liên quan về sở hữu của các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng rất khó khăn, NHNN không chủ động được trong việc tra cứu thông tin cũng như xác định được độ chính xác, tin cậy của các nguồn thông tin; đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán, công nghệ phát triển nhanh như hiện nay.

Thứ ba, trong công tác thanh tra đối với Công ty tài chính tiêu dùng, NHNN chỉ ra, với đặc thù hoạt động của Công ty tài chính tiêu dùng chủ yếu cho vay nhóm khách hàng có thu nhập thấp hoặc không ổn định; khoản vay có giá trị nhỏ, mục đích vay để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng hàng ngày, các công ty tài chính đã ứng dụng phương thức điện tử đối với hoạt động cấp tín dụng trước, trong và sau cho vay. 

Tuy nhiên, hiện khung khổ pháp lý điều chỉnh các hành vi liên quan đến hoạt động trước trong và sau cho vay của Công ty tài chính bằng phương tiện điện tử chưa được hoàn chỉnh đồng bộ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem