Những chuyện "dở khóc, dở cười" bên Bờ Hồ

Nguyễn Văn Ất Thứ sáu, ngày 06/01/2023 11:41 AM (GMT+7)
Năm 1996, khi cải tạo lắp đặt lại biển chữ Bưu điện Hà Nội ở Hồ Gươm, trời mưa bão, nhóm thợ phải tạm dừng thi công và xuất hiện tình huống trớ trêu.
Bình luận 0

Những ngày hè nóng bức, dân Hà Nội - nhưng ở các quận khác "ghen" với dân quận Hoàn Kiếm, vì "dân Hoàn Kiếm" - có Bờ Hồ để ra hóng mát. Ngồi hóng mát Bờ Hồ nhiều chuyện lắm! Không phải chuyện "hóng" mà là những chuyện nhìn thấy tận mắt. 

Gần đây, đồng hồ tòa nhà Bưu điện Hà Nội (tòa nhà VNPT) không còn hoạt động bình thường, có 4 mặt thì 3 mặt chạy luôn luôn chậm, chuông thì đã rất nhiều năm nay không đánh. Mà mỗi lần điều chỉnh lại thời gian cho đúng thì vô cùng vất vả. Chẳng phải bây giờ mới thế, hơn 20 năm trước nó đã chạy tậm tịt. 

Cái đồng hồ nó có 4 mặt vuông giống nhau ngoảnh theo 4 hướng Đông - Tây - Nam - Bắc. Diện tích mỗi mặt là 4,5 mét vuông.

Những chuyện "dở khóc, dở cười" bên Bờ Hồ - Ảnh 1.

Nhà bưu điện Bờ Hồ đầu thế kỷ XX.

Tôi biết rõ cái đồng hồ (và cả toà nhà Bưu điện 75 Đinh Tiên Hoàng) này, khi còn làm xây dựng, công ty tôi cùng một số đơn vị khác nhận cải tạo toà nhà Bưu điện Bờ Hồ, khoảng năm 1995 -1996. Mọi việc sửa chữa bên trong đều ổn. Nhưng riêng đến khi lắp đặt lại chữ "BƯU ĐIỆN HÀ NỘI" thì xảy ra rắc rối. 

Đó là anh em lắp đặt chữ theo trình tự từ cuối lên đầu để dễ căn chỉnh, tức là lắp từ chữ NỘI đến HÀ rồi ĐIỆN và cuối cùng là BƯU. Nhưng lắp xong ba chữ là ĐIÊN HÀ NỘI thì trời đổ mưa bão. Để đảm bảo an toàn cho anh em công nhân nên công việc phải ngưng gần 1 tuần. Thế là trong tuần ấy dòng chữ ĐIÊN HÀ NỘI (chữ ĐIÊN chưa kịp lắp dấu nặng (.) được phản ánh lên "chỗ nọ chỗ kia"! Tại sao lại "ĐIÊN HÀ NỘI"? có "ý đồ" gì đây? v.v và v.v…! Anh em phải giải trình thật "khổ sở". 

Những chuyện "dở khóc, dở cười" bên Bờ Hồ - Ảnh 3.

Dòng chữ Bưu điện Hà Nội đã được thay thế bằng VNPT Hà Nội.

Đến khi Bưu điện Hà Nội đặt vấn đề sửa lại cái đồng hồ trên nóc nhà thì chúng tôi "sợ" lắm, phải từ chối ngay. Vì khi đó cái đồng hồ vẫn đánh chuông, chỉ cần tiếng chuông đồng hồ sau khi sửa nhỡ khác đi một chút là sẽ "có chuyện". 

Sống nhiều năm ở khu vực này (có đến gần 30 năm đều đặn sáng sáng chạy tập thể dục quanh Bờ Hồ), tôi chứng kiến khá nhiều vụ dư luận dậy sóng quanh thay đổi ở khu vực Bờ Hồ. Trước tiên phải kể đến vụ dư luận eo xèo khi toà nhà Bưu điện hiện nay được xây mới và hoàn thành vào năm 1978. 

Vốn là "nhà dây thép" có từ thời Pháp, kiến trúc khá hài hoà với cảnh quan xung quanh hồ, nó được đập đi năm 1976 và xây mới như hình hài bây giờ bê tông, mái bằng. Nhưng người ta chỉ xây mới phần nhìn ra mặt phố Đinh Tiên Hoàng, còn hai bên cánh gà (phần góc Đinh Tiên Hoàng -Lê Thạch chỗ Bưu chính làm việc hiện nay và Đinh Tiên Hoàng- Đinh Lễ, chỗ Bưu điện Quốc tế hiện giờ) vẫn giữ nguyên, nên toà nhà trông rất mất cân đối. Khi đó có nhiều người ví toà nhà là cô gái "mặc áo dài, đầu đội mũ cối". 

Tháng 10/2015 khi trên nóc toà nhà, chữ "BƯU ĐIỆN HÀ NỘI" bao nhiêu năm nay quen mắt mọi người thì bỗng nhiên thay bằng "VNPT"! Dân không hiểu VNPT là gì! Có người thì nói "Việt Nam Phải Thế", người thì bảo "Vào Ngó Phở Thìn"…). Dân tình có nhiều ý kiến không đồng tình. Báo đài cũng lên tiếng, Bộ Thông tin Truyền thông vào cuộc… Nhưng đã mấy năm, có đến "gần 2 nhiệm kỳ" qua đi rồi, nhưng chữ VNPT nó vẫn chềnh ềnh ngự ở đấy.

Những chuyện "dở khóc, dở cười" bên Bờ Hồ - Ảnh 4.

UBND TP Hà Nội trước năm 1989.

Rồi toà nhà UBND TP Hà Nội. Trước năm 1989 đây là một khu biệt thự công sở liên hoàn kiến trúc Pháp, cổng vào hình cánh cung rất đẹp, ẩn mình dưới bóng các cây cổ thụ. Người ta phá đi, xây toà nhà Uỷ ban như hiện nay. Hoàn thành năm 1989, dịp 35 năm giải phóng Thủ đô. Toà nhà gây sóng gió dư luận khi đó. Người thì gọi là "nhà trắng" vì hai bên toà nhà ốp đá trắng, người thì gọi "toà nhà hình cái máy ..." Thậm chí giới kiến trúc sư còn đề nghị nên đập đi xây lại. Trong suốt hơn hai mươi năm tồn tại, lúc đầu nó chỉ có mái bằng, nhìn cụt lủn, đến khoảng đầu năm 2015 thì người ta chụp thêm lên nóc nó một cái "nón" bằng kết cấu thép, lâu dần cũng quen mắt. 

Đến vụ cải tạo để kè bê tông xung quanh Bờ Hồ, trước năm 1991, trừ khu vực gần đền Ngọc Sơn và Nhà Thủy tạ đã được kè bê tông, còn phần bờ xung quanh hồ Hoàn Kiếm vẫn là bờ đất giống như bờ ao làng. Trong khoảng thời gian 1992- 1994 người ta cải tạo nạo vét hồ và kè bê tông xung quanh, lát đá đường dạo quanh hồ. Dư luận rất ầm ĩ chuyện nạo vét hồ để kè. Nào là bê tông làm "mất đi sự thơ mộng dân dã" của hồ. Nào là kè bê tông làm khu hồ trở nên "bức bối". Thậm chí còn có "nhà khoa học" lên tiếng kè hồ sẽ ảnh hưởng đến cụ Rùa, rồi tâm linh này khác , kinh lắm. Nhưng người ta cứ làm. 

Vụ "Bách hoá Tổng hợp" thành "Tràng tiền Plaza" đầu những năm 2000 thì khỏi nói. Ai cũng biết ầm ĩ đến nhường nào. Bây giờ thì nó thành điểm thu hút "nam thanh, nữ tú" từ khắp nơi khi về thăm Hà Nội, lại còn là điểm chụp ảnh đám cưới. Đến vụ xây Nhà vệ sinh công cộng (WC) chênh chếch trước Sở điện lực một thời cũng nổi sóng. 

Rồi đến toà nhà "Hàm cá mập" kính đen xì nổi tiếng vì cho là xấu xí bên Bờ Hồ. Đến bây giờ thì mọi người lại có vẻ thấy quen mắt. Thậm chí hôm rồi tôi có ngồi với một người quản lý nhà hàng ở toà nhà này, ông có nói đại ý: "Bọn em đang có ý định thay đổi màu kính. Hiện đang là kính đen, trước đây bị chê bai dè bỉu dữ lắm, nhưng giờ mọi người quen mắt, thấy cũng được. Nếu bọn em thay kính màu khác bây giờ có khi bị 'ném đá" và dư luận nổi sóng chưa biết chừng".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem