Nhờ "sạch nhà, sạch ngõ, sạch đồng", nông thôn mới ở huyện Thạch Thất (TP.Hà Nội) lên tầm cao mới

Hải Đăng Thứ bảy, ngày 21/08/2021 07:02 AM (GMT+7)
Sau nhiều năm thực hiện, đến nay, mô hình "sạch nhà, sạch ngõ, sạch đồng" đã trở thành phong trào "3 sạch" tại các xã trên địa bàn huyện Thạch Thất (TP.Hà Nội).
Bình luận 0

Phong trào trên không chỉ giúp thay đổi thói quen sinh hoạt, sản xuất, bảo vệ môi trường của người dân mà còn giúp nâng chất lượng nông thôn mới (NTM) của địa phương này lên tầm cao mới.

Sạch từ nhà ra đồng

Chia sẻ với phóng viên Báo NTNN, ông Nguyễn Mạnh Hồng - Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết, ngay từ ngày đầu, xây dựng NTM, huyện đã xác định và coi trọng công tác vệ sinh trường, đặc biệt là môi trường trong sản xuất.

Theo đó, huyện đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho các xã, thị trấn phối hợp với các ban ngành đoàn thể tuyên truyền để người dân không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, sản phẩm xử lý môi trường nông nghiệp không có nguồn gốc rõ ràng, hết hạn; không vứt, đổ bừa bãi các vỏ bao bì, dụng cụ đựng các sản phẩm này sau khi sử dụng ra môi trường; thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật...

Thạch Thất (TP.Hà Nội): Bứt phá nhờ phong trào 3 sạch - Ảnh 1.

Trồng rau hữu cơ tại trang trại Hoa Viên ở xã Yên Bình, huyện Thạch Thất (Hà Nội). Ảnh: Hải Đăng

"Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, trong đó, có 5 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao; 6 mô hình sản xuất theo chuỗi, các mô hình liên kết cho thu nhập 333-445 triệu đồng/ha/năm".

Ông Hoàng Chí Lượng -

Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất

Để tiếp sức cho các xã, Thạch Thất đã đầu tư kinh phí để lắp đặt 369 thùng chứa vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật tại các trục chính của cánh đồng ở các xã, thị trấn, bố trí nơi lưu chứa tập trung và hợp đồng với công ty môi trường vận chuyển về khu lưu giữ, xử lý đảm bảo môi trường. Riêng từ năm 2010 đến hết năm 2020, tại các địa phương đã thu gom, vận chuyển, xử lý 9,9 tấn vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật về nơi xử lý an toàn.

Trên các tuyến đường liên huyện, xã, thôn, xóm, huyện cũng chỉ đạo các xã tiếp tục trồng bổ sung hoa, cây xanh, xây dựng và giao đoạn đường, tuyến phố tự quản, tranh tường bích họa cho các tổ chức, đoàn thể đảm nhận.

Về vấn đề xử lý rác sinh hoạt, các xã, thị trấn đã tổ chức cho các hộ gia đình đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định.

Bên cạnh đó, các địa phương còn thường xuyên tổ chức các đợt phát động toàn dân tham gia vệ sinh môi trường tại các khu, cụm dân cư vào ngày thứ 7, Chủ nhật hàng tuần.

Là đơn vị nổi bật trong phong trào "3 sạch" tại Thạch Thất, đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thạch Thất đã đảm nhận quản lý 440 đoạn đường phụ nữ tự quản, trồng mới 114 đoạn đường nở hoa, 4 đoạn tường tranh bích họa, xóa 15 điểm chân rác thành đường hoa; 1 mô hình túi giấy thay thế túi nylon tại xã Đại Đồng; 18 mô hình phân loại rác thải tại nguồn; vận động xã hội hóa lắp đặt 134 thùng chứa rác thải sinh hoạt, 433 thùng, bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật ở 21 xã, thị trấn...

Thạch Thất (TP.Hà Nội): Bứt phá nhờ phong trào 3 sạch - Ảnh 3.

Công nhân chăm sóc lợn rừng theo hướng hữu cơ tại trang trại Hoa Viên ở xã Yên Bình, huyện Thạch Thất. Ảnh: Hải Đăng

Từ năm 2010 đến hết năm 2020, các địa phương ở Thạch Thất đã thu gom, vận chuyển, xử lý 9,9 tấn vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật về nơi xử lý an toàn.

Theo ông Hồng, tại các khu vực làng nghề, các địa phương cũng cho các cơ sở, hộ sản xuất ký cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường. Đến thời điểm này, 100% các cơ sở, hộ gia đình hoạt động làng nghề đã ký cam kết sản xuất đảm bảo môi trường, các cụm công nghệ đã đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải hiện đại.

"Từ việc thực hiện hiệu quả nhiều mô hình, phong trào bảo vệ môi trường đã góp phần giúp cuộc sống, sinh hoạt, thu nhập của người dân trên địa bàn các xã của Thạch Thất ngày càng được nâng cao hơn. Qua đó, cũng tạo điều kiện cho địa phương hoàn thiện các tiêu chí còn lại trong Bộ tiêu chí quốc gia về NTM"- Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất khẳng định.

Phấn đấu thu nhập đạt 120 triệu đồng/người/năm

Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết, sau 10 năm (2010-2020) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Thạch Thất đã có 21/22 xã đạt chuẩn NTM (riêng xã Thạch Hòa phát triển theo hướng đô thị); thu nhập bình quân của huyện đạt 70 triệu đồng/người/năm, gấp 5,4 lần so với năm 2010.

Hiện nay, huyện tiếp tục xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025; duy trì 100% xã đạt chuẩn NTM.

Nói về mục tiêu trong thời gian tới, ông Nguyễn Mạnh Hồng cho hay: Huyện Thạch Thất sẽ tiếp tục phát triển nông nghiệp theo quy hoạch đã được phê duyệt; đồng thời, thực hiện thí điểm xây dựng vùng nông nghiệp sử dụng công nghệ cao tại các xã: Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân, Đại Đồng...

Bên cạnh đó, huyện tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện chuyển đổi 367ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất rau, hoa, cây dược liệu, cây ăn quả và thủy sản, nâng cao hiệu quả giá trị sản xuất trên đơn vị canh tác.

"Sắp tới Thạch Thất sẽ đẩy mạnh phát triển mô hình "Mỗi xã một sản phẩm" dựa trên lợi thế, thế mạnh của mỗi địa phương; thực hiện chuyển mạnh lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, góp phần tăng năng suất lao động tại địa phương, nhằm mục tiêu đến năm 2025 thu nhập bình quân trên địa bàn đạt 120 triệu đồng/người..."- ông Hồng nhấn mạnh. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem