Những "bàn tay vàng" trong làng cạo mủ cao su, được nâng lương, lên chức

Nguyễn Vy Thứ ba, ngày 29/12/2020 12:18 PM (GMT+7)
Năm 2020 là một năm nhiều khó khăn với ngành cao su. Việc chia sẻ khó khăn và tôn vinh những người thợ cạo mủ để cùng nỗ lực hoàn thành những mục tiêu chung đang được toàn ngành cao su quan tâm thực hiện.
Bình luận 0

Nông trường Cẩm Đường là một trong những đơn vị có diện tích cao su lớn nhất tỉnh Đồng Nai. Đây cũng là đơn vị được giao sản lượng khai thác lớn trong điều kiện còn thiếu lao động.

Vượt khó

Chị Đỗ Thị Hợp - công nhân tổ 10, Nông trường Cẩm Đường (Tổng Công ty Cao su Đồng Nai) cho hay, tổ đang quản lý diện tích 225ha cao su. Bình quân mỗi công nhân cạo 1.482 cây. 

Năm qua, dù gặp rất nhiều khó khăn về thời tiết nhưng tổ vẫn nỗ lực chỉnh sửa lại các bộ máng, mái che mưa để tận thu sản phẩm. Ai cũng hoàn thành 100% công việc. 10 tháng đầu năm 2020, năng suất lao động đạt 17 tấn/người/năm. Đây là mức năng suất lao động cao chưa từng có trong toàn ngành, thậm chí gấp đôi thời điểm 3-4 năm về trước. 

Riêng chị Hợp, trong tháng 10, chị được giao định mức 2.140kg mủ nhưng đã thực hiện được tới 4.052kg. Tổ 10 vinh dự là 1 trong 15 tổ sản xuất của nông trường dẫn đầu về năng suất.

Công nhân cao su vượt khó, ổn định đời sống - Ảnh 1.

Công nhân thuộc Tổng Công ty Cao su Đồng Nai trao đổi kỹ thuật trước giờ lao động. Ảnh: Đ.N.V

"Việc duy trì, phát triển đội ngũ thợ giỏi là hạt nhân trong các phong trào thi đua, góp phần vào sự phát triển ổn định, bền vững của ngành cao su".

Ông Trần Ngọc Thuận -

Chủ tịch HĐQT VRG

Còn tại Nông trường Cầu Khởi, thuộc Công ty CP Cao su Tây Ninh, 465 lao động trực tiếp ở đây đều có trình độ tay nghề đạt tỷ lệ khá giỏi trên 95%. 

Ông Trần Ngọc Thuấn - Giám đốc Nông trường cho biết, việc tập trung đầu tư, nâng cao thu nhập cho người lao động đã trở thành động lực thúc đẩy phong trào thi đua vượt sản lượng. 

Tại nông trường, cả 3 yếu tố năng suất vườn cây, năng suất lao động và tiền lương gắn liền với nhau. Năng suất lao động ngày càng tăng; kéo theo đó thu nhập của người lao động cũng được cải thiện dù giá mủ còn bấp bênh. Tiền lương bình quân năm 2020 của nông trường dự kiến đạt 9,7 triệu đồng/người/tháng.

Ông Phan Mạnh Hùng - Chủ tịch Công đoàn ngành cao su cho biết, mục tiêu của ngành là phải tập trung tổ chức sản xuất, và ổn định đời sống cho công nhân sao cho tốt nhất. Gần đây, giá mủ tăng cao là sự động viên rất lớn cho công nhân cao su. Toàn ngành đang tận dụng thời cơ, đoàn kết hoàn thành mục tiêu sản lượng. "Qua đó có điều kiện cải thiện từ tiền lương, các khoản thu nhập để nâng cao đời sống công nhân" - ông Hùng nói.

Vinh danh người lao động

Định kỳ 2 năm/lần, Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) đều tổ chức hội thi Bàn tay Vàng để thợ giỏi của các đơn vị tranh tài. Năm 2020, VRG tổ chức sản xuất trong điều kiện tiết kiệm chi phí, không hội họp hành chính để tập trung vào sản xuất kinh doanh và chăm lo đời sống người lao động. 

Riêng hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su là ngày hội lớn của công nhân vẫn duy trì tổ chức theo định kỳ bởi những ý nghĩa to lớn mà hội thi mang lại.

Tại Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng (Bình Phước), anh Mai Duy Tuấn là người thợ dày dạn kinh nghiệm, luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng khai thác hàng năm. 

Từng xuất sắc đạt danh hiệu Bàn tay vàng các năm 2016, 2018, anh Tuấn kể, những công nhân đạt thành tích cao và có quá trình phấn đấu còn được xét nâng bậc lương, hoặc nâng lên cấp cán bộ kỹ thuật công ty hoặc lãnh đạo quản lý nông trường. 

"Cùng với câu lạc bộ 2 tấn/ha dành cho các công ty, nông trường, phong trào luyện tay nghề - thi thợ giỏi góp phần vào việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống của người lao động" - anh Tuấn chia sẻ.

Theo ông Trần Ngọc Thuận - Chủ tịch HĐQT VRG, nhờ quản lý tốt kỹ thuật, thường xuyên quan tâm đời sống và nâng cao tay nghề công nhân, sản xuất cao su 5 năm qua của VRG đã có tốc độ tăng trưởng khá, đạt 9%; sản lượng bình quân 23.000 tấn/năm. Năm 2020 dự kiến vượt mức kế hoạch với 365.000 tấn.

VRG xác định người lao động đóng vị trí trung tâm trong quá trình phát triển của ngành cao su vì tay nghề của người lao động góp phần trực tiếp vào hiệu quả sản xuất kinh doanh của các công ty.

Hội thi Bàn tay Vàng là dịp để tôn vinh và tri ân sự đóng góp của người lao động vào sự phát triển chung của ngành. Hội thi còn là dịp nhân rộng biểu dương gương điển hình trong toàn ngành. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem