Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Mới đây, một phụ huynh đã chia sẻ trong phần bình luận một bài viết về việc học của học sinh ngày nay gây chú ý. Theo đó, phụ huynh này cho biết lịch học của con lớp 1 như sau:
- Sáng và chiều học trên trường, 4h30 đón về.
- 7h đi học thêm đến 9h30 về.
- 22h làm bài tập về nhà trên lớp và làm bài tập thêm ở sách nâng cao ngoài đến 0h đi ngủ. Nếu có đợt kiểm tra luyện đề cô cho đến 1-2h sáng mới đi ngủ.
Sau 1 năm học con đạt Giải Nhất Trạng Nguyên cấp tỉnh.
Giải Nhất Olympic cấp Quốc gia.
Tổng được 4 giải 4 Huy chương Vàng cấp tỉnh và Quốc gia môn Tiếng Việt và Toán".
Phần chia sẻ trên nhận được quan tâm từ nhiều phụ huynh, tuy nhiên chưa biết thực tế ra sao nhưng ai cũng phải choáng vì với học sinh lớp 1 học như vậy là quá nhiều, quá áp lực.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, bày tỏ: "Khi tôi đọc được những dòng bình luận này thì thực sự tôi bị sốc. Vẫn biết các bố mẹ luôn rất kỳ vọng vào con mình, muốn con thật giỏi giang để còn đi khoe nhưng nếu đến mức độ này thì thực sự là hại con rồi. Đó là chưa kể các kỳ thi mà họ cho con tham gia từ lớp 1 thực chất chỉ là những cuộc vui do các công ty tư nhân tổ chức, giải thưởng không có giá trị gì.
Ban đầu, tôi khá ngơ ngác khi đọc thông tin các giải thưởng của cháu bé và nghĩ là Bộ GDĐT chắc chắn không thể tổ chức các giải cho lớp 1 được. Tuy nhiên, khi được biết các cuộc thi do các tổ chức tư nhân thực hiện thì tôi cảm thấy quá lo ngại cho những đứa trẻ bị đem ra làm màu cho chính cha mẹ chúng từ những giải thưởng kiểu này".
Trẻ lớp 1 chỉ cần đọc được, viết được, không cần hiểu rõ, không cần đúng chính tả hoàn toàn. Các con mới vào năm học đầu tiên của cuộc đời. Nếu gây áp lực quá mức, hậu quả sẽ vô cùng lớn.
Điều quan trọng nhất với trẻ lớp 1 là tính tự lập, tự giác và sẵn sàng học hỏi. Quá trình học tập kéo dài 12 năm và hơn nữa. Do vậy, nếu các con hoảng sợ, dẫn đến căm ghét việc học, các con sẽ gặp muôn vàn khó khăn trong lớp 1 và các năm học tiếp theo.
Với lớp 1, yêu cầu phải đơn giản nhất có thể. Theo quan sát của tôi, rất nhiều quốc gia trên thế giới không đưa ra các yêu cầu với các học sinh lớp 1. Do vậy, các kỳ thi kiến thức cũng thực sự bị cấm với lớp học này".
Trước băn khoăn của phụ huynh về việc nếu không học sẽ thua kém bạn bè, không vào được trường tốt, tương lai sẽ khó khăn… bà Hương cho hay: "Thực ra, nếu nói phụ huynh lo lắng các con thua bạn kém bè, họ sẽ chỉ yêu cầu các con theo lớp thoải mái là được. Để đến mức con học hết toàn bộ thời gian như trong bình luận này, chắc chắn phụ huynh khao khát thành tích và giải thưởng chứ không phải lo lắng tương lai của con mình".
Cũng liên quan đến nội dung này, Nhà báo Trương Anh Ngọc chia sẻ: "Tôi không có quyền phán xét người khác vì mỗi người có một lựa chọn mang tính cá nhân đều do chính người đó chịu trách nhiệm. Tôi chỉ nghĩ thời ngày xưa đi học không áp lực, không khổ sở, không nhiều bài tập, không phải học thêm tối ngày như bây giờ.
Khi tôi đi công tác một thời gian ở nước ngoài. Con tôi đến trường thích mang cặp thật to vì con thích cho vào đấy đủ thứ chứ không phải vì trường bắt phải thế. Vẫn nhớ con đi học tuần đầu tiên của lớp 1, hỏi con là lớp 1 khác với mẫu giáo thế nào, con bảo, hệt như mẫu giáo, chỉ khác là không được mang đồ chơi đến lớp thôi. Tuần ấy, bọn trẻ chỉ chép đúng một dòng này trong cuốn vở tập viết vốn đã nguệch ngoạc các hình vẽ đủ màu sắc: "Tôi hạnh phúc".
Sai lầm lớn của các bậc cha mẹ là cho rằng, cho con đi học là một dạng đầu tư. Suy nghĩ như thế nghĩa là chúng ta đã đặt câu chuyện lợi ích, câu chuyện được gì và mong muốn một cách cụ thể con cái sẽ ra sao theo định hướng của chúng ta và gần như tạo ra một áp lực lớn để uốn trẻ phải theo. Đa phần chúng ta sẽ thất vọng nếu con không đáp ứng được kỳ vọng đôi khi rất cao ấy.
Hãy đơn giản nghĩ, tạo mọi điều kiện cho con đi học chính là trách nhiệm và bổn phận của bố mẹ, còn sau này con lớn lên có rất nhiều con đường để hướng tới. Con khoẻ mạnh, sống tích cực, tử tế, với các kỹ năng sống dần dần được luyện trong hành trình sống ấy để thành một người bình thường đã là một điều tuyệt vời rồi.
Từ ngày con còn nhỏ, nhà tôi đã dạy con không so sánh bản thân với người khác, không nói mình có gì và họ không có gì và ngược lại. Nhà tôi dạy con mỗi người trong số các con là một màu sắc khác biệt và thế giới này đa dạng vì sự khác biệt ấy. Nhà tôi cũng bảo là chúng ta không hơn người khác đâu, nên đừng "dán nhãn" ai cũng đừng coi thường những người không có cuộc sống giống chúng ta. Trong lớp cũng con không có ai dốt cả, chỉ có những bạn chưa tiếp thu được hết. Mà bọn trẻ thực ra cũng chẳng hề biết các bạn học điểm số thế nào, còn đi họp phụ huynh thì giáo viên của lớp chỉ nói đến các câu chuyện của con chứ không bao giờ nói chuyện bạn khác hoặc bảo con mình giỏi hoặc không giỏi bằng ai.
Mục đích của giáo dục chưa bao giờ là nhồi nhét tri thức và khuyến khích bọn trẻ cũng như chính cha mẹ chúng ganh đua với nhau từng điểm số, từng bằng khen. Môi trường giáo dục cũng không chỉ là tri thức mà còn là cách để bọn trẻ học hỏi việc sống chung với nhau và nhìn nhận sự khác biệt của nhau thế nào. Đến khi nào bạn tự hào không phải vì việc con bạn đem đến cho bạn niềm vinh dự làm bố mẹ của một đứa học giỏi làm rạng danh dòng họ mà vì con tử tế, con sống tích cực, con khoẻ mạnh, con biết nhận ra và phân biệt đâu là điều tốt, điều xấu, điều tiêu cực thì đấy là một quá trình giác ngộ rồi".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.