Nhóm "cổ phiếu vua" gặp áp lực chốt lời, VN-Index vẫn xanh nhẹ

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 16/02/2024 13:28 PM (GMT+7)
Các mã "cổ phiếu vua" như BID,VPB, CTG... đồng loạt gặp áp lực chốt lời trong phiên sáng nay. Dù vậy, đóng cửa phiên buổi sáng, VN-Index vẫn giữ được sắc xanh và tiến về vùng 1.206,02 điểm với 245 mã tăng, 204 mã giảm.
Bình luận 0
Nhóm "cổ phiếu vua" gặp áp lực chốt lời, VN-Index vẫn xanh nhẹ- Ảnh 1.

VN-Index phiên sáng nay tăng 3,52 điểm và tiến về mốc 1.206,02 điểm.

Nhà đầu tư "chốt lời" cổ phiếu ngân hàng, VN-Index vẫn xanh nhẹ

Mở cửa phiên sáng nay (16/2), sau khoảng 30 phút giao dịch, VN-Index tăng nhẹ với hơn 2 điểm, lên mức 1.204 điểm. Trong đó, các cổ phiếu trụ trong rổ VN30 đóng góp tích cực vào đà tăng chỉ số với 17 mã tăng, 8 mã giảm và 5 mã đứng giá.

Đáng chú ý, tại rổ VN30, GVR, VIC, VNM là các cổ phiếu đóng góp nhiều nhất vào đà tăng.

Phiên sáng nay, GVR là mã tích cực nhất nhóm khi chạm trần với thanh khoản tương đối lớn. Đà tăng của cổ phiếu GVR diễn ra trong bối cảnh tình hình tài chính của doanh nghiệp có phần khởi sắc cũng như triển vọng của nhóm BĐS khu công nghiệp đang được đánh giá tương đối sáng trong năm 2024.

Bên cạnh đó, kết thúc quý IV/2023, doanh thu thuần của GVR đạt 7.591,1 tỷ đồng, giảm 16,7% so với cùng kỳ, giá vốn hàng bán của GVR trong quý đạt 5.988 tỷ đồng, giảm 17,4% qua đó kéo theo lợi nhuận gộp của doanh nghiệp chỉ đạt 1.603 tỷ đồng, giảm 14,2%.

Tuy nhiên, tại một diễn biến khác, doanh thu hoạt động tài chính trong quý của DN này ở mức 351,4 tỷ đồng, tăng 43%.

Trong đó, lãi tiền gửi, tiền cho vay tăng 43%. Chi phí tài chính lại giảm 41%, còn 131,3 tỷ đồng. Chi phí khác của GVR quý IV/2023 cũng giảm tới 67%, còn 104,4 tỷ đồng. Nhờ khoản Chi phí khác giảm đã góp phần đưa lợi nhuận sau thuế quý IV/2023 của GVR đạt mức 1.416,1 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung cả năm 2023, GVR thu về 22.079 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 13% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.369,9 tỷ đồng, giảm 29,8%.

Về cơ cấu tài sản, tài sản ngắn hạn chiếm tỷ trọng gần 31% trong cơ cấu tài sản của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, tương ứng 24.185 tỷ đồng, tăng 735 tỷ đồng so với đầu kỳ. Phần lớn trong số này là tiền, các khoản tương đương tiền và đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn dưới hình thức tiền gửi ngân hàng.

Cụ thể, tại ngày 31/12/2023, tập đoàn có 5.677 tỷ đồng tiền các khoản tương đương tiền (trong đó chỉ 155 tỷ đồng tiền mặt, còn lại là tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn), tăng gần 30% so với đầu kỳ. Tập đoàn đang có hơn 11.225 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn ngắn tại ngân hàng.

Nhờ các khoản này mà Tập đoàn ghi nhận gần 259 tỷ đồng lãi tiền gửi trong quý cuối năm, tăng 70 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước và đóng góp phần lớn vào doanh thu hoạt động tài chính.

Lũy kế cả năm, tập đoàn ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính lên đến 1.186 tỷ đồng, cao hơn năm trước 32%. Tập đoàn hiện có vốn chủ sở hữu 54.853 tỷ đồng, tăng hơn 1.300 tỷ đồng so với đầu kỳ. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm còn khoảng 5.030 tỷ đồng.

Trở lại phiên giao dịch sáng nay, ngoài các mã GVR, VIC, VNM tăng tích cực thì ở chiều ngược lại, HDB là cổ phiếu giảm sâu nhất nhóm với biến động gần 2%.

Tổng quan, trong suốt phiên giao dịch sáng nay, thị trường chứng khoán ghi nhận tín hiệu khởi sắc với đà tăng khoảng 3 điểm, có thời điểm chỉ số nay còn tăng hơn 6 điểm.

Chiều người lại, nhóm ngân hàng đồng loạt gặp phải áp lực chốt lời với biến động đáng kể. Theo đó, các mã như BID,VPB, CTG đồng loạt gặp áp lực chốt lời với khối lượng tăng dần. Trong khi VCB tiếp tục giữ vững điểm số khi đóng cửa quanh mốc tham chiếu.

Tại nhóm đầu tư công, kết phiên sáng, các mã cổ phiếu thuộc liên danh VIETUR gồm CC1, VCG, HAN,... phân hóa trong sắc xanh với đà tăng khoảng 1%. Các cổ phiếu cùng ngành khác như HHV, KSB, FCN, LCG,... phục hồi nhẹ nhưng mức độ không quá lớn.

Diễn biến cùng chiều nhóm đầu tư công, nhóm cổ phiếu thép có phần chững nhịp. Bộ 3 cổ phiếu HPG, HSG, NKG ghi nhận mức tăng khoảng 1%. Ngoài ra, các mã vốn hóa nhỏ hơn như SMC, TIS,... biến động không đáng kể.

Tại nhóm chứng khoán, dòng tiền có chút cải thiện dẫn tới đà phân hóa rõ ràng. Trong cuối phiên sáng, sắc đỏ là màu chủ đạo bao trùm toàn ngành.

Tại nhóm dầu khí, diễn biến của của giá dầu trong ngày hôm qua đã tác động một phần tới biến động của cổ phiếu năng lượng. Chốt phiên sáng, PVD, PVS, BSR, PVC phân hóa trong sắc xanh, đỏ đan xen với thanh khoản tương đối.

Ngoài ra, lực mua đã tăng dần tại nhóm bất động sản trong phiên sáng nay. Kết phiên giao dịch sáng 16/2, các cổ phiếu như DIG, CEO, HDC, DXG,... phân hóa trong sắc xanh, đỏ với giao động từ 1% - 3%.

Tạm đóng cửa phiên sáng, chỉ số VN-Index đóng cửa trong sắc xanh với 245 mã tăng, 204 mã giảm, qua đó tiến về vùng 1.206,02 điểm. Thanh khoản thị trường có phần tăng nhẹ so với phiên giao dịch hôm qua, tương ứng đạt hơn 10,3 nghìn tỷ đồng.

Trên sàn HNX, số lượng mã xanh chiếm ưu thế hơn mã đỏ, chỉ số HNX-Index tiến về vùng 233 điểm. Thanh khoản trên sàn HNX tương đương 44 triệu đơn vị, trị giá khoảng hơn 892 tỷ đồng.

Còn trên UPCoM, chốt phiên buổi sáng, UPCoM-Index ghi nhận biến động không quá lớn, giảm 0,06 điểm (-0,07%) về vùng 89,99 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt trên 22 triệu đơn vị, giá trị khoảng trên 255 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem