Những “bóng hồng” tham gia bảo vệ biên cương tổ quốc

San Nguyễn Thứ sáu, ngày 08/01/2016 06:20 AM (GMT+7)
Ở vùng biên giới, rừng núi hiểm trở của Sơn La, ngoài lực lượng Bộ đội Biên phòng ngày đêm cắm chốt bảo vệ đường biên, cột mốc còn có sự tham gia tích cực của bà con dân bản, trong đó có đóng góp không nhỏ của những phụ nữ “giỏi việc nhà, đảm việc nước”.
Bình luận 0

“Mưa dầm thấm lâu”

Bản Cang Kéo (xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp) nằm cheo leo trên đỉnh núi cao, với 21 hộ người Mông và đều là hộ nghèo. Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng tình hình an ninh trật tự ở đây rất ổn định, người dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; kiên định bám bản và bảo vệ đường biên, cột mốc.

img

 Chị em huyện Sốp Cộp tham gia vận động chồng con ngay trong những buổi quây quần trò chuyện của gia đình.  Ảnh:   L.S

Ông Vừ Bá Dênh – Trưởng bản chia sẻ: Bản Cang Kéo có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ hơn 4,5km đường biên. Nhờ sự chung sức của người dân, nhất là chị em phụ nữ qua mô hình “Chi hội phụ nữ tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới” nên tình hình an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững. Những “bóng hồng” này là trung tâm gắn kết, vận động người thân, chồng con chấp hành tốt chủ trương đường lối, giữ gìn trật tự an ninh biên giới, không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, không vượt biên trái phép...

Chị Lầu Thị Mỷ - Chi hội trưởng Phụ nữ bản Cang Kéo giải thích thêm: So với nam giới, chị em mềm mỏng, khéo léo hơn nên vận động người thân sẽ tốt hơn. Chúng tôi cũng có những buổi tập huấn để hướng dẫn chị em cách tuyên truyền, lấy những ví dụ cụ thể theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, nhờ đó mô hình hoạt động rất hiệu quả.

Hiệu quả lớn

"Dù việc nhà bận rộn, 100% hội viên phụ nữ chúng tôi đều thực hiện sự phân công và thực hiện tham gia giữ gìn đường biên, cột mốc. Ý nghĩa hơn là còn để làm gương cho con em trong việc nâng cao ý thức giữ gìn biên giới, lãnh thổ quê hương".
Chị Lầu Thị Mỷ - Chi hội trưởng Phụ nữ bản Cang Kéo

Theo cam kết, mỗi tháng một lần, tổ đội của Chi hội phụ nữ 5 người thay nhau đi tuần. Nếu phát hiện những phần tử xấu có hành vi đập phá, làm sai lệch đường biên, mốc giới, xâm canh xâm cư ở khu vực biên giới hoặc phát hiện bất thường trên khu vực biên giới, họ sẽ báo cho chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng để xử lý. Điển hình như tháng 7.2015, trong quá trình tuần tra, bà con đã phát hiện cháy rừng do người dân đốt nương và kịp thời thông báo cho bộ đội biên phòng, đồng thời huy động bà con trong bản dập tắt đám cháy, không để cháy rừng lan rộng.

Đại tá Nguyễn Hữu Minh - Đồn trưởng Biên phòng Nậm Lạnh cho biết: Mô hình “Chi hội phụ nữ tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới” đã huy động được các đoàn viên, hội viên tham gia kiểm soát đường biên, cột mốc, đóng góp thiết thực vào công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân trên tuyến biên giới ngày càng vững mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem