Tờ mờ sáng, các lò hấp cá tại phố biển Quy Nhơn đã bắt đầu nổi lửa, tấp nập cảnh xẻ cá, rửa mực… công nhân nhanh chóng đưa hải sản vào lò hấp.
Tuy chỉ mới 30 tuổi đời nhưng anh Nguyễn Thanh Sơn (trú TP.Quy Nhơn) đã có thâm niên gần 12 năm đứng lò hấp cá. Giờ đây, thân thể của anh lúc nào cũng nóng bừng bừng bởi mỗi ngày anh phải dành nhiều giờ đồng hồ để “tác nghiệp” bên bếp lửa.
Anh Sơn, cho biết: “Nghề này khổ cực lắm, phải chịu được cảnh tanh hôi và sức nóng của lửa. Tôi làm ở đây ăn lương theo sản phẩm, 3 ngàn đồng/ 1 rổ cá (mực) sau khi hấp, mỗi ngày thu nhập khoảng 150 ngàn đồng. Dù khó khăn nhưng mình làm riết rồi cũng quen, chứ không chữ nghĩa thì biết làm gì ra tiền”.
Mỗi ngày tại đây, nếu lượng hàng nhiều thì mỗi lò hấp trên 2 tấn cá và những sản phẩm hấp xong sẽ được vận chuyển đi tiêu thụ tại các mối quanh địa bàn Bình Định và các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Kon Tum…
“Công việc của tôi bắt đầu từ 4 giờ sáng đến lò để nhóm lửa, đun nước cho sôi và chờ hải sản sạch để hấp. Làm riết rồi thân nhiệt của cơ thể tôi bỗng dưng nóng hẳn lên, vợ ôm thì bảo cứ như “ôm cục than”, người thì nóng, hôi hám đủ mùi. Có ngày nhiệt độ tại lò lên đến 60 độ C, vừa làm tôi phải vừa xối nước lên người để tránh nóng. Dù sau giờ làm khi về nhà tôi có tắm dầu gội, sữa tắm thế nào cũng không hết mùi. Khi vô đây thì mới hết bị “kỳ thị” mùi bởi ai cũng hôi giống nhau cả”, anh Sơn chia sẻ.
Vận chuyển củi khô tiếp lửa cho lò hấp.
Đa phần việc rửa và cắt, xếp hải sản đều do phụ nữ tại lò đảm nhiệm. Các chủ lò thường tính công bằng cách ăn theo sản phẩm hoặc theo lương tháng.
Nhiều năm qua, chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (44 tuổi, trú TP Quy Nhơn) đã quen với công việc cắt và rửa cá. Chị không nhớ rõ bao nhiêu vết thương đã để lại sẹo trên tay chị do công việc này gây ra. Chị Tuyết, nói: “Tháng chủ trả cho tôi 2 triệu đồng, đủ tiền để trang trải cuộc sống qua ngày. Dù ít tiền nhưng nghề này đòi hỏi sự tỉ mỉ, không cẩn thận thì đứt tay như chơi”.
Theo kinh nghiệm của nhiều người làm nghề hấp cá tại đây, hải sản muốn ngon thì mực chỉ hấp chừng 10 phút còn cá thì vài ba phút (tùy theo kích thước), canh cho chúng vừa đến độ chín. Vì đường vận chuyển xa nên nếu không chín hải sản sẽ bị hư còn nếu chín quá thì độ tươi ngon của thức ăn sẽ rất dễ mất đi.
Tỉ mỉ từng công đoạn.
Bữa sáng ăn vội của nhân công ngay tại lò hấp tanh hôi mùi hải sản.
Bà Lê Thị Cờ.
Tại khu hấp cá, người phụ nữ duy nhất đứng lò hấp đó chính là bà Lê Thị Cờ (55 tuổi). Dù mồ hôi nhễ nhại ướt đẫm cả vạt áo cũ kỹ nhưng bà Cờ vẫn nhanh thoăn thoắt trong từng công đoạn. “Nghề này tôi làm mấy chục năm rồi, muốn sống với nghề phải học cách chịu nóng và mùi tanh hôi. Nhiều khi về, chồng, con “chê” mình hôi cũng tủi thân nhưng tôi vẫn bám nghề. Nhiều phụ nữ cũng do mùi hôi tanh mà chồng chịu không nổi phải bỏ đi, buồn lắm”, bà Cờ buồn rầu, đáp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.