Những cánh tay đắc lực của bầu Đức: Tổng quản Lê Ngọc Lân

Thứ năm, ngày 17/10/2013 12:55 PM (GMT+7)
Đã 60 tuổi, chấp nhận lên phố núi Pleiku (Gia Lai) sống một mình, xa gia đình với vợ, con, cháu nội, ngoại đủ cả ở Quy Nhơn (Bình Định), “lão tướng” Lê Ngọc Lân dồn hết tâm huyết giúp bầu Đức cai quản cơ ngơi Học viện HAGL-Arsenal có giá trị cả trăm tỷ đồng…
Bình luận 0
Hơn chục năm qua, mỗi bước đi của ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn HAGL với hoạt động bóng đá đã nhận được quá nhiều lời ngợi khen. Nhưng ít ai biết, nếu không có những cánh tay đắc lực ở kề bên, thì bầu Đức khó có thể “làm mưa làm gió”...

Đừng khen bầu Đức nữa

Bước vào căn phòng khá tuyềnh toàng, chỉ có 1 chiếc vô tuyến, 1 chiếc bàn uống nước, 1 chiếc giường ngủ và ít vật dụng cá nhân, ít ai nghĩ đó là căn phòng của “tổng quản” Lê Ngọc Lân – người được bầu Đức tín nhiệm giao cho quản lý toàn bộ cơ sở vật chất của Học viện HAGL-Arsenal JMG gồm cụm 5 sân tập chính, 1 sân phụ, dãy nhà ở, nhà ăn, thư viện, hồ bơi, phòng tập thể hình, xông hơi…

Ông Lê Ngọc Lân trong phòng truyền thống của CLB HAGL.
Ông Lê Ngọc Lân trong phòng truyền thống của CLB HAGL.

Đến Học viện HAGL-Arsenal JMG mà chưa gặp ông Lân thì coi như chưa tới. Thói quen, giờ giấc, cách sinh hoạt của từng cầu thủ đều được ông nắm trong lòng bàn tay.

Ông Lân kể, ngay từ những ngày đầu bầu Đức quyết định phá gần 10ha cao su để xây dựng Học viện, ông đã có mặt: “Mọi thứ như một chữ duyên vậy. Con rể tôi bị tai biến phải lên Pleiku chữa trị. May thay có một cầu thủ trong đội HAGL giới thiệu tôi với bầu Đức, và tôi nhận lời tới làm việc, ban đầu chỉ là tiện chăm sóc con thôi. Mới đó mà đã gần 7 năm trôi qua, giờ tôi ở một mình cũng thành quen, mỗi năm về nhà khoảng 4 lần và thường khi nhà có việc mới về”.

Ở Pleiku buồn, buổi tối thời tiết lành lạnh càng buồn tê tái. Ông Lân chỉ biết làm bạn với chiếc ti vi, con chim chào mào, và… chén rượu đưa đẩy giấc ngủ sớm. “Chỉ có cầu thủ đội đá V.League được phép ra ngoài buổi tối nhưng kiểu gì cũng phải về ngủ trước 23 giờ. Hai ngày cuối tuần, cầu thủ được xe của đội đưa lên TP.Pleiku chơi (cách Học viện HAGL-Arsenal JMG khoảng 15km). Còn các học viên, kể cả lứa khóa 1 cũng chỉ biết quanh quẩn trong khuôn viên Học viện, ôn bài, đọc sách báo, chơi bóng bàn, billiards cho khuây khỏa” - ông Lân kể.

Vì bóng đá nước nhà

Ông Lân cho hay các em nhỏ tới Học viện chỉ có học văn hóa và chơi bóng. Ngày thường, khoảng hơn 6 giờ, tất cả dậy chuẩn bị ăn sáng rồi đi học văn hóa đến khoảng 10 giờ 30. Sau đó lại ra sân bóng tập, về ăn cơm trưa. Nghỉ trưa xong, lại làm bạn với trái bóng từ lúc 15 giờ cho tới 16 giờ 30. Bữa tối của cầu thủ bắt đầu từ khoảng 17 giờ 30 tới 18 giờ 30, sau đó chuẩn bị sách vở đi học ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp).

Giây phút sảng khoái nhất là khi ông Lân dẫn người viết đi khoe phòng truyền thống với những chiếc cúp, huy chương gắn liền với những bước đi của HAGL hơn chục năm qua: “Tôi tin khi lứa học viên Học viện HAGL-Arsenal JMG trưởng thành, HAGL sẽ tìm lại được quá khứ vàng son của mình”- ông Lân nói.


Hỏi ông Lân những ngày đầu lên Pleiku có buồn không, ông cười nhẹ: “Những ngày tháng đầu lên đây cũng buồn lắm nhưng dần có thêm những người bạn, cầu thủ qua lại hỏi thăm, tếu táo vài câu cũng vui, lâu dần thành quen”. Một trong những người bạn già mà ông Lân muốn nói tới là cựu bếp trưởng Trung. Hơn ông Lân 3 tuổi, nhà ở Gia Lai, cách Học viện khoảng 12km, vậy mà cứ đều đặn vào 4 giờ 30 phút sáng, ông Trung lại đi xe máy tới Học viện chuẩn bị bữa sáng cho các cầu thủ. Đến khoảng 19 giờ 30, ông Trung lại một mình rong ruổi từ Học viện trở về nhà: “Tất cả chỉ vì tương lai bóng đá nước nhà thôi” - ông Lân tâm sự mà như nói thay lời người bạn của mình.

Tuệ Minh (Tuệ Minh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem