Những bóng hồng xinh đẹp ở ngôi trường đặc biệt nhất Nghệ An

Cảnh Thắng - Nguyễn Tình Thứ tư, ngày 20/11/2024 10:00 AM (GMT+7)
Ngay buổi đầu cô giáo đến lớp đã bị học sinh làm cho hoảng sợ, bật khóc. Tình huống diễn ra khi một học sinh tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người khuyết tật tỉnh Nghệ An bất ngờ phát bệnh động kinh.
Bình luận 0

Cô giáo gần 30 năm gắn bó với học sinh khuyết tật

Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người khuyết tật tỉnh Nghệ An ở xã Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, hiện có khoảng 280 học sinh khuyết tật trí tuệ và vận động đang theo học. Trong đó, có 180 học sinh ở xa, không có điều kiện đưa đón hằng ngày nên được bố trí ở nội trú ngay tại trường để thuận tiện cho việc học.

Sinh ra không được may mắn, các em phải chịu những khiếm khuyết cơ thể. Nhưng tất cả các học trò tại đây đều rất nỗ lực vươn lên. Các em học sinh đều cố gắng trong học tập để có thể vượt qua nghịch cảnh của bản thân, với mong muốn có cho mình một công việc, giúp ích cho gia đình và xã hội.

Những bóng hồng xinh đẹp ở ngôi trường đặc biệt nhất Nghệ An- Ảnh 1.

Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người khuyết tật tỉnh Nghệ An ở xã Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, hiện có khoảng 280 học sinh khuyết tật trí tuệ và vận động đang theo học. Ảnh: N.T

Ngoài dạy văn hóa, Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người khuyết tật Nghệ An còn tổ chức các lớp dạy nghề và hướng nghiệp, mở ra cánh cửa tươi sáng cho những học sinh đặc biệt. Để học nghề, học sinh phải từ 14 tuổi trở lên, khi đã đủ khả năng nhận thức để có thể làm chủ cuộc đời.

Tại Trung tâm giáo dục – Dạy nghề người khuyết tật tỉnh Nghệ An, mỗi lớp học có 18 học sinh, độ tuổi từ 8 đến 20. Mỗi học sinh có tính cách, dạng bệnh, hội chứng khác nhau. Vì thế, giáo viên tại đây đều phải tìm hiểu và nắm bắt rõ hoàn cảnh của từng học sinh.

Cô Đinh Thị Sa - giáo viên Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người khuyết tật tỉnh Nghệ An cho biết: "Cái khó nhất là trong cùng 1 lớp học nhưng mỗi em lại có một hoàn cảnh khác nhau. Hoàn cảnh về gia đình và chính bản thân các em đều khác biệt. Do đó, ngoài dạy chung, giáo viên còn phải tùy theo khả năng tiếp thu kiến thức của từng em để có phương pháp kèm riêng. Đối với từng học sinh cần có cách khác nhau để làm sao các em tiếp thu được kiến thức".

Những bóng hồng xinh đẹp ở ngôi trường đặc biệt nhất Nghệ An- Ảnh 2.

Cô Phan Việt Phương đã có gần 30 năm gắn bó với học sinh khuyết tật. Ảnh: N.T

Cô Phan Việt Phương là giáo viên đã có gần 30 năm dạy học sinh khuyết tật. Đó cũng là quãng thời gian cô giáo gắn bó với nhiều lớp học sinh. Kinh nghiệm hàng chục năm, nhưng với mỗi lớp học sinh mới cô giáo đều phải làm lại từ đầu.

"Trong quá trình học tập, để các em tiến bộ, hòa nhập với cộng đồng phụ thuộc phần lớn vào chính bản thân các em. Phần còn lại là nỗ lực của giáo viên và gia đình. Để làm được điều này, giáo viên cần có tình yêu thương con trẻ, kiên trì, nhẫn nại. Đặc biệt, giáo viên phải luôn sẵn sàng chia sẻ để giúp các em không còn mặc cảm về khiếm khuyết của bản thân. Như thế, học sinh mới có thể vươn lên, nỗ lực trong học tập", cô Phan Việt Phương chia sẻ.

Tất cả học sinh khi mới vào trung tâm học đều được dạy ngôn ngữ ký hiệu để cô trò có thể thuận tiện giao tiếp với nhau. Giáo viên cũng phải lựa chọn cách nói phù hợp với đặc điểm của trẻ. Giáo viên có thể kết hợp giữa lời nói và cử chỉ điệu bộ để tạo ra sự hấp dẫn, thu hút học sinh.

Những bóng hồng xinh đẹp ở ngôi trường đặc biệt nhất Nghệ An- Ảnh 3.

Mỗi học sinh đều có những khiếm khuyết khác nhau, vì thế giáo viên phải hiểu rõ từng học sinh để có phương pháp phù hợp. Ảnh: N.T

Cô Phan Việt Phương cho biết: "Đến nay, một số thế hệ học sinh của tôi đã ra trường đi làm việc và xây dựng mái ấm riêng của mình. Có những em nay đã thành chủ các xưởng may. Được chứng kiến các em trưởng thành, tự lập là niềm hạnh phúc, cũng là động lực để tôi tiếp tục gắn bó, cống hiến với công việc của mình".

Học sinh khiến cô giáo hoảng sợ, bật khóc ngay ngày đầu đến lớp

Cô Đỗ Thị Trang - Chủ nhiệm lớp dạy nghề may 1 chia sẻ về kỷ niệm trong lần đầu đến lớp của mình. "Lúc đó, một học sinh khuyết tật vận động đang ngồi học bình thường bỗng lên cơn động kinh, ngã xuống nền đất co giật. Lần đầu vào trường gặp tình huống này, tôi hoảng sợ đến bật khóc, chẳng biết xử lý tình huống ra sao. May mắn, lúc đó một học sinh trong lớp đã kịp đến phòng y tế gọi giáo viên khác đến xử lý tình huống kịp thời".

Những bóng hồng xinh đẹp ở ngôi trường đặc biệt nhất Nghệ An- Ảnh 4.

Cô Đỗ Thị Trang - Chủ nhiệm lớp dạy nghề may 1. Lần đầu đến lớp, học sinh đã làm cho cô giáo hoảng sợ đến bật khóc. Ảnh: N.T

Đó là một trong số rất nhiều tình huống mà các giáo viên tại ngôi trường đặc biệt phải xử lý trong những giờ lên lớp. Sau sự việc đó, nữ giáo viên này phải trang bị thêm một số kỹ năng để xử lý tình huống khi học sinh phát bệnh đột ngột.

"Đối với các em học sinh tại đây, dù chỉ một tiến bộ rất nhỏ mình cùng cần khuyến khích, động viên phù hợp để các em cảm thấy được yêu thương. Như thế, các em học sinh mới hào hứng để học tập, nỗ lực hơn nữa. Ngoài kiến thức chuyên môn thì để dạy nghề cho học sinh khuyết tật, giáo viên còn cần một trái tim ấm áp, nhẫn nại", cô Đỗ Thị Trang tâm sự.

Những bóng hồng xinh đẹp ở ngôi trường đặc biệt nhất Nghệ An- Ảnh 5.

Đối với các học sinh tại ngôi trường đặc biệt, giáo viên phải thật sự kiên trì, nhẫn nại để chỉ dạy. Ảnh: N.T

Tại lớp dạy nghề may, có nhiều học sinh không nghe nói được. Vì thế, việc giáo viên truyền tải cho học sinh hiểu được ý đồ, cách làm, các thực hiện như thế nào cho đúng, cho đẹp là rất khó. Bởi vậy giáo viên cần phải rất kiên trì, nhẫn nại chỉ cho các em từng chút.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Giám đốc Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người khuyết tật Nghệ An - cho biết, ngoài dạy văn hóa, trung tâm này hiện còn dạy nghề may, mộc, vi tính… cho học sinh. Trước khi học nghề, giáo viên sẽ khảo sát nguyện vọng của học sinh, phụ huynh và căn cứ vào khả năng của các em để định hướng học nghề phù hợp với bản thân. Với những nỗ lực của giáo viên tại trung tâm, nhiều lớp học sinh đã thành nghề có cho mình công việc để tự nuôi sống bản thân. Thành quả của các em học sinh là niềm hạnh phúc lớn nhất của giáo viên tại đây.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem