Học trò của GS.TS Trần Thiết Sơn "phù thủy tạo hình": "Thầy như một thần tượng lớn, nhờ thầy, tôi càng say nghề hơn"

Gia Khiêm Thứ tư, ngày 20/11/2024 10:19 AM (GMT+7)
Đó là lời chia sẻ chân thành của Ths.BS Nguyễn Minh Nghĩa, giảng viên Khoa Tạo hình Phẫu thuật thẩm mỹ, Trường Đại học Y Hà Nội với PV Dân Việt khi kể về người thầy đặc biệt của mình là GS.TS Trần Thiết Sơn, người tiên phong ở Việt Nam trong phẫu thuật trả lại giới tính thực cho những người lưỡng giới.
Bình luận 0

Cơ duyên đặc biệt của nam bác sĩ thích "mổ xẻ" và đi tìm cái đẹp

Một ngày cận 20/11, Ths.BS Nguyễn Minh Nghĩa, giảng viên Khoa Tạo hình Phẫu thuật thẩm mỹ, Trường Đại học Y Hà Nội, Phụ trách khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai (Hà Nội) vẫn miệt mài như bao ngày khác với khối lượng công việc vô cùng lớn. Bác sĩ Nghĩa tất bật giảng dạy các thế hệ học trò kế bước xong lại cuốn vào vòng xoay thời gian khám, mổ để tìm cái đẹp cho những người khiếm khuyết, tự ti về bản thân… 

Học trò của GS.TS Trần Thiết Sơn "phù thủy tạo hình": "Thầy như một thần tượng lớn, nhờ thầy, tôi càng say nghề hơn" - Ảnh 1.

Ths.BS Nguyễn Minh Nghĩa, giảng viên Khoa Tạo hình Phẫu thuật thẩm mỹ, Trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ về cơ duyên đến với đam mê đi tìm cái đẹp. Ảnh: Gia Khiêm

Như mọi năm, anh không bao giờ quên gửi những lời chúc đến các thầy cô giáo đã từng dạy dỗ mình nên người, đặc biệt trong đó có GS.TS Trần Thiết Sơn, nguyên Trưởng Bộ môn Phẫu thuật tạo hình, Đại học Y Hà Nội, Khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai, người tiên phong ở Việt Nam trong phẫu thuật trả lại giới tính thực cho những người lưỡng giới.

Chính nhờ GS.TS Trần Thiết Sơn ân cần chỉ bảo đã giúp cho những người học trò trẻ ngành phẫu thuật thẩm mỹ như bác sĩ Nghĩa luôn miệt mài với hành trình "mổ xẻ, sửa chữa" cho biết bao bệnh nhân trong hành trình đi tìm vẻ đẹp, sự tự tin, hạnh phúc.

Học trò của GS.TS Trần Thiết Sơn "phù thủy tạo hình": "Thầy như một thần tượng lớn, nhờ thầy, tôi càng say nghề hơn" - Ảnh 2.

GS.TS Trần Thiết Sơn "phù thủy tạo hình" chụp hình cùng học trò của mình. Ảnh: Gia Khiêm

Chia sẻ với PV Dân Việt, bác sĩ Nghĩa kể, cơ duyên đến với nghề, đặc biệt là chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ bắt nguồn từ câu chuyện của gia đình. Hồi còn nhỏ, anh chứng kiến chị gái bị xơ cơ ức đòn chũm khiến cổ bị lệch sang một bên, tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại khiến chị thường xuyên bị tự ti bởi những lời bông đùa, ảnh hưởng đến tâm lý và lâu dài đến cột sống cổ.

"Sau khi được phẫu thuật, chị gái tôi đã ổn định, không bị lệch vẹo và chị trở nên tự tin và xinh đẹp hơn rất nhiều. Nhận thấy những điều kỳ diệu từ chính chị gái của mình sau khi được phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ tôi lại càng thấy hứng thú và muốn theo đuổi ngành này.

Dù không liên quan quá nhiều đến sự sống cái chết như chuyên ngành khác nhưng lại mang đến cho mọi người một cuộc sống mới hoàn hảo và hạnh phúc hơn, giúp thay đổi cả cuộc đời và số phận của một con người. Chính điều này, càng thôi thúc niềm đam mê theo nghề của tôi", bác sĩ Nghĩa nhớ lại.

Học trò của GS.TS Trần Thiết Sơn "phù thủy tạo hình": "Thầy như một thần tượng lớn, nhờ thầy, tôi càng say nghề hơn" - Ảnh 3.

Bác sĩ Nghĩa đang tư vấn cho người bệnh. Ảnh: Gia Khiêm

Theo bác sĩ Nghĩa, để trở thành sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội sau đó tiếp tục học tập rồi thi tuyển chuyên ngành bác sĩ nội trú tại ngôi trường danh tiếng này khi ấy vô cùng "khốc liệt". Anh là một trong số  hiếm hoi thi đỗ. Cũng từ đây, anh được gặp người thầy của mình là GS.TS Trần Thiết Sơn – người luôn miệt mài dạy dỗ cho rất nhiều học trò.

Anh tâm sự, GS Trần Thiết Sơn chính là người đã giúp đỡ, truyền động lực, là tấm gương để anh học hỏi và phấn đấu có được như ngày hôm nay. Ông đã tích lũy và truyền đạt lại cho học trò của mình những kỹ thuật quý báu như: kỹ thuật giãn da, kỹ thuật phẫu thuật vú phì đại và đặc biệt là kỹ thuật vi phẫu tích - phẫu thuật dưới kính hiển vi mà khi đó trên thế giới chỉ có ba nước Anh, Nhật Bản và Việt Nam có thể thực hiện…

"Thầy tôi luôn xây dựng kho dữ liệu để những thế hệ sau có thể nghiên cứu. Đó chính là nguồn tài nguyên cực kỳ quý. Thêm nữa, thầy là người say mê viết sách. Có những hôm về khuya tôi vẫn thấy thầy miệt mài ở phòng làm việc nghiên cứu. Tôi khâm phục sự say mê tìm tòi của thầy. Ở thầy luôn có nguồn năng lượng tích cực.

Thầy Sơn chính là người tiên phong ở Việt Nam trong phẫu thuật trả lại giới tính thực cho những người lưỡng giới. Thầy như một thần tượng lớn, nhờ thầy, tôi càng yêu càng say nghề hơn bao giờ hết. Tôi may mắn được thầy chỉ dạy, được thầy cho theo sát học nghề, cùng thầy trao đổi những ca khó, ca mới. Tôi có được ngày hôm nay phải kể đến công lao rất lớn của thầy Trần Thiết Sơn", bác sĩ Nghĩa bày tỏ.

Giảng viên đam mê "sữa chữa" những sản phẩm lỗi

Bác sĩ Nghĩa tâm sự, dù là nam giới nhưng theo đuổi ngành làm đẹp, đặc biệt là chuyên ngành "sửa chữa" những sản phẩm lỗi, anh lại có cho mình nhiều kỷ niệm, câu chuyện đặc biệt. Từ khi cầm dao mổ đến nay, bác sĩ Nghĩa cũng không nhớ hết mình đã mổ cho bao nhiêu con người có ngoại hình dị thường, bị mọi người gán cho những cái tên xấu xí, những nam thanh niên bị mất một phần cơ thể, hay những cô gái có cơ thể bị khiếm khuyết, không thể lập được gia đình... đều tìm đến bàn tay của anh.

Học trò của GS.TS Trần Thiết Sơn "phù thủy tạo hình": "Thầy như một thần tượng lớn, nhờ thầy, tôi càng say nghề hơn" - Ảnh 4.

Hình ảnh nữ bệnh nhân trước và sau khi được bác sĩ Nghĩa phẫu thuật, chỉnh sửa sau nhiều lần đi chỉnh mí mắt tại nhiều cơ sở khác. Ảnh: BSCC

"Tôi thích mổ xẻ, thích phẫu thuật, thích tìm cái đẹp và đặc biệt thích sửa những ca hỏng, lỗi vì như vậy càng nâng cao tay nghề của bản thân. Trong nhiều ca bệnh, điều luôn khiến tôi ấn tượng đó là sự chăm sóc chia sẻ của những người chồng, người yêu đồng hành đi làm đẹp cùng người phụ nữ của mình", bác sĩ Nghĩa cười nói.

Bác sĩ Nghĩa kể thêm về ca bệnh để lại ấn tượng nhất đó là trường hợp nữ bệnh nhân sau điều trị áp xe tuyến vú sau sinh tuyến vú bị méo mó biến dạng đến mức muốn ly hôn với chồng vì quá tự ti về cơ thể. Tuy nhiên, chính người chồng đã tìm đến nhờ anh tư vấn và đưa vợ đến khám.

"Người chồng chia sẻ rất thương vợ, sau quá trình sinh nở vất vả, tiếp đến quá trình áp xe rồi mổ chọc nạo áp xe rất đau đớn và bây giờ sau khi ổn định để lại tình trạng ngực rúm sẹo co kéo chằng chịt", bác sĩ Nghĩa kể.

Theo lời của chồng bệnh nhân, vợ của anh mặc cảm nhiều, không khí gia đình trầm buồn, tuy còn trẻ nhưng dần dần vợ ngại ra ngoài, chỉ mặc quần áo rộng không dám ăn diện. Thậm chí, không dám gần gũi chồng muốn đẩy anh ra để chồng tìm hạnh phúc mới…

Sau 2 lần phẫu thuật đặt túi kèm bóc xơ dính, ghép mỡ vòng 1 của người vợ đã được cải thiện, không còn tình trạng co kéo. "Tuy còn sẹo nhưng nữ bệnh nhân đã tự tin hơn nhiều. Sau ca phẫu thuật đó, hai vợ chồng vô cùng vui mừng, hạnh phúc. Họ gửi lời cảm ơn vì nhờ đó họ yêu nhau nhiều hơn", bác sĩ Nghĩa nhớ lại.

Bác sĩ Nghĩa cho hay, lựa chọn trở thành giảng viên đại học không chỉ là sự đam mê với ngành y mà còn là mong muốn chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với thế hệ sinh viên tiếp theo.

"Khi được làm giảng viên tôi thấy tự hào, hạnh phúc và được tận hưởng niềm vui từ việc truyền đạt kiến thức, đồng thời giữ nguyên sứ mệnh của một bác sĩ, sứ mệnh sửa chữa những khiếm khuyết, làm đẹp cho đời", giảng viên Khoa Tạo hình Phẫu thuật thẩm mỹ, Trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ.

Học trò của GS.TS Trần Thiết Sơn "phù thủy tạo hình": "Thầy như một thần tượng lớn, nhờ thầy, tôi càng say nghề hơn" - Ảnh 6.

Ths.BS Nguyễn Minh Nghĩa, hiện đang là giảng viên Khoa Tạo hình Phẫu thuật thẩm mỹ, Trường Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Bác sĩ Nghĩa cảm thấy hạnh phúc và tự hào khi được trở thành giảng viên Đại học Y. Nam giảng viên quan niệm rằng, y khoa là một lĩnh vực đặc biệt, trong đó ngành phẫu thuật thẩm mỹ lại càng có nhiều nét riêng.

"Tôi luôn ý thức, khi là một bác sĩ, cả đời có thể chỉ khám – chữa cho hàng nghìn bệnh nhân. Nhưng khi là một giảng viên, đào tạo các thế hệ sinh viên Y khoa, tôi có thể gián tiếp cứu chữa vô số bệnh nhân. Vì vậy, trách nhiệm của giảng viên Y khoa vô cùng lớn lao. Tôi quyết đem toàn bộ Tâm – Trí – Lực – Kinh nghiệm của bản thân để đào tạo ra các thế hệ bác sĩ chất lượng, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp làm đẹp cho đời", giảng viên Nghĩa chia sẻ.

Theo bác sĩ Nghĩa, để làm được cùng lúc hai việc, người làm nghề có gấp đôi tình yêu - tình yêu với nghề y và tình yêu với nghề giáo. Sự nỗ lực theo đó cũng phải gấp đôi so với ngành nghề khác.

"Với tôi, nhờ nỗ lực gấp đôi, thách thức gấp đôi đó mà niềm vui của tôi cũng được nhân đôi. Với vai trò bác sĩ, tôi có cơ hội được nghe lời tâm sự, sẻ chia và những câu chuyện xúc động từ người bệnh. Còn với nghề giáo, tôi được nghe sinh viên chia sẻ về sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, về khát khao được phụng sự cộng đồng của giới trẻ. Tất cả đã truyền động lực giúp tôi luôn giữ được ngọn lửa đam mê với nghề", bác sĩ Nghĩa trải lòng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem