Nhóm phiến quân chuyên chặt đầu con tin, khiến Philippines hỗn loạn

Phương Đăng (tổng hợp) Thứ tư, ngày 05/07/2017 16:15 PM (GMT+7)
Nhóm phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf ở miền Nam Philippines khét tiếng với các vụ bắt cóc đòi tiền chuộc, chặt đầu con tin hay tấn công dân thường lẫn quân đội. Một cựu thủ lĩnh Abu Sayyaf mới đây thậm chí cảnh báo, Philippines sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến lớn hơn với phiến quân.
Bình luận 0

Abu Sayyaf - "cơn ác mộng" của Philippines

img

Phiến quân Abu Sayyaf ở miền Nam Philippines chuyên bắt cóc đòi tiền chuộc, chặt đầu con tin...

Abu Sayyaf bắt đầu nổi lên như là một nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan vào đầu những năm 1990 từ một phong trào nổi dậy, bị cho là đã khiến 120.000 người thiệt mạng ở miền Nam Philippines kể từ những năm 1970.

Kẻ sáng lập nhóm phiến quân Abu Sayyaf là Abdurajak Abubakar Janjalani, một nhà truyền giáo Hồi giáo từng gặp trùm khủng bố al-Qaeda Osama bin Laden và được bin Laden khích lệ. Al-Qaeda đã cung cấp tài chính và đào tạo các chiến binh Abu Sayyaf trong những ngày đầu nhóm phiến quân này mới thành lập.

Abu Sayyaf tự tuyên bố là “cứu tinh” của cộng đồng Hồi giáo ở Mindanao (Philippines) khi tiến hành thánh chiến để đòi ly khai cho khu vực này. Nhóm này hiện tuyên bố trung thành với tổ chức khủng bố khét Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) kể từ năm 2014.

Abu Sayyaf ban đầu đặt căn cứ ở sâu trong các khu vực rừng rậm hoang vắng, ít người dám tới. Các chiến binh của Abu Sayyaf thường di chuyển và hoạt động bằng thuyền ở khắp miền nam Philippines, tìm bắt con tin hòng đòi tiền chuộc.

Các con tin của Abu Sayyaf hầu hết được thả nếu nộp tiền chuộc theo yêu cầu, còn nếu không đáp ứng, chúng sẽ giết các con tin theo những cách thức man rợ bao gồm chặt đầu. Vụ bắt cóc kinh hoàng nhất diễn ra vào ngày 27.5.2001, các thành viên Abu Sayyaf đã bắt cóc 20 con tin từ khu nghỉ mát cao cấp Dos Palmas ở vịnh Honda, Philippines.

5 con tin bị sát hại khi yêu cầu đòi tiền chuộc không được đáp ứng. Cuộc đột kích giải cứu các con tin của quân đội chính phủ Philippines trở thành thảm họa. Trong số 20 con tin, 3 người trốn thoát được, một người bị thương, còn lại đều bị sát hại. Ít nhất 40 người đã thiệt mạng, trong đó có 22 binh sĩ Philippines trong nỗ lực giải cứu các con tin.

Abu Sayyaf không chỉ nhắm vào người dân địa phương mà còn khách du lịch phương Tây, các nhà báo nước ngoài, các nhà truyền giáo đạo Thiên Chúa…

Năm 2015, phiến quân Abu Sayyaf chặt đầu công dân Malaysia Bernard Then, một kỹ sư 39 tuổi trên đảo Jolo, miền Nam Philippines sau 6 tháng giam cầm đã gây phẫn nộ trên toàn thế giới. Vụ việc khiến Abu Sayyaf bị liệt vào danh sách một trong những nhóm khủng bố nguy hiểm nhất trên thế giới.

Mới hơn, hồi tháng 2 năm nay, Abu Sayyaf đã chặt đầu một con tin người Đức là ông Jurgen Kantner vì không đòi được tiền chuộc.

Chưa hết, Abu Sayyaf cũng là thủ phạm gây ra hàng loạt vụ bạo lực đẫm máu bao gồm đánh bom, ám sát, giết hại nhiều người, bao gồm dân thường, cảnh sát, quân đội. Nhóm này đã gây ra vụ đánh bom đẫm máu vào ngày 27.2.2004 ở vịnh Manila, khi cài bom trên phà SuperFerry 14 , giết hại 116 người vô tội.

Ngày 2.9.2016, Abu Sayyaf đánh bom chợ đêm ở thành phố Davao khiến 15 người thiệt mạng, 70 người khác bị thương.

Cuộc chiến chưa biết khi nào đến hồi kết

27 năm đã trôi qua kể từ khi phiến quân Abu Sayyaf thành lập nhưng quân đội chính phủ Philippines vẫn không thể xóa sổ nhóm này.

img

Quân đội Philippines đang tham chiến ở thành phố Marawi

Từ năm 2002 đến năm 2014, khoảng 500 cố vấn thuộc các lực lượng đặc nhiệm của Mỹ đã cung cấp thông tin tình báo và tổ chức đào tạo quân đội Philippines, dẫn đến việc tiêu diệt và bắt giữ nhiều thủ lĩnh của Abu Sayyaf. Các chiến binh Abu Sayyaf còn sót lại rút vào các khu rừng rậm ở đảo Basilan, Jolo gây khó khăn cho quân đội trong việc xóa sổ nhóm. Do các chiến binh Abu Sayyaf ẩn náu trong những vùng “rừng thiêng nước độc” và thậm chí còn được nhiều cộng đồng Hồi giáo địa phương che chở nên các lực lượng an ninh Philippines vẫn chưa diệt được tận gốc nhóm này.

Gần đây, Abu Sayyaf có dấu hiệu đẩy mạnh hoạt động ra ngoài khu vực truyền thống của chúng, đồng thời tấn công táo tợn, liều lĩnh hơn dẫn đến quan ngại ngày càng tăng rằng, Abu Sayyaf có thể trở thành một "tiền đồn" của IS ở Đông Nam Á.

Hiện quân đội Philippines đang vật lộn trong cuộc chiến chống lại phiến quân tại thành phố miền Nam Marawi, bị phiến quân Maute và cả Abu Sayyaf chiếm đóng từ hồi tháng 5.

Giao tranh giữa quân đội Philippines và phiến quân ở Marawi bắt đầu kể từ ngày 23.5 khi lực lượng an ninh tiến vào thành phố để bắt Isnilon Hapilon, một thủ lĩnh của nhóm Abu Sayyaf, nhưng bất thành. Họ gặp phải sự kháng cự ác liệt của các thành viên từ cả Abu Sayyaf lẫn Maute.

Quân đội Philippines từng tuyên bố sẽ kết thúc chiến dịch tái chiếm Marawi, thành phố 200.000 dân vào ngày Quốc khánh 12.6 nhưng không thực hiện được mục tiêu. Hiện các cuộc giao tranh đẫm máu ở Marawi đã khiến hơn 70 binh sĩ Philippines thiệt mạng và hàng trăm nghìn người phải chạy trốn. Phần lớn thành phố bị hủy diệt chỉ còn lại những đống đổ nát.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với truyền hình CNN ngày 3.7 mới đây, Abu Jihad, cựu thủ lĩnh nhóm phiến quân Abu Sayyaf và là một người anh em của Hapilon, thủ lĩnh Abu Sayyaf hiện tại cảnh báo Marawi chỉ mới là sự khởi đầu của một cuộc chiến rộng lớn hơn trong khu vực. Sau 10 năm được thả khỏi nhà tù, Abu Jihad tuyên bố, Philippines sẽ phải đối mặt với khả năng phiến quân chiếm thêm nhiều nơi chứ không chỉ Marawi.

Theo Jihad, Hapilon là người trực tiếp chỉ huy cuộc đánh chiếm Marawi và tên này rất tàn bạo với chính sách thánh chiến đến cùng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem