Những ẩn họa từ trà chanh vỉa hè ở Hà Nội

Thứ hai, ngày 24/09/2012 06:20 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Để có được con số thu nhập "khủng" từ loại đồ uống này, nhiều chủ quán trà chanh vỉa hè đã gieo rắc những ẩn họa khó lường cho sức khỏe khách hàng khi sử dụng "công nghệ" và nguyên liệu pha chế siêu bẩn.
Bình luận 0

Bán trà chanh thu trăm triệu mỗi tháng

img
Những cốc trà chanh thơm mát có thể làm nhiễm độc khách hàng

Có mặt tại quán trà chanh ở góc đường Láng - Nguyễn Trãi ngay cạnh cầu vượt Ngã Tư Sở (Hà Nội) vào buổi tối thứ bảy, chúng tôi phải chen chân, ních gối mới có được một chỗ ngồi vỏn vẹn trong 4 ô gạch lát đường.

Dù khách đông như vậy nhưng chưa đầy 3 phút sau, 4 cốc trà chanh sóng sánh vàng đựng trong những chiếc cốc nhựa mỏng tang đã được cậu bé phục vụ nhanh chóng bê ra để giải khát cho những vị khách đang vã mồ hôi vì nóng bức. Chỉ cần đưa cốc trà lên gần mũi thôi là tôi đã cảm nhận được mùi thơm ngào ngạt của hương chanh, pha lẫn trong đó còn có một chút hương hoa nhài hấp dẫn.

img
Quán trà chanh vỉa hè ở Ngã Tư Sở tối nào cũng đông nghịt người uống

Đảo mắt một vòng ra xung quanh, tôi không thể đếm chính xác được có mấy trăm người đang ngồi chen chúc nhau trên vạt vỉa hè hình rẻ quạt này. Hầu hết các khách hàng ở đây đều là các bạn trẻ trong độ tuổi 8X, 9X, ăn mặc đẹp, sành điệu.

Ngày nay trà chanh đã trở thành một món đồ uống "đặc sản" của giới trẻ Hà thành. Ở bất cứ nơi đâu, trên bất cứ tuyến phố nào của Hà Nội, đặc biệt là ở những địa điểm có không gian đẹp hay gần trường học thì đều có các quán trà chanh vỉa hè.

Có những nhóm ngồi đông đến mấy chục người cười đùa huyên náo cả góc phố. Trò chuyện chớp nhoáng với cậu bé phục vụ dăm ba câu, tôi choáng váng khi được biết số lượt khách ra vào quán mỗi tối vào khoảng 500 người, còn số lượng trà chanh bán ra thì chẳng thể nào nhớ nổi

Chỉ làm một phép tính nhẩm đơn giản, cứ mỗi lượt người vào quán uống một cốc trà chanh với giá 10.000 đồng thì một tối quán trà chanh này đã thu tới 5 triệu, chưa kể lợi nhuận từ hạt hướng dương, hoa quả, thuốc lá…

Khởi nguồn từ một vài quán trà chanh lẻ tẻ trên phố Nhà Thờ, Nhà Chung, Đào Duy Anh…, ngày nay trà chanh đã trở thành một món đồ uống "đặc sản" của giới trẻ Hà thành. Ở bất cứ nơi đâu, trên bất cứ tuyến phố nào của Hà Nội, đặc biệt là ở những địa điểm có không gian đẹp hay gần trường học thì đều có các quán trà chanh vỉa hè.

Để thu hút sự chú ý của các ẩm khách, mà chủ yếu là các bạn trẻ độ tuổi 9X, các chủ quán đều cố dùng những cái tên hoặc những câu slogan thật ấn tượng như "Trà chanh chém gió", "Trà chanh Bụi", "Trà chanh 9X"… Những tưởng số lượng quán càng đông thì thu nhập của người bán cũng giảm đi nhưng sự thực là chỉ cần kiếm được một địa điểm mở quán "đắc địa" thì vẫn "tiền vào như nước".

Phạm Thị Duyên, quê Ý Yên, Nam Định, nguyên sinh viên lớp báo chí Trường cao đẳng Phát thanh - truyền hình, hồ hởi khoe: "Tốt nghiệp ra trường, em xin mãi cũng chẳng kiếm được một chỗ làm nào tử tế. Cứ đi làm cộng tác viên cho các báo thì đồng nhuận bút rải đường rải chợ hết, cầm về chẳng được bao nhiêu.

Duyên nói thật, tổng chi phí cho nguyên liệu bán hàng một tối của chị em cô chỉ khoảng 300.000 đồng nhưng lợi nhuận thu được thì đều gấp đến 7 - 8 lần số đó. Cô bảo: "Là người bán hàng nhưng bọn em có bao giờ uống loại nước này đâu. Nước trong can thì là nước giếng khoan ở nhà trọ pha với bột trà xanh và hương liệu chanh, nhài mua ở Hàng Buồm. Đường thì cũng là đường hóa học. Đá sạch người ta mang đến cũng chẳng biết làm từ nước gì. Nói tóm lại là khách uống càng nhiều càng tốt, còn mình không uống thì hơn".

Cách đây 3 tháng, nhờ người quen mách nước và giúp đỡ, 2 chị em em mở được một quán trà chanh nho nhỏ ngay tại vỉa hè đường Trần Duy Hưng, gần Trường đại học Lao động xã hội. Lúc đầu thấy đông quán bán, 2 chị em lo không cạnh tranh nổi. Nào ngờ tấm biển "Trà chanh Vẹo" lại thu hút sự chú ý của các bạn sinh viên nên giờ quán em rất đông, 2 chị em lúc nào cũng phải phục vụ hết năng suất.

Ăn nên làm ra, mỗi ngày thu ngót nghét 2 triệu đồng, Duyên còn gọi thêm cả cậu em họ đang thất nghiệp nằm dài ở quê lên phụ giúp việc trông giữ xe cho khách và canh chừng công an. Ngồi chơi xem chị em Duyên pha nước phục vụ khách, tôi hoa cả mắt khi thấy cô chủ trẻ tuổi này chỉ bằng vài động tác cơ bản, thuần thục trong chưa đầy 1 phút là đã có được một cốc trà chanh mát lạnh bê ra cho khách.

Công thức pha chế "đặc sản" trà chanh của chị em Duyên thật đơn giản. Rót một phần nước trong chiếc can cáu bẩn nhưng ngào ngạt mùi thơm đặc trưng của chanh cốm vào cốc, châm thêm nửa chén nước trà đã pha sẵn, 2 thìa đường màu vàng đậm và 1 lát chanh mỏng tang thả lên trên cùng vài viên đá, thế là xong một cốc trà chanh có giá 10.000 đồng.

Phải ngồi đến gần 11g30 đêm, khi quán đã tương đối vãn khách, tôi mới có dịp tò mò hỏi Duyên về những nguyên liệu "lạ lùng" vừa được trông thấy. Ngần ngại một lúc rồi Duyên cũng cho tôi biết, toàn bộ những thứ đó, cô được một người thân cùng làng, cũng đang là chủ một quán trà chanh ở khu vực Mỹ Đình, giới thiệu mua ở phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm).

Coi tôi là chỗ thân tình, Duyên nói thật, tổng chi phí cho nguyên liệu bán hàng một tối của chị em cô chỉ khoảng 300.000 đồng nhưng lợi nhuận thu được thì đều gấp đến 7 - 8 lần số đó. Cô bảo: "Là người bán hàng nhưng bọn em có bao giờ uống loại nước này đâu.

Nước trong can thì là nước giếng khoan ở nhà trọ pha với bột trà xanh và hương liệu chanh, nhài mua ở Hàng Buồm. Đường thì cũng là đường hóa học. Đá sạch người ta mang đến cũng chẳng biết làm từ nước gì. Nói tóm lại là khách uống càng nhiều càng tốt, còn mình không uống thì hơn".

Thấy tôi có vẻ không tin, Duyên khẳng định chắc như đinh đóng cột là tất cả những chủ quán trà chanh vỉa hè mà cô biết đều pha chế theo "công thức" kinh điển đó. Chính vì thế mà lần nào tôi đến quán chơi, Duyên đều mời tôi uống nước trắng trong chai chị em cô mang theo giải khát chứ không phải là những cốc trà chanh thơm ngạt ngào, mát lạnh.

Có thể nhiễm độc từ "đặc sản"

img
Những nguyên liệu pha chế trà chanh và các loại nước giải khát được bán đầy rẫy trên các phố Hàng Buồm, Hàng Giầy, Đồng Xuân...
Dù cho biết nguồn gốc của các hương liệu trên là từ Trung Quốc nhưng tất cả các chủ cửa hàng chúng tôi hỏi đều khăng khăng khẳng định về chất lượng… trên cả tuyệt vời của những tinh chất này vì: "Tôi bán suốt mấy năm nay, cả cái Hà Nội này uống nhưng có thấy ai chết đâu".

Theo lời kể của Duyên, sáng Chủ nhật đẹp trời, tôi rủ thêm một đồng nghiệp nữ dạo qua thị trường đồ uống, nước giải khát nằm dọc theo phố Hàng Buồm trong khu phố cổ. Thấy cô bạn tôi mặt mày trắng trẻo, tử tế, lại đeo cặp kính cận dày cộp lớ ngớ vào hỏi nguyên liệu pha chế trà chanh, bà chủ cửa hàng béo mập, mặc bộ đồ hoa bằng lụa tơ tằm nguýt dài, chẳng buồn trả lời.

Đứa bé gái giúp việc với chiếc phất trần phủi bụi trên đống chai lọ lỉnh kỉnh nhiều màu sắc trên kệ, miệng lẩm bẩm: "Chắc lại nhà báo. Tướng ấy thì buôn bán gì". Thế nhưng khi tôi vừa thò cái đầu trọc hếu với chiếc dây chuyền bạc to như xích chó lủng lẳng trên cổ vào thì bà chủ béo mập thay đổi ngay thái độ. Vồn vã mời tôi vào xem hàng, bà béo còn tranh thủ nhận… người quen: "Hình như chú lấy hàng ở chỗ chị mấy lần rồi còn hỏi giá làm gì. Trên phố này nhà nào bán cũng đều giá ấy thôi. Chỗ mối quen chị bớt cho một giá".

Mặc kệ bà chủ hàng nhận nhầm tôi với ai, được đà, tôi đưa đẩy vài câu, bảo có đứa em gái mới ra trường, đang thất nghiệp, muốn mở quán trà chanh sống tạm qua ngày chờ có thằng đến rước. Bà chủ cười tít mắt, lôi phắt cô đồng nghiệp hiền lành của tôi vào trong giới thiệu một lô những chai lọ không nhãn mác nhưng có gắn những mảnh giấy viết tay nguệch ngoạc "chanh", "nhài", "bưởi", "dâu tây"…

Bà béo bảo bán hàng vỉa hè thì phải mua loại nguyên liệu bán cân này mới rẻ chứ loại có nhãn mác đầy đủ bày ngoài kệ thì chỉ để phục vụ mấy quán cà phê, giải khát trên phố thôi. Gọi là có nhãn mác nhưng theo quan sát của tôi thì chữ trên đó toàn tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Anh nhưng cũng không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ và thời gian sử dụng.

Không chỉ ở phố Hàng Buồm, khi chúng tôi dạo qua các phố Hàng Giày, Đồng Xuân… thì đều dễ dàng tìm được những cửa hàng bán nguyên liệu để pha chế trà chanh và hàng loạt những loại nước giải khát khác.

Giá loại tinh chất trà chanh bán ở các cửa hàng này dao động khoảng từ 150 - 180 ngàn đồng/lọ 2 lít. Một số loài tinh chất khác như dâu tây, nho, chanh leo… thì có giá đắt hơn khoảng 20 - 30 ngàn đồng. Cứ 1 lít dung dịch thì có thể pha ra hàng chục lít nước có hương vị hoa quả rồi chế thêm đường, đá lạnh vào để bán cho khách hàng.

Dù cho biết nguồn gốc của các hương liệu trên là từ Trung Quốc nhưng tất cả các chủ cửa hàng chúng tôi hỏi đều khăng khăng khẳng định về chất lượng… trên cả tuyệt vời của những tinh chất này vì: "Tôi bán suốt mấy năm nay, cả cái Hà Nội này uống nhưng có thấy ai chết đâu".

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) trong trà chanh có ẩn chứa rất nhiều mối hiểm họa với sức khỏe của người dùng, đặc biệt là người trẻ tuổi. Bột chè của Trung Quốc đưa sang Việt Nam, bán đầy rẫy ở chợ Đồng Xuân không phải loại chè thông thường khai thác từ lá chè mà là sử dụng các phế phẩm và lá chè già. Sau đó, họ cho vào máy làm khô và nghiền nát. Khi pha chế trà chanh ở vỉa hè, hầu hết bột chè này được hòa vào nước chưa đun sôi hoặc nước chưa qua máy lọc.

Bên cạnh đó, khi pha chế trà chanh, người ta còn sử dụng chất thơm. Tổ chức Y tế thế giới có một bảng dài, quy định về các loại chất được cho phép đưa vào cơ thể người nhưng phải nằm trong giới hạn nhất định.

Chất thơm không nguồn gốc được sử dụng trong trà chanh với giá rẻ như thế hoàn toàn không phải là những chất thơm được kiểm soát. Nếu uống nhiều sẽ gây ra tình trạng nhiễm độc mãn tính. Việc đưa chất thơm vào cơ thể người ở một mật độ lớn sẽ được tích lũy, khu trú trong cơ thể. Đó chính là nguyên nhân bệnh tật trong tương lai của những "tín đồ" trà chanh hè phố.

Theo Dòng Đời

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem