Nhìn lại mùa thi, tuyển sinh 2023: Quá nhiều thí sinh "biến mất", giảm ảo thiếu hiệu quả
Nhìn lại mùa thi, tuyển sinh 2023: Quá nhiều thí sinh "biến mất", giảm ảo thiếu hiệu quả
Thứ hai, ngày 11/09/2023 09:46 AM (GMT+7)
Mục tiêu giảm thiểu trúng tuyển ảo theo các quy định và quy trình tuyển sinh chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Tỉ lệ thí sinh ảo chung vẫn xấp xỉ 20%, tương ứng với hơn 100.000 em
Với việc kết thúc xác nhận nhập học trên hệ thống tuyển sinh chung đối với các thí sinh trúng tuyển đại học (ĐH) đợt 1 năm 2023 vào ngày 8/9 vừa qua, có thể xem kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã thực hiện đủ 3 mục tiêu. Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2023, kỳ thi có 3 mục tiêu chính: Đánh giá kết quả dạy và học chương trình THPT; để xét tốt nghiệp THPT; làm cơ sở cho các trường ĐH, CĐ xét tuyển.
Nhiều thách thức về nâng cao chất lượng dạy học
Đề thi tương đối ổn định với điểm trung bình các môn khá bình ổn từ khi kỳ thi này có tên gọi là kỳ thi tốt nghiệp THPT vào năm 2020 theo Luật Giáo dục 2018.
Hai môn lịch sử và ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) đã thoát được hiện trạng điểm trung bình môn thi "dưới trung bình" (điểm 5). Tuy nhiên, điều này chắc chắn do việc điều chỉnh đề thi (bám sát chương trình môn thi hơn và đánh giá năng lực hơn là kiểm tra kiến thức), chứ không hẳn là do tác động của việc thay đổi nội dung chương trình hay cách dạy và học.
Hơn nữa, thí sinh các tỉnh miền núi, biên giới vẫn có điểm trung bình ngoại ngữ thấp nhất. Chênh lệch điểm trung bình môn ngoại ngữ giữa địa phương có kết quả cao nhất (TP HCM 6,86 điểm) với địa phương có kết quả thấp nhất (Hà Giang 3,83 điểm) lên đến 3 điểm, cho thấy việc nâng cao chất lượng dạy và học môn ngoại ngữ ở bậc phổ thông còn là một thách thức rất lớn đối với ngành giáo dục.
Ngoài ra, điểm trung bình môn giáo dục công dân liên tục rất cao, chênh lệch nhiều so với các môn thi khác chắc chắn cũng góp phần khiến tỉ lệ học sinh chọn bài thi khoa học xã hội luôn cao hơn khi thi tốt nghiệp trong nhiều năm qua.
Kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm trung bình lớp 12 vẫn cho thấy có sự chênh lệch khá cao ở nhiều địa phương. Điều này đặt ra nhiều vấn đề về nâng cao mức độ trung thực và chuẩn hóa trong đánh giá kết quả học tập lớp 12 của học sinh cũng như sử dụng kết quả học bạ THPT trong xét tuyển ĐH.
Gần 120.000 thí sinh "biến mất" dù đã trúng tuyển
Xét tuyển vào các trường ĐH vẫn là lựa chọn quan trọng hàng đầu của học sinh lớp 12. Khi làm thủ tục đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023, trong hơn 1 triệu thí sinh, khoảng 93% em dự kiến đăng ký xét tuyển (ĐKXT) các trường ĐH. Tuy nhiên, sau khi thí sinh đã đăng ký theo các phương thức xét tuyển sớm tại trường ĐH, chỉ còn khoảng 66% (660.000 em) chính thức ĐKXT trên hệ thống tuyển sinh chung. Tình trạng này cũng giống như năm 2022. Điều đó cho thấy với các quy định, quy trình tuyển sinh mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành từ năm 2022, tiếp tục áp dụng trong năm 2023, việc yêu cầu thí sinh phải ĐKXT khi làm thủ tục đăng ký dự thi chỉ mang tính kỹ thuật (cấp mã đăng nhập hệ thống tuyển sinh sau này) và thăm dò số lượng thí sinh ĐKXT ĐH.
Phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT (hoặc kết hợp với điểm thi tốt nghiệp) vẫn là sự lựa chọn của đông đảo thí sinh. Bởi lẽ, khi ĐKXT chính thức lên hệ thống, chỉ 1/3 thí sinh được xét trúng tuyển sớm tại trường đặt nguyện vọng đã được xét trúng tuyển này ở nguyện vọng 1.
Kết quả xét tuyển đợt 1, đợt quan trọng nhất, công bố ngày 22-8 cho thấy đã xét trúng tuyển được hơn 612.000 thí sinh, chiếm 93% tổng số em ĐKXT trên hệ thống và cao hơn tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH cả nước năm 2023. Tuy nhiên, khi kết thúc thời hạn quy định (ngày 8-9), chỉ có gần 500.000 thí sinh xác nhận nhập học trên hệ thống. Nghĩa là, gần 120.000 thí sinh được gọi trúng tuyển nhưng đã "biến mất".
Tình trạng này lại giống như năm 2022. Điều đó cho thấy mục tiêu giảm thiểu "trúng tuyển ảo" theo các quy định và quy trình tuyển sinh chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Tỉ lệ thí sinh ảo chung vẫn xấp xỉ 20%, tương ứng với hơn 100.000 em.
Có thể có nhiều nguyên nhân làm cho việc lọc ảo không đạt hiệu quả. Trong đó có nguyên nhân là mới chỉ hơn 50% số trường ĐH tham gia hệ thống lọc ảo chung (58 trường ĐH phía Bắc do ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì và 86 trường phía Nam do ĐHQG TP HCM chủ trì).
Bên cạnh đó, tỉ lệ thí sinh ảo tại từng trường cũng rất khác nhau. Do chênh lệch về số lượng nguyện vọng ĐKXT nên nhiều trường tuyển không đến 50% chỉ tiêu. Hơn 90 trường ĐH thông báo xét tuyển bổ sung. Trong đó, nhiều trường đã phải công bố xét tuyển bổ sung ngay sau khi thông báo kết quả xét tuyển đợt 1 chứ không chờ đến ngày 8-9 theo quy định. Điều này cho thấy khi hậu kiểm, chắc chắn sẽ có nhiều trường ĐH tuyển vượt chỉ tiêu được giao hoặc đã đăng ký.
Như vậy, bức tranh tuyển sinh còn chưa định hình rõ nét khi việc xét tuyển vào các trường ĐH còn quá nhiều phương thức…
4 năm liên tiếp, tỉ lệ tốt nghiệp trên 98%
Học sinh sẽ tốt nghiệp THPT nếu có điểm xét không dưới 5 và không có môn thi nào bị điểm liệt (từ 1 trở xuống).
Tổng số điểm liệt các môn năm 2023 là 656, giảm nhiều so với những năm trước (2020: 1.262, 2021: 1.280, 2022: 1.094). Với tình hình điểm trung bình lớp 12 vẫn được cho "rộng rãi", số điểm liệt lại ít và điểm trung bình các môn thi đều cao, năm 2023, tỉ lệ tốt nghiệp của cả nước đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố là 98,88%, cao nhất kể từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Gần 30 tỉnh, thành phố đã công bố tỉ lệ tốt nghiệp hệ THPT cao hơn 99%. Tỉnh Hà Giang có tỉ lệ tốt nghiệp thấp nhất cũng đạt 94,15%, xấp xỉ năm 2022 (94,45%).
Với tỉ lệ tốt nghiệp 4 năm liên tiếp đều cao hơn 98%, việc dùng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT đã trở thành mục tiêu thứ yếu, vì hầu hết học sinh đều sẽ đạt tốt nghiệp sau kỳ thi. Có lẽ nên trở lại tên "kỳ thi THPT quốc gia" như trước năm 2020, thay vì "kỳ thi tốt nghiệp THPT" như hiện nay để xã hội hiểu rõ thêm các mục tiêu khác của kỳ thi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.