Nhìn lại những trận đại hồng thủy rợn người tại miền Trung

D.V (tổng hợp) Thứ bảy, ngày 15/10/2016 22:10 PM (GMT+7)
Rốn lũ miền Trung đã đang tiếp tục phải hứng chịu những trận mưa lũ lịch sử. Trận mưa lũ hiện nay chỉ là một trong nhiều trận đại hồng thủy làm con người miền Trung thêm khó khăn, khốn đốn...
Bình luận 0

Lũ dữ nhấn chìm miền Trung do bão Nari

Ngày 15.10.2013, sau khi cơn bão Nari (bão số 11) quét qua các tỉnh miền Trung, hoàn lưu bão kết hợp không khí lạnh gây ra trận lũ lớn, bủa vây các tỉnh miền Trung gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam. Nhiều tuyến đường bị sạt lở, chia cắt; trong khi tại miền núi, nước ngập tới mái nhà, cô lập nhiều xã, huyện.

img

Nước lũ dâng cao gần ngập nóc nhà ở Quảng Bình. Ảnh: VNN 

Tính đến thời điểm chiều 16.10 của năm 2013 đó, trên địa bàn huyện Hương Sơn đã có ít nhất 6 người chết do lũ cuốn trôi, trong đó có 2 em học sinh, hàng trăm nhà dân ngập chìm trong biển nước. Có 4 người đang bị mắc kẹt trong vùng lũ, phải trèo lên ngọn cây.

Mưa lớn kèm lốc xoáy còn làm 2 người chết ở xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Trong khi đó ở đập Sói Mực, huyện Bố Trạch nước lũ dâng cao cuốn trôi 2 cô giáo đang trên đường đi dạy học.

Trận lụt này mới diễn ra trong ngày đầu đã cướp đi sinh mạng, tài sản của nhiều người dân.

Bão Wutip gây trận “đại hồng thủy” ở miền Trung

Ngày 30.9.2013, bão Wutip (bão số 10) cũng hoành hành miền Trung, gây ra trận “đại hồng thủy” làm 9 người chết, 199 người bị thương, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

img

Một phụ nữ rơi nước mắt chờ được cứu ra khỏi ngôi nhà bị ngập ở tỉnh Hà Tĩnh

Cơn bão này đã gây ra một cơn lũ kinh hoàng nhất sau gần nửa thế kỷ. Cơn lũ đi qua, nhiều gia đình lâm vào cảnh kiệt quệ. Họ phải gắng gượng đứng dậy khắc phục hậu quả cùng sự chung tay của cộng đồng.

Người dân mệt mỏi, ủ rũ sau mấy đêm trắng chạy lụt trở về nhà từ nơi di tản thì họ lại phải vất vả để dọn dẹp lại đống đổ nát. Thi thoảng, từ trong những ngôi nhà ngấm bùn đất lại vọng ra tiếng kêu khóc não lòng: “Trôi hết rồi, còn chi nữa mô. Lấy chi mà ăn đây…”.

Năm 2011, lụt lội ở miền Trung, 55 người chết

Từ giữa tháng 10.2011, các trận lụt ở miền trung làm 55 người chết. Nước lụt cũng đã nhấn chìm khoảng 170.000 căn nhà và 23.700 hecta hoa màu.

Tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất là Quảng Bình, nơi hàng ngàn ngôi nhà ngập trong nước. Cơ quan chức năng đã sơ tán khoảng 7.200 người ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Lụt lội do mưa lớn gây nên cũng làm hư hại một số đoạn đường trên quốc lộ 1, gây nên cảnh tắc nghẽn giao thông trong khi ít nhất 5 chuyến tàu chở khoảng 2.000 hành khách cũng bị mắc kẹt ở tỉnh Quảng Trị. Năm 2010, Hà Tĩnh hứng trọn trận lũ lịch sử 100 năm có một

Đầu tháng 10.2010, mưa như trút, nước lũ lên “siêu tốc” chưa từng thấy trong 100 năm qua đã nhấn chìm huyện Hương Khê trong biển nước. Hàng ngàn hộ dân rơi vào cảnh “màn trời, chiếu đất” trước sự uy hiếp kinh hoàng của cơn đại hồng thủy. Các huyện vùng trũng Quảng Ninh, Lệ Thủy (Quảng Bình) chìm sâu trong nước. Trận lụt làm hàng ngàn hộ dân của huyện Hương Khê phải thức trắng để canh lũ trên những nóc nhà, cành cây trong đói, rét và nguy cơ bị lũ cướp đi tính mạng bất cứ lúc nào.

Trước đó, miền Trung cũng hứng chịu một trận đại hồng thủy vào năm 1999. 

Trận lũ lịch sử đó bắt đầu vào đêm 1.11.1999 và kéo dài suốt một tuần lễ. Cả miền Trung (từ Quảng Trị đến Bình Định) chìm trong biển nước, ác liệt nhất là Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam. Trận lũ nhấn chìm 20 huyện, thị xã Miền Trung , làm 595 người chết, 41.846 ngôi nhà, 570 ngôi trường bị sụp và trôi. Tổng thiệt hại ước tính hơn 3.800 tỷ đồng, tính tại thời điểm năm 1999.

img

Những cách tay đói lả nhận thức ăn tại Ngã ba Tuần - Thừa Thiên Huế trong ngày thứ 5 của trận lụt năm 1999. Ảnh: Tuổi Trẻ

Trận lũ này do tác động của không khí lạnh mạnh kết hợp với dải áp thấp xích đạo, các nhiễu động trên cao và cuối cùng là áp thấp nhiệt đới, các tỉnh miền Trung Việt Nam đã phải hứng chịu những trận mưa rất lớn từ ngày 1 đến 6 tháng 11.1999, gây ra lũ lụt nghiêm trọng, nhấn chìm nhiều huyện, thị xã, làm thiệt hại tài sản. Tỉnh chịu thiệt hại nặng nhất là Thừa Thiên-Huế, do đó trận lũ lụt đã đi vào ký ức khó phai mờ của người dân tỉnh này.

Sau lũ lụt, Chính phủ Việt Nam đã tổ chức cứu trợ đồng bào vùng lũ đồng thời kêu gọi những sự hỗ trợ từ quốc tế. Nhiều quốc gia và các tổ chức trên thế giới đã cứu trợ nhằm khắc phục hậu quả do thiên tai này gây ra. Đợt mưa lũ tháng 11.1999 này cũng đã xác lập nhiều kỷ lục lịch sử trong các thống kê, so sánh về thiên tai và thiệt hại thiên tai gây ra tại Việt Nam, tuy nhiên, một số kỷ lục bị các trận lũ lụt khác về sau phá vỡ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem