Nhìn lại 8 sự kiện Giáo dục nổi bật nhất năm 2023

Tào Nga Thứ ba, ngày 26/12/2023 06:46 AM (GMT+7)
Cùng báo Dân Việt nhìn lại những sự kiện Giáo dục nổi bật trong năm 2023 - một năm ghi dấu ấn với những thành công, đổi mới, được giáo viên, phụ huynh, học sinh và các chuyên gia đồng thuận, ủng hộ. Tuy nhiên vẫn còn đâu đó "điểm đen" khiến dư luận bức xúc.
Bình luận 0

Những sự kiện Giáo dục nổi bật nhất năm 2023

1. 10 năm thực hiện Nghị quyết 29

Năm 2023 ghi dấu ấn với kỷ niệm 10 năm thực hiện Nghị quyết 29. Trước đó, ngày 4/11/2013, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" (Nghị quyết 29). Nghị quyết đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo nước ta. 

Cụ thể, hệ thống các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện đã được ban hành tương đối toàn diện, bao quát; thể chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho đổi mới giáo dục và đào tạo; công tác quản lý giáo dục và quản trị nhà trường có chuyển biến tích cực theo hướng tăng cường phân cấp quản lý, giao quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình. 

Nhìn lại 8 sự kiện Giáo dục nổi bật năm 2023 - Ảnh 1.

Năm 2023 - tròn 10 năm thực hiện Nghị quyết 29. Ảnh: Tào Nga

Hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân; cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi; duy trì vững chắc, từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở.

Ban hành và tổ chức triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới, chuyển từ nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh; triển khai một chương trình nhiều sách giáo khoa và xã hội hóa trong biên soạn, phát hành sách giáo khoa bước đầu tạo chuyển biến tích cực, tạo nên sự chủ động, sáng tạo cho giáo viên, học sinh và nhà trường; chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn ngày càng nâng cao, được thế giới ghi nhận...

2. Đề xuất miễn học phí

Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, hiện nay chỉ có đối tượng học sinh tiểu học trường công lập không phải đóng học phí và một số đối tượng học sinh khác được miễn học phí. Nhưng một số địa phương trong năm học 2023-2024 như TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Bình đã chính thức thông qua nghị quyết về miễn học phí cho toàn bộ các cấp học từ mầm non đến phổ thông công lập. Quyết định này đưa ra được dư luận nức lòng và nhiệt tình ủng hộ, nhất là sau thời gian dịch Covid-19, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn.

Năm học trước Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã có đề xuất miễn học phí và trước câu chuyện học phí "nóng" dịp khai giảng đầu năm học 2023-2024, báo điện tử Dân Việt thực hiện loạt bài: "Miễn học phí – Có thể hay không thể?" với các góc nhìn đa chiều từ nhiều phía như phụ huynh, nhà trường, lãnh đạo các địa phương, chuyên gia, cơ quan quản lý...

3. Bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên

Năm 2023, Chính phủ ban hành Nghị định 85/2023/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2023 về tuyển dụng và quản lý viên chức, trong đó sửa đổi tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Với Nghị định này, chính thức bỏ thi thăng hạng viên chức, thay vào đó sẽ xét thăng hạng. Viên chức được đăng ký dự xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện.

Theo đó, viên chức phải được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật; không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định.

Trước đó, vào tháng 8, hàng nghìn giáo viên Hà Nội và một số tỉnh thành cả nước gửi đơn kiến nghị bỏ thi thăng hạng và bỏ quy định 9 năm đại học. Ngay sau khi có quyết định bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, giáo viên cả nước vui mừng ủng hộ.

Nhìn lại 8 sự kiện Giáo dục nổi bật năm 2023 - Ảnh 2.

Cô trò Trường Tiểu học Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: NVCC

4. Tăng lương giáo viên

Từ ngày 1/7/2023, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng. Do vậy lương giáo viên cũng đã được điều chỉnh từ thời điểm này.

Lương hiện nay của giáo viên như sau: Ở các bậc Tiểu học, THCS, THPT, lương thấp nhất là 4,212 triệu đồng và cao nhất là 12,204 triệu đồng. Với giáo viên bậc Mầm non, lương thấp nhất là 3,780 triệu đồng và cao nhất là 11,484 triệu đồng.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã cho biết trước Quốc hội, tiền lương của giáo viên sẽ được ưu tiên xếp cao nhất trong thang bảng lương khối hành chính sự nghiệp khi cải cách tiền lương. Nhìn tổng thể thu nhập của nhà giáo hiện nay bao gồm tiền lương, cộng các khoản phụ cấp chức danh nghề nghiệp. Nhìn chung mức tiền lương của giáo viên đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp.

5. Nhiều huy chương quốc tế

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GDĐT Nguyễn Ngọc Hà cho biết, năm 2023 là một năm gặt hái nhiều thành tích xuất sắc của các đội tuyển tham dự Olympic quốc tế, khu vực và Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế.

Cụ thể, Việt Nam có 7 đoàn học sinh tham dự với 36 lượt học sinh tham gia gồm 1 đoàn Tin học tham dự Olympic khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, 1 đoàn Vật lí tham dự Olympic khu vực Châu Á và 5 đoàn tham dự Olympic quốc tế gồm Toán, Hóa học, Sinh học, Vật lý và Tin học.

Nhìn lại 8 sự kiện Giáo dục nổi bật năm 2023 - Ảnh 3.

Năm 2023 là một năm gặt hái nhiều thành tích xuất sắc của các đội tuyển tham dự Olympic quốc tế. Ảnh: MOET

Các đoàn học sinh Việt Nam đã đạt thành tích xuất sắc với 8 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 12 Huy chương Đồng và 4 Bằng khen. Các đoàn học sinh của Việt Nam dự thi liên tục nằm trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất và có nhiều học sinh Việt Nam đạt điểm số cao nhất.

Nhằm ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực của thầy và trò các đội tuyển, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã ký quyết định tặng Bằng khen cho 5 học sinh, 5 tập thể và 37 thầy cô giáo.

6. Điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT

Đẩy thời gian thi vào cuối tháng 6; sử quy định về các vật dụng thí sinh được phép mang vào phòng thi; bỏ quy định về bản sao sổ đăng ký hộ khẩu thường trú để được hưởng chế độ ưu tiên liên quan đến nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; 2 hình thức đăng ký dự thi; Không còn sự giám sát của thanh tra trong quá trình chấm phúc khảo bài thi tự luận; sửa đổi, bổ sung liên quan đến một trong những đối tượng thuộc diện cộng 0,25 điểm ưu tiên... là một số điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Năm nay, tổng số thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT là 1.024.063 em. Trong đó, số thí sinh đăng ký trực tuyến là 968.160, chiếm 94,42%; số thí sinh đăng ký trực tiếp là 57.104, chiếm 5,58%. 

7. Biên soạn một bộ sách giáo khoa

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mới đây ký ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GDĐT tổng kết việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018, trên cơ sở đó đề xuất phương án, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội việc tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa theo quy định tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội trong năm 2025; ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá sách giáo khoa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, phát hành để giảm giá thành sách giáo khoa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ phải nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 88, trong đó yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa.

8. Nhức nhối nạn bạo lực học đường

Mặc dù năm 2023 ghi nhiều dấu ấn về những đổi mới và thành tựu của ngành giáo dục nhưng tình trạng bạo lực học đường vẫn còn nhức nhối, gây bức xúc dư luận.

Hàng loạt các vụ bạo hành của học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên đã được điểm tên. 

Vụ cô giáo bị nhóm học sinh xúc phạm, hành hung ngất xỉu ở Tuyên Quang: Chuyên gia giáo dục cũng giật mình - Ảnh 1.

Cô giáo bị nhóm học sinh xúc phạm, hành hung ngất xỉu ở Tuyên Quang. Ảnh cắt từ clip

Có thể kể đến các vụ như vụ cô giáo ở Tuyên Quang bị cả lớp lăng mạ, ném dép vào mặt; nam sinh lớp 7 ở Vũng Tàu đâm bạn nữ cùng lớp rồi tự tử; sinh viên IT đâm chết 2 nữ sinh cấp 3; vụ nam sinh lớp 7 ở Trường THCS Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội bị nhóm bạn đánh đến mức phải nhập viện điều trị rối loạn tâm thần hay vụ nam sinh lớp 8 bị bạn tác động vào vùng kín ở Ứng Hoà, Hà Nội...

Theo thống kê từ Bộ GDĐT, từ tháng 9/2021 đến đầu tháng 11/2023, trên cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường, liên quan đến 2.016 học sinh, trong đó có 854 học sinh nữ. Bình quân 50 cơ sở giáo dục thì xảy ra một vụ bạo lực học đường. Đáng chú ý, các vụ việc bạo lực học đường với số lượng lớn học sinh tham gia chiếm tỉ lệ ngày càng cao. Bạo lực học đường xảy ra cả trong và ngoài trường học...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem