Những chuyến xe "xé màn đêm" đưa F0 đến khu điều trị

Nha Mẫn Thứ hai, ngày 23/08/2021 08:57 AM (GMT+7)
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, những tài xế chở F0, F1 vẫn thầm lặng với công việc của mình. Họ ít được nhắc đến, ít được ca ngợi nhưng lại đóng góp rất lớn cho công tác phòng chống dịch.
Bình luận 0

Nhấc điện thoại lên là đi ngay

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Đồng Nai, ngoài các y bác sĩ, nhân viên y tế thì tài xế lái xe cứu thương cũng đang ngày ngày phải đối mặt với khó khăn, hiểm nguy. Không kể ngày hay đêm, mưa gió hay bão bùng, bất chấp hiểm nguy, họ ngày đêm cố gắng hết sức để đưa F0, F1 đến nơi cách ly, điều trị an toàn. 

Gặp anh Hồ Huy Cường, tài xế chạy xe cấp cứu của Bệnh viện ĐKKV Long Khánh, vào một ngày trời mưa tầm tã giữa tháng 8. Chúng tôi không khỏi bất ngờ khi biết anh đã qua cái tuổi 50 nhưng vẫn ngày ngày miệt mài với công việc đón đưa F0, F1.

Vừa đưa tay lau vội giọt mồ hôi trên trán, anh Cường ra hiệu cho chúng tôi đứng cách xa để nói chuyện vì mục đích đảm bảo an toàn. Anh kể đến nay đã qua 4 mùa dịch, anh không còn nhớ nổi mình đã chở trên xe bao nhiêu F0, F1 chỉ biết mỗi ngày hi vọng dịch sớm được dập tắt để "về nhà".

Những chuyến xe "xé màn đêm" đưa F0 đến khu điều trị - Ảnh 2.

Những chuyến xe "xé màn đêm" chở F1, F0 đi cách ly, điều trị. Ảnh: Nha Mẫn chụp 21/8

Để bảo vệ bản thân, anh Cường luôn tuân thủ các quy định trong kiểm soát nhiễm khuẩn, thường xuyên mặc đồ bảo hộ, xe chở bệnh nhân về sẽ được khử khuẩn nghiêm ngặt.

"Từ ngày nhận nhiệm vụ trong đợt dịch thứ 4 đến nay thì bệnh viện cũng chính là nhà của tôi. Tôi chọn cách ở lại để đảm bảo an toàn cho vợ con vì mình chở F0, nguy cơ bị lây nhiễm là rất cao", anh Cường chia sẻ.

Nói về việc vận chuyển F0, anh Cường cho biết anh sợ nhất là những lần vận chuyển bệnh nhân nặng từ bệnh viện dã chiến đến khu hồi sức tích cực tại hai bệnh viện tuyến tỉnh. Những lúc như vậy, anh vừa lái xe vừa cầu nguyện cho bệnh nhân được bình an và cố gắng đưa bệnh nhân đến nơi nhanh nhất, kịp thời nhất.

Những chuyến xe "xé màn đêm" đưa F0 đến khu điều trị - Ảnh 3.

Tài xế tranh thủ nghỉ ngơi để chờ những chuyến đi mới. Ảnh: Nha Mẫn chụp 21/8

"Có những ca trực 24 giờ, tôi phải chạy xe chở bệnh nhân liên tục, nhiệm vụ khó khăn nhất là khi chở bệnh nhân mới phát hiện ở cộng đồng đến bệnh viện dã chiến, hoặc chở F1 đi cách ly tập trung. Khi đến nhà, nhiều người không chịu đi, phải thuyết phục cả tiếng đồng hồ, có những trường hợp không hợp tác, còn chửi bới nhân viên y tế buộc chúng tôi phải nhờ lực lượng công an địa phương can thiệp thì họ mới chịu" - anh Cường nói thêm.

Đang trong câu chuyện thì anh Cường được điều động tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ nên chúng tôi đành chào tạm chia tay anh và mong anh luôn giữ gìn sức khỏe, bình an trên những hành trình mỗi ngày.

Cùng tâm tư với anh Cường là ông Trương Quốc Long, (58 tuổi), người đã có 33 năm lái xe cho Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Đồng Nai và nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai.

Ông nói rằng 2 năm nay qua có lẽ là thời gian khó khăn và nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời lái xe của ông.

"Tài xế chúng tôi không kể giờ giấc, hễ được điều động là chúng tôi đi ngay. Có khi nửa đêm đang chập chờn giấc ngủ, có chuông điện thoại gọi đến là chúng tôi lại lên đường và trở về nhà khi ngày mới đã bắt đầu. 

Có một đồng nghiệp của tôi, khi tranh thủ ngoài giờ nghỉ chạy về đứng từ xa để thăm gia đình thì gặp tai nạn tử vong, khiến chúng tôi rất đau lòng. Tôi chỉ mong dịch bệnh chóng qua, để cuộc sống trở lại bình thường như trước và những đồng nghiệp của tôi bớt vất vả" – ông Long tâm sự.

Nhiều hành trình rạng sáng mới trở về

Ngoài những tài xế công tác lâu năm ở các bệnh viện, trung tâm y tế thì trong đại dịch có nhiều tài xế của các công ty tư nhân cũng đã xông pha vào tuyến đầu. Những người này cũng ngày ngày gánh trên mình trách nhiệm đưa đón các F1, F0 về nơi an toàn.

Anh Đào Xuân Đức là một trong những trường hợp như vậy. Anh là tài xế của Công ty Hùng Nga. Trước đây anh có tham gia công tác chống dịch tại tỉnh Bình Phước nhưng từ một tháng nay, anh được Công ty điều động hỗ trợ tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Những chuyến xe "xé màn đêm" đưa F0 đến khu điều trị - Ảnh 5.

Tài xế Cường vừa hoàn thành đưa F0 đến khu điều trị. Ảnh: Nha Mẫn chụp 21/8

Đội xe của anh đa số đều chở F0 từ cộng đồng đến các bệnh viện dã chiến và các ca nặng từ bệnh viện dã chiến đến các khu hồi sức tích cực.

"Có hôm bệnh nhân ngất xỉu trên xe, tôi phải hỗ trợ điều dưỡng hồi sức sơ cấp cứu, cho bệnh nhân thở ô xy, rồi cố gắng chạy nhanh nhất để kịp thời đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất. Nhiều hôm chở F0 đến 4h sáng ngày hôm sau mới được về phòng trọ tắm rửa và thường xuyên phải ăn mì thay cơm vì giờ đó cũng không có ai bán gì để mua" – anh Đức nói.

Cũng giống như anh Đức, anh Chu Văn Định (38 tuổi) là tài xế của Công ty Trường Thịnh (Đồng Nai) đã tham gia hỗ trợ Trung tâm y tế TP.Biên Hòa chở các ca bệnh F0.

Những chuyến xe "xé màn đêm" đưa F0 đến khu điều trị - Ảnh 6.

Giây phút nghỉ ngơi ngồi xem lại giấy tờ và những chuyến xe trong ngày của các tài xế. Ảnh: Nha Mẫn chụp 22/8

Đã hơn một tháng nay, cứ đều đặn vào lúc 7h30, anh đến điểm tập kết rồi đi chở F0 vào bệnh viện điều trị. Ngoài ra anh còn chở cả F1 và đưa người hết cách ly về nơi cư trú. Lúc rảnh anh lại chở nhân viên y tế đi lấy mẫu cộng đồng.

"Từ khi tham gia đến nay, tôi đã chở vài trăm ca F0, hôm nào cũng 1 đến 2h sáng mới về đến nhà" – anh Định cho biết.

Trong cuộc chiến phòng chống dịch, những tài xế luôn xung kích, năng nổ, nhiệt huyết, mặc dù công việc của họ đối diện nguy cơ nhiễm bệnh, đi sớm về khuya, xa gia đình nhưng khi được điều động là họ sẵn sàng lên đường, bất kể giờ giấc nào. Hi vọng rằng trên những chặng đường ấy, những "chiến sĩ" lái xe sẽ luôn bình an, an toàn trong đại dịch để có thể miệt mài góp sức cho công cuộc đẩy lùi dịch bệnh.

Liên quan đến công tác vận chuyển F1, F0, bác sĩ Đậu Ngọc Trung, Trưởng khoa phòng chống bệnh tật/HIV/AIDS, Trung tâm y tế TP. Biên Hoà cho biết, trước sự gia tăng của các ca F0, F1 để kịp thời bóc tách ra khỏi cộng đồng, thành phố đã huy động trưng tập 18 xe vận chuyển của các doanh nghiệp thuộc quản lý của bến xe Biên Hoà, trong đó có 5 xe cấp cứu. Các tài xế tham gia hỗ trợ đã được tập huấn rất kĩ và nhiều người đang phải làm việc với cường độ cao từ 7h sáng hôm nay cho đến 4h sáng hôm sau. Dù vậy các anh vẫn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ và chỉ tranh thủ chợp mắt ngay trên xe trong lúc chờ nhận lệnh.

"Chúng tôi luôn ghi nhận sự đóng góp và tấm lòng của những tài xế đang ngày đêm miệt mài chở những F1, F0" ông Trung bày tỏ sự biết ơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem