Những ảo tưởng về “freelance”: Phải chăng là nghề "hái" ra tiền?

T. Nguyên (Thế giới Tiếp thị) Chủ nhật, ngày 06/07/2014 08:17 AM (GMT+7)
Freelance – được biết đến với tên gọi nghề độc lập hay nghề tự do, thực ra không phải là một nghề, mà là một phong cách làm việc. Trong trào lưu “thích làm freelance” của những người trẻ, hãy thôi ảo tưởng về sự lung linh của lựa chọn này…
Bình luận 0
Trào lưu freelance – được định nghĩa theo từ điển là tự mình làm việc cho mình, không cộng tác dài hạn cho bất kỳ tổ chức nào, đang trở nên hết sức thời thượng.

Mốt freelance

Nghe thật là sang! Nhưng người hiểu chuyện thì thảy một câu phũ phàng: “Đi làm dạo thôi mà...” Phải chăng làm freelance bị xem như người bán hàng dạo ngoài đường?

“Ờ, thực ra là có ba loại khác nhau: quá giỏi nghề để không muốn làm cố định; hoặc là dở thầy dở thợ nên không phù hợp ở đâu hết; và loại thứ ba là chỉ thích tung tăng một thời gian mà thôi...” Quả thật, khoảng cách giữa một người làm “dạo” với một “chuyên gia độc lập” quả thật là xa nhau quá.

Nhưng những hào quang giả tạo mà những website chuyên cung cấp dịch vụ freelance lại tạo ra những suy nghĩ chưa đúng về lựa chọn này.

img
Freelance là một công việc nghiêm túc chứ không thư giãn như những... quảng cáo

Làm freelance không đồng nghĩa với việc ngồi ngắm hoàng hôn nghe sóng vỗ bên cạnh chiếc máy tính và chờ tài khoản báo đã nhận được tiền. Đó chỉ là… quảng cáo cho một cái nghề vất vả như bao nghề khác, thậm chí còn cực hơn nhiều.

Nghề hái ra tiền?

Lên mạng, sẽ rất dễ nhận ra những quảng cáo, chia sẻ dạng: “Một bà nội trợ kiếm tiền tỉ mỗi năm”, “Làm việc ở nhà, làm chủ bản thân và làm chủ thế giới”… Thậm chí, có nơi đưa ra bảng chiết tính kinh phí mà freelancer có thể nhận được luôn cao hơn người đi làm chuyên nghiệp.

Trong tay Minh Huyền, phụ trách tổ chức sự kiện của một công ty quảng cáo lớn, luôn có sẵn danh sách của khoảng 100 freelance đủ các việc khác nhau. Có bạn đẹp đẹp để làm tiếp tân đón khách, có bạn biết nghề có thể giúp việc chạy các phần việc trong sự kiện, có bạn giúp chăm sóc báo chí đến dự, có bạn lại phụ trách công việc hậu trường sân khấu… Theo Huyền, lực lượng freelance hiện nay rất đông, lúc nào cũng có thể huy động được hết.

“Phần lớn là sinh viên làm thêm, cũng có những bạn đang làm công việc khác nhưng cố gắng linh động giờ giấc. Và nói thiệt, thu nhập cũng không bao nhiêu. Tính theo giờ nhân lên thì thấy nhiều lắm, nhưng một tháng cũng đâu có mấy dịp…”

Nguyễn Hải Đăng phụ trách IT của một công ty nhà nước. Phát hiện thời gian nhàn rỗi của mình khá nhiều, anh chọn làm SEO (Search Engine Optimization – cách làm tăng độ xuất hiện của website trên công cụ tìm kiếm Google).

Anh kiên nhẫn ngồi tìm các website dạng vừa vừa nhỏ nhỏ, kiên nhẫn gởi email chào hàng và lâu lâu, khoảng hai ba tháng, thì kiếm được một khách. “10 triệu đồng cho một đơn hàng, làm suốt các buổi tối trong tuần trong hai tháng trời, cũng là một khoản thu nhập khá, quan trọng là được làm ở nhà. Kiếm thêm mà…”, Đăng cho biết.


Thư giãn tối đa và thoả sức sáng tạo?

Có ba dạng nghề phổ biến nhất trong thế giới freelance: nghệ thuật, dịch thuật và công nghệ thông tin. Thiết kế từ cánh thiệp, cho tới một cuốn brochure, tới một hệ thống nhận diện thương hiệu... đều là công việc thường được giao cho freelance. Bên ngoài, các bạn thiết kế có thể nói với nhau, chúng ta là những “indi-artist” (independent artist – khuynh hướng làm nghệ sĩ độc lập của phương Tây), nhưng thực tế là họ những người làm việc rẻ hơn, nhanh hơn và thuận tiện hơn.

Mèo – cựu sinh viên trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, cũng như rất đông bạn học của mình, phải xây dựng một bộ giới thiệu về mình rất công phu và cập nhật thường xuyên trên trang web cá nhân của mình. Hiện giờ Mèo đang được trả lương bán thời gian ở một công ty làm thiệp cưới và phần còn lại vẫn phải tìm kiếm các đơn hàng khác. Khác cách nói “muốn làm freelance để thoả sức sáng tạo mà không bị bó buộc vào những khuôn khổ”, Mèo thú nhận làm freelance rất cực. Thường là phải cày cả đêm cả ngày khi có khách, và phong cách của mình phải thay đổi liên tục để phù hợp với nhiều loại khách khác nhau. Mình làm dạng cá nhân, nên cạnh tranh với các
công ty thiết kế cũng căng lắm…”

Được làm chủ thời gian của mình?

Freelance, theo tất cả các đẳng cấp khác nhau, đều gặp vấn đề về thời gian. Thông thường họ khá rảnh rang, nhưng đến lúc có việc, thì luôn trong tình trạng cày ngày không đủ tranh thủ cày đêm. Chị Giang Phạm, một cây bút gắn với Thế Giới Tiếp Thị nhớ lại thời điểm được Liên hiệp quốc mời sang Thuỵ Sĩ để tham gia xây dựng lại kế hoạch truyền thông của tổ chức  này. Ở cách hẳn nửa vòng trái đất, nên chị phải vừa hoàn tất công việc của xứ người vừa phải chu toàn các nhiệm vụ đã nhận ở… xứ mình. Ngoài những chuyện chuyên môn, thì một áp lực khác là phải trong thời gian ngắn nhất hiểu được văn hoá làm việc, các quy định khác nhau của một tổ chức mới cũng là một áp lực không nhỏ. Nói vui, Giang là người không bao giờ ngủ…

Lê Vũ, tốt nghiệp Bách khoa, nhưng lại mê âm nhạc và tiếp thị. Thử nghiệm đời mình bằng việc làm nhân viên marketing cho một công ty tư nhân, sau quyết định ở nhà tập trung dạy guitar. Anh tổ chức nhiều lớp, tham gia các khoá dạy guitar trên mạng và rất nhiều hoạt động liên quan đến đàn hát. “Tổng thời lượng làm việc nhiều hơn, thu nhập cũng tương đương nhưng mình rất lời là được làm thứ công việc mà mình mê nhất”, Lê Vũ chia sẻ. Để có thể sống sót, anh phải có một lịch làm việc thật chặt, quảng bá bản thân trên Facebook và phải tìm ra điểm mạnh trong  dịch vụ, như sự tận tuỵ, chăm sóc theo kiểu bạn thân với học viên của mình…

Để làm một freelance giỏi, thì có một núi những kỹ năng khác nhau ngoài năng lực chuyên môn là điều bắt buộc. Khả năng giao tiếp, kỹ năng thích nghi với môi trường mới, trình độ quản lý thời gian và chịu áp lực công việc… Và cũng nên nhớ một điều, làm freelance rất hay bị ăn hiếp trong chuyện thanh toán kinh phí...
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem