Gần 8 giờ tối ngày 19.3.2014 lửa bốc cháy ở một gian hàng tại chợ Phố Hiến, thành phố Hưng Yên.
Theo người dân và thương gia ở đây: Khi đám cháy còn nhỏ bà con tiểu thương không được vào để dập lửa, bảo vệ không có chìa khóa hoặc thiết bị không hoạt động; xe cứu hỏa đến thì không có nước. Sau hơn 7 giờ hoành hành, đám cháy mới được dập tắt với kết quả là toàn bộ khu chợ bị thiêu rụi.
Theo công an ước tính, thiệt hại vụ cháy cỡ 50 tỷ đồng, nhưng bà con tiểu thương ở đây cho biết đó chỉ là thiệt hại công trình vỏ chợ của Công ty TNHH Đầu tư phát triển Hoàng Phát- chủ đầu tư chợ- mà chưa tính đến hàng hóa của bà con bị thiêu trụi. Nếu tính hết thiệt hại có thể lên cả trăm tỷ đồng.
Lãnh đạo TP.Hưng Yên huy động mọi nguồn lực và lực lượng để khắc phục hậu quả. Một việc làm đáng trọng nhưng quá muộn khi hàng hóa và chợ đã bị cháy trụi hết. Vấn đề quản lý nhà nước nói chung và phòng cháy chữa cháy (PCCC) nói riêng có quá nhiều vấn đề nhức nhối mà sửa được thì nguy cơ của những vụ tương tự sẽ giảm đi rất nhiều. Dưới đây chỉ bàn đến vài điểm nhức nhối trong quản lý nhà nước như vậy.
Thứ nhất, chợ là công trình công cộng. Nhà nước phải lo (không nhất thiết phải đầu tư) nhưng với “xã hội hóa” người ta đã lơi là việc lo này và phó mặc cho chủ đầu tư (hoạt động theo động lực thị trường). Nói cách khác nhà nước không sửa, không khống chế khuyết tật thị trường mà lại để cho nó hoành hành. Đây là một lỗi lớn, lỗi chính yếu đã dẫn tới những hệ quả thương tâm mà vụ cháy chợ Phố Hiến chỉ là một trong rất nhiều vụ.
Doanh nghiệp “đầu tư” chợ thường là công ty cánh hẩu với chính quyền và thực ra là “kinh doanh bất động sản” và không có khuyến khích nào để chú ý đến những nhu cầu của chợ. Hơn 100 kios được xây dựng và cho người dân thuê từ 27 triệu/kios/năm đến hơn 100 triệu đồng/kios/20 năm. Không rõ bao nhiêu kios đã được cho thuê 20 năm, 10 năm, 5 năm hay 1 năm.
Càng nhiều kios được thuê dài hạn, chủ đầu tư càng thu hồi vốn và lãi nhanh (tuy công trình mới đưa vào sử dụng mới chưa đầy 3 tháng) và không có khuyến khích để chăm lo cho “công trình” của mình.
Trong mọi trường hợp chủ đầu tư tỏ ra không có hiểu biết về vận hành chợ (việc bảo vệ kém, thiếu thiết bị cháy chữa cháy hoặc bình xịt không hoạt động, khu vực quanh chợ Phố Hiến đều không có họng nước PCCC…). Tất cả những yếu kém này của chủ đầu tư liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan nhà nước liên quan.
Thứ hai, các cơ quan nhà nước đã hết sức tắc trách trong phê duyệt, kiểm tra, cấp phép hoạt động một công trình công cộng như chợ Phố Hiến. Rõ ràng các cơ quan nhà nước hữu quan như sở (hay phòng) xây dựng, thương mại, UBND địa phương và nhất là cảnh sát PCCC đã có lỗi lớn.
Mới hoạt động chưa đầy 3 tháng mà bình cứu hỏa không hoạt động hoặc không có, thì không chỉ có lỗi của doanh nghiệp mà cả cảnh sát PCCC nữa. Liệu có sự thông đồng nào giữa doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước hữu quan? Phải quy trách nhiệm cho các cá nhân các cơ quan nói trên.
Thứ ba, chắc cả chủ đầu tư lẫn bà con kinh doanh đều không mua bảo hiểm và phải đối mặt với sự mất trắng gây rất nhiều khó khăn cho hàng ngàn người liên quan. Cần thuyết phục mọi người mua bảo hiểm.
Một công trình công cộng phải được coi là công trình công cộng và Nhà nước phải chăm lo. Và đấy là bài học quan trọng để bớt đi những vụ tai họa như cháy chợ Phố Hiến.
Nguyễn Quang A (Nguyễn Quang A)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.