Cập nhật 10h30' ngày 21/10, giá vàng miếng SJC tăng vọt 2 triệu đồng mỗi lượng, lên 86 - 88 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Cụ thể, tại Công ty SJC, vàng miếng SJC giao dịch ở mức 86-88 triệu đồng/lượng, tăng 2 triệu đồng/lượng so với phiên cuối tuần trước. Chênh lệch giá mua vào - bán ra ở mức 2 triệu đồng/lượng.
86 triệu đồng/lượng mua vào và 88 triệu đồng/lượng bán ra cũng là giá niêm yết vàng SJC tại các thương hiệu DOJI, Bảo Tín Minh Châu, PNJ....
Trong khi đó, giá sản phẩm nhẫn tròn trơn tại các doanh nghiệp sáng nay cũng tiếp tục được điều chỉnh tăng mạnh.
Cập nhật tại Công ty SJC, giá vàng nhẫn niêm yết ở mức 84,7 - 86 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 700.000 đồng/lượng tại chiều mua vào và đi ngang ở chiều bán ra. Chênh lệch hai chiều mua vào - bán ra thu hẹp về 1,3 triệu đồng/lượng.
Cùng thời điểm, tại Bảo Tín Minh Châu, sản phẩm vàng nhẫn tròn trơn ghi nhận giá mua vào - bán ra ở mức 85,48 - 86,48 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 960.000 đồng/lượng mỗi chiều so với chốt phiên trước. Chênh lệch hai chiều mua vào - bán ra ở mức 1 triệu đồng/lượng.
Ở thương hiệu DOJI, giá vàng nhẫn tròn 9999 (Hưng Thịnh Vượng) mua - bán lần lượt là 85,5 - 86,5 triệu đồng/lượng, tăng 950.000 đồng ở cả hai chiều so với chốt phiên trước.
Sáng nay, cập nhật lúc 10h40' (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới niêm yết trên Tradingeconomics ở mức 2.731,8 USD/ounce, tăng 10,6 USD/ounce so với phiên giao dịch trước.
Thời gian gần đây, giá vàng trong nước luôn ghi nhận diễn biến phức tạp. Giới phân tích cho rằng, diễn biến giá vàng trong nước thường cùng chiều với giá vàng thế giới.
Theo đó, nhiều chuyên gia cho rằng, sự gia tăng của giá vàng thế giới được thúc đẩy bởi căng thẳng leo thang ở Trung Đông, bất ổn xung quanh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, và kỳ vọng giảm bớt chính sách tiền tệ từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Nguyên nhân do vàng luôn được xem là nơi trú ẩn an toàn trong các thời kỳ biến động và bất ổn, do đó, giá vàng đã phản ứng mạnh mẽ.
Theo nhà phân tích Naeem Aslam, Giám đốc đầu tư tại Zaye Capital Markets, tâm lý Fomo ngày càng tăng trên thị trường vàng có thể là dấu hiệu của bong bóng. "Giá càng tăng cao mà không có sự điều chỉnh, càng trở nên mong manh", vị này nhận định.
Dự báo về xu hướng vàng, Marc Chandler, Giám đốc điều hành tại Bannockburn Global Forex, cho biết, nhìn chung, giá vàng vẫn có đà tăng. “Căng thẳng ở Trung Đông vẫn ở mức cao và hội nghị thượng đỉnh BRICS sắp tới làm nổi bật nhu cầu của ngân hàng trung ương đối với kim loại màu vàng”, ông Marc Chandler nhấn mạnh.
Tại báo cáo triển vọng toàn cầu quý IV, Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore) nâng dự báo tích cực về vàng lên 3.000 USD/ounce vào quý III/2025. Dù vậy, UOB đã có cái nhìn tích cực về vàng kể từ tháng 3/2022 khi giá vàng bắt đầu kiểm tra ngưỡng kháng cự 2.000 USD/ounce. Kể từ đó, UOB liên tục nâng dự báo về vàng khi các động lực tích cực tăng lên.
Ngân hàng UOB vẫn lạc quan về vàng và nâng dự báo lên 2.700 USD/oz cho quý IV tới, 2.800 USD/oz cho quý I/2025, 2.900 USD/oz cho quý II/2025 và 3.000 USD/oz cho quý III/2025.
Liên quan đến vấn đề quản lý hoạt động kinh doanh vàng giữa bối cảnh giá vàng liên tục biến động trong thời gian qua, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối Đào Xuân Tuấn cho biết, nhà điều hành vẫn đang tiếp tục nghiên cứu giải pháp quản lý phù hợp đối với mặt hàng kim loại quý này.
Tuy nhiên, việc 4 ngân hàng thương mại và Công ty SJC tham gia bán vàng "bình ổn", dù đã thu hẹp mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và thế giới nhưng Ngân hàng Nhà nước cho biết đây chỉ là giải pháp tạm thời. Thời gian tới, nhà điều hành sẽ tiếp tục nghiên cứu để trình Chính phủ giải pháp căn cơ hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.