Nhóm 4 người cầm mã tấu, đi ô tô cướp bánh trung thu có thể bị xử lý thế nào?
Hình phạt nhóm 4 người cầm mã tấu, đi ô tô cướp bánh trung thu có thể đối mặt
Quang Trung
Thứ bảy, ngày 13/08/2022 18:56 PM (GMT+7)
Công an đã bắt nhóm 4 người cầm mã tấu, đi ô tô để cướp bánh trung thu. Với hành vi này, nhóm nghi phạm có thể bị xử lý ra sao? Luật sư đã có bình luận về vấn đề này.
Nhóm 4 người cầm mã tấu, đi ô tô cướp bánh trung thu bị bắt
Chiều 12/8, Cơ quan CSĐT Công an TP.Thủ Dầu Một đã bắt và tạm giữ hình sự Mai Hoàng Phước (21 tuổi, còn gọi là Ty), Nguyễn Thành Nhân (21 tuổi), Nguyễn Đức Chí Dũng (22 tuổi) và Nguyễn Minh Dũng (22 tuổi, cùng ngụ Bình Dương) để điều tra về hành vi cướp tài sản tại 1 cửa hàng trên đại lộ Bình Dương (P.Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một).
Theo đó, rạng sáng 12/8, nhóm của Phước sau khi ăn nhậu đã rủ nhau đi đến các cửa hàng bán bánh trung thu dọc đường để đập phá, cướp bánh. Sau đó, nhóm này về nhà lấy mã tấu rồi đi trên 1 xe máy và 1 xe ô tô, tìm cửa hàng bán bánh trung thu.
Khi đến một cửa hàng trên đại lộ Bình Dương (thuộc KP.2, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một), Nguyễn Minh Dũng xuống xe kéo đổ tấm bạt che trước cửa quán, còn Nhân cầm mã tấu đe dọa 2 nhân viên bán hàng trông coi cửa hàng.
Sau khi buộc nhân viên lấy ra 5 hộp bánh trung thu, Nhân yêu cầu "phải bỏ vô trong bịch đàng hoàng để mang đi biếu".
Góc nhìn pháp lý vụ nhóm 4 người cầm mã tấu, đi ô tô cướp bánh trung thu
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi của nhóm đối tượng là manh động, thể hiện sự côn đồ, coi thường pháp luật và có dấu hiệu phạm tội cướp tài sản. Cơ quan điều tra có thể sẽ khởi tố vụ án để điều tra.
Theo luật sư Hòe, cướp tài sản là hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thuộc sở hữu của họ hoặc do họ quản lý.
Tội cướp tài sản được quy định tại Điều 168 Bộ luật hình sự 2015. Tội phạm này thực hiện hành vi với lỗi cố ý và xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, của tổ chức và công dân.
Luật sư Hòe phân tích, tội phạm này được cấu thành dựa trên các yếu tố như có hành vi dùng vũ lực. Là hành vi của người phạm tội dùng sức mạnh có tính vật chất tác động vào thân thể của người chủ tài sản hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản hoặc bất cứ người nào cản trở việc chiếm đoạt tài sản của người phạm tội.
Có hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, tức là hành vi cụ thể của người phạm tội biểu hiện cho ngườ bị tấn công biết rằng người phạm tội có thể dùng vũ lực (bắn, chém…) ngay tức khắc nếu người bị tấn công có hành vi cản trở việc chiếm đoạt tài sản của người phạm tội.
Có hành vi làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Được hiểu là hành vi mà người phạm tội có thể thực hiện thông qua cử chỉ, lời nói, thái độ hoặc hành động khác với những thủ đoạn khác với mục đích làm cho người bị tấn công bị tê liệt ý chí kháng cự để chiếm đoạt tài sản.
Và đặc biệt, tội phạm này được xác định từ lúc kẻ phạm tội thực hiện hành vi nguy hiểm, là một trong các hành vi trên. Hậu quả có lấy được tài sản hay không, giá trị tài sản ít hay nhiều không làm ảnh hưởng đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội.
Về hình phạt, vị luật sư cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 168, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt tù từ 3 đến 10 năm.
Như vậy chỉ cần bị truy tố về tội cướp tài sản, chưa cần biết giá trị tài sản cướp được là bao nhiêu, người phạm tội đã có thể bị xử phạt tù từ 3 đến 10 năm.
Mức phạt cao hơn sẽ phụ thuộc vào tính chất phạm tội và số tài sản mà người phạm tội chiếm đoạt. Mức phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 18 đến 20 năm hoặc tù chung thân.
"Nếu bị khởi tố và bị truy tố về tội cướp tài sản, người bị chứng minh là có tội có thể đối mặt với các khung hình phạt nêu trên" – vị luật sư thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.