Clip: Bên trong "động rắn" ở Vĩnh Sơn
Mất mạng vì nuôi rắn
Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội chừng 50km về phía Tây Bắc, xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) nổi tiếng cả nước về nghề nuôi rắn. Đằng sau vẻ bề ngoài yên bình của ngôi làng như bao vùng quê khác vùng đồng bằng Bắc Bộ thì nơi đây lại có thể khiến nhiều người yếu bóng vía ngất lịm khi biết rằng ngôi làng này được mệnh danh là làng nuôi rắn lớn nhất miền Bắc.
Trại rắn hơn 1000 con của gia đình người chị Hoà ở xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc)
Nuôi rắn hổ mang phì đã trở thành một nghề truyền thống, đem lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân tại nơi đây. Nhưng công việc này cũng ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm. Hầu như năm nào, trong xã cũng có vài trường hợp qua đời do bị rắn cắn.
Chị Nguyễn Thị Yến (40 tuổi) người có hơn 10 năm làm nghề nuôi rắn độc vẫn mang vẻ buồn bã u uất khi nhớ lại tai nạn của người chồng quá cố. Năm 2012, chồng chị Yến, anh Phùng Văn Long qua đời vì bị rắn cắn khi đang cho rắn ăn. Anh mất đi để lại cho chị ba đứa con thơ đang tuổi ăn học và cha mẹ già yếu.
Quá đau đớn trước sự ra đi đột ngột của chồng, chị Yến có những lúc đã muốn quỵ ngã, thế nhưng nhìn đàn con thơ cùng cha mẹ già không ai chăm sóc, chị lại tiếp tục theo nghiệp chồng, vực dậy từ con rắn, bất chấp mối nguy hiểm tới tính mạng vẫn rình rập hàng ngày.
Những ngày đầu quay trở lại với nghề, lúc nào chị cũng bị ám ảnh với hình ảnh chồng bị rắn cắn. Nhưng nghĩ thương các con chị lại quyết tâm đứng dậy và làm bằng được.
Đến nay cũng đã hơn 10 năm kể từ ngày chung sống với loài động vật nguy hiểm này, mất mát có, khó khăn cũng nhiều nhưng chị vẫn quyết tâm theo đuổi cái nghề truyền thống mà nhiều đời cha ông đã truyền lại.
Một con rắn hổ mang phì đang bành mang khi thấy có ánh sáng chiếu vào trong lồng.
Nỗi sợ hãi khi làm bạn với “tử thần”
May mắn hơn chị Yến, thế nhưng sự nghiệp nuôi rắn của chị Nguyễn Thị Hoà (thôn 4, xã Vĩnh Sơn) cũng gặp không ít chông gai. Gắn bó với con rắn từ khi mới về làm dâu ở Vĩnh Sơn đến nay cũng đã hơn 10 năm, chị Hoà tâm sự: “Từ khi tôi về làm dâu tại Vĩnh Sơn cũng là ngày tôi bắt đầu làm quen với rắn, nghề nuôi rắn có từ hổ mang phì đã có từ thời ông, bố chồng tôi và nay tôi lại tiếp tục kế nghiệp".
Khi được hỏi về nỗi sợ hãi khi làm bạn với “tử thần”, chị Hoà cười vui vẻ nói: “Sợ chứ, ngày đầu mới chỉ nghe nhà chồng có nuôi rắn tôi đã sợ chết khiếp chứ không dám nghĩ có ngày mình lại chính tay bỏ mồi chăm rắn ăn như bây giờ".
Nói về sự nguy hiểm của loài rắn này, chị Hoà chia sẻ: “Nuôi rắn hổ mang phì không phải dễ. Mọi khâu từ chăm sóc, cho ăn hay di chuyển đều phải hết sức cẩn trọng và chính xác. Đặc biệt là những lúc cho ăn, không cẩn thận sẽ bị nó cắn hoặc phun nọc độc vào người. Trước đây hầu như năm nào xã cũng có người mất vì bị rắn cắn, còn chuyện đưa đi cấp cứu đã trở thành cơm bữa".
Chị Hoà (con dâu ông Quảng) và bàn tay cụt mất một ngón do tai nạn rắn cắn.
"Nọc của loài rắn hổ mang phì này độc lắm, ai mà bị nó cắn nếu không cấp cứu kip thời thì chỉ 20 phút là thiệt mạng. Ngay như tôi đây, năm 2012 do sơ ý bị rắn cắn vào ngón tay út trong lúc cho ăn, nọc rắn gây thối thịt ở chỗ vết thương nên tôi phải cắt bỏ ngón tay này". Nói đoạn chị Hoà đưa bàn tay chỉ còn 9 ngón lên như lời minh chứng cho sự nguy hiểm của cái nghề sống chung với “tử thần” này.
Dẫu biết nuôi rắn là nghề nguy hiểm, nhưng hầu hết các hộ nuôi rắn ở Vĩnh Sơn đều không có ý định bỏ nghề. Đối với người dân Vĩnh Sơn, chừng nào rắn còn có giá trị kinh tế thì nghề nuôi rắn vẫn sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển ở vùng quê đặc biệt này.
Nhiều người lần đầu tiên được tận tay sờ vào mái tóc dài 2,4m và không khỏi ngạc nhiên bởi tóc không chỉ dài, đen...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.