1. Nếu tượng “Bồ tát Quán Thế Âm”, hiện đang trưng bày ở Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán trên đường Lê Lợi, là một sự trầm luân với đất Huế thì bức tượng chân dung “Phan Bội Châu” là một sự dâng hiến đầy bi tráng của một nhân vật kiệt xuất, sống và chết với nỗi khổ đau của đất nước, bên dòng sông Hương. Hai bức tượng này Lê Thành Nhơn sáng tác và dựng tác phẩm ở Huế. Riêng bức tượng “Phan Bội Châu” hoàn thành bằng chất liệu đất sét vào đầu năm 1974.
Tượng đồng Phan Bội Châu tại công viên số 19 Lê Lợi
Dù xa Huế nhưng tâm hồn ông lúc nào cũng hướng về mảnh đất đầy thiên tai bão lũ này. Ông hướng về Huế với tâm trạng mong nhớ và đau đáu vì ở đó có sự trao gửi đầy cảm xúc qua những ký ức không thể phai nhòa với những bạn bè như Trịnh Công Sơn, Bửu Ý, Khánh Ly, Bửu Chỉ... cùng với những lớp học sinh, nhưng họa sĩ trẻ mà ông đào tạo. Khi định cư ở đất nước Úc xa xôi, những bức họa của ông luôn xuất hiện chất Huế trong cảm xúc.
Đặc biệt đó là hình ảnh bàn tay được mô tả chi tiết, sinh động qua các ngón đàn tỳ bà, hay đàn nguyệt cùng những xênh phách được ngân lên qua những điệu hò trên sông Hương. Đã không ít lần ông bày tỏ với Huế, ngoài những sáng tác hội họa, mà còn dựng nhiều tượng Phật bày đặt ở nhiều nơi trên đất khách quê người. Ông quan niệm Phật là Huế.
Bởi vậy khi mới sang Úc, qua bao gian khổ kiếm kế mưu sinh, trong sâu thẳm tâm hồn mình Lê Thành Nhơn chỉ nhớ về Huế. Và nỗi niềm, nguyện vọng duy nhất trước khi mất vì trọng bệnh, năm 2002 (thọ 62 tuổi), Lê Thành Nhơn lại hướng về Huế. Ông viết thư cho bạn là Bửu Ý, nhà văn hóa kiêm dịch giả ở Huế, với những lời thống thiết: “... Nay tóc Nhơn đã rụng sạch đầu. Thư này viết cho Bửu Ý nói lời thăm hỏi nồng nàn và sâu xa nhất. Và mình muốn nhờ Bửu Ý đưa giùm pho tượng cuối cùng của Nhơn về Huế”.
Nhà văn Bửu Ý đã thấu hiểu tình yêu Huế trong lòng người bạn nơi xa xứ sắp từ giã cõi đời. Ông và bạn bè đã hết lòng vì nguyện vọng cuối cùng của một nghệ sĩ đã nặng lòng với Huế. Hiện nay bức tượng đá trắng “Cô gái Việt Nam” (cao 3m) đã được đặt bên bờ sông Hương trước cửa trường Hai Bà Trưng gần Quốc học Huế.
Họa sĩ Lê Thành Nhơn
2. Cuộc đời của Lê Thành Nhơn cũng bắt đầu trầm luân ngay từ khi dựng xong bức tượng chân dung “Phan Bội Châu” bằng đất sét ở tại thành nội Huế, khi bức tượng được đưa về hội đúc đồng để thể hiện đúng chất liệu sáng tác mà tác giả dự định ban đầu. Khi họa sĩ Lê Thành Nhơn bước lên con tàu rời xa đất nước thì việc đúc đồng cũng bị dừng lại vì sự kiện chiến thắng Giải phóng miền Nam của quân và dân ta.
Phường đúc đồng ngừng việc và ủ tượng để đấy. Cũng bởi, bức tượng đồng lớn quá, cao 4,5m, nặng 7 tấn không biết đặt ở đâu. Mãi đến năm 1987, nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của danh nhân Phan Bội Châu, UBND TP Huế mới tổ chức đưa bức tượng về đặt trong vườn nhà và cũng là vườn mộ Phan Bội Châu tại dốc Bến Ngự.
Và thật đặc biệt trùng khớp, đúng vào dịp này, Lê Thành Nhơn cũng được mời dạy kiến trúc tại Học viện Kỹ thuật Hoàng gia ở thành phố Melbourne, bang Victoria. Sự nghiệp của ông bắt đầu rực rỡ trở lại. 10 năm sau, ông tập trung vẽ và dựng tượng. Liên tục ông mở 2 cuộc triển lãm vào năm 1998 và năm 2000 đã làm dậy sóng dư luận quốc tế với những tác phẩm đậm chất thiền như “Sinh”, “Lão”, “Bệnh”, “Tử” và “Đất”, “Nước”, “Gió”, “Lửa” hoặc các bức tranh khổ lớn như “Nước tôi, dân tôi” cùng với các tượng “Đức mẹ” và “Phật Thích Ca”...
Nhiều tác phẩm của Lê Thành Nhơn được các nhà phê bình quốc tế đánh giá là kiệt tác và ông có nhiều bức tượng được đặt ở những nơi trang trọng ở Úc. Vào năm 2001, ông nhận lời trở về Huế để giảng dạy tại Đại học Mỹ thuật, nhưng bất ngờ ngã bệnh và mất vào cuối năm 2002, tại bệnh viện Royal, Melbourne (Úc).
3. Mệnh của Họa sĩ Lê Thành Nhơn là vậy, trở về với Huế cùng với “Cô gái Việt Nam”, nhưng phận của bức tượng đồng “Phan Bội Châu” còn long đong xếp tạm ở nơi chật hẹp và khuất lấp sau bức tường rêu phong suốt hàng chục năm sau nữa. Được sự quan tâm của Sở VH-TT&DL Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Huế, bức tượng lớn của cụ Phan (cao 4,5m, dày 2,5m và rộng 3,5m) đã được lắp dựng tại công viên số 19 Lê Lợi, đầu cầu Trường Tiền, vào ngày 5-4-2012.
Vậy là sau 37 năm long đong, bức tượng “Phan Bội Châu” mới tìm được chỗ đứng xứng đáng trong tình cảm yêu thương của người dân Huế. Bởi lẽ thành phố Huế là nơi Phan Bội Châu đặt những bước chân đầu tiên trên con đường vận động cứu nước và cũng là nơi ông đã trải qua nhưng năm tháng cuối đời. Tác phẩm điêu khắc này được đánh giá là pho tượng đồng lớn nhất và đẹp vào bậc nhất nước ta hiện nay, có giá trị tư tưởng cao, gắn với lịch sử vẻ vang của dân tộc.
Vương Tâm (An Ninh Thủ Đô)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.