Dù chỉ được đào tạo 6 tháng tại bệnh viện Từ Dũ nhưng họ đã trở thành những “bà mụ” được đồng bào tin yêu.
Hôm đến thôn Tam Liên, xã Ea Tam, huyện Krông Năng (Đăk Lăk), chúng tôi gặp chị Hà Thị Nhựng đang đi đến khám thai cho chị Hoàng Thị Chi (24 tuổi). “Vừa biết tin mình mang thai, chị Nhựng đã đến tư vấn, bày cho mình biết phải ăn gì, uống gì, kiêng gì, biết đi khám thai định kỳ, biết không nên làm việc nặng trong thời kỳ mang thai để tốt cho sức khỏe. Ngoài ra hàng tháng chị vẫn đến để thăm khám, đo huyết áp nên mình rất yên tâm”- Chi cho biết. “Mới đầu, công việc gặp không ít khó khăn bởi bà con vẫn quen với việc sinh tại nhà. Tâm lý bà con là trời sinh voi sinh cỏ nên rất chủ quan ”- chị Nhựng tâm sự. Thế nên, để “chinh phục” được chị em, bất kể lúc sinh hoạt buôn, khi lên rẫy, ở nhà hay ra chợ, chị Nhựng đều tìm cách tiếp cận với mọi người để “dốc bầu tâm sự”.
Cô đỡ thôn bản đến thăm khám cho chị em trong địa bàn phụ trách.
Cũng như chị Nhựng, ở thôn Tam Điền, chị La Thị Luyến đang chăm sóc cho 138 chị em đang trong độ tuổi sinh đẻ của thôn. Không chỉ những “bà mụ” nói trên mà ở Đăk Lăk hiện có trên 100 cô đỡ thôn bản đang theo dõi sát sao để trợ giúp cho những bà mẹ trẻ. Mỗi tháng dù chỉ nhận được 50.000 đồng tiền trợ cấp nhưng họ vẫn vui vẻ làm nhiệm vụ.
“Những cô đỡ thôn bản là người DTTS, am hiểu tập quán nên dễ thuyết phục được người dân làm theo. Nhờ thế mà việc sinh nở của chị em được an toàn hơn”- bà Phạm Thị Thu Hương - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Đăk Lăk khẳng định.
Duy Hậu (Duy Hậu)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.