Những “con sói” đơn độc sẽ tấn công đẫm máu

Đăng Thúy (thực hiện) Thứ tư, ngày 14/01/2015 06:33 AM (GMT+7)
“Năm 2015 Mỹ và liên quân sẽ gia tăng không kích vào lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Khi tần số không kích càng mạnh, thì IS càng phái ngoại binh hồi hương để tiến hành các cuộc tấn công liều chết trả thù”.
Bình luận 0

Thiếu tướng Lê Văn Cương (ảnh) - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) nhận định như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên NTNN ngày 13.1.

Khủng bố thế hệ mới

Thưa ông, qua vụ việc khủng bố vừa xảy ra ở Pháp, phải chăng ngoài chiến lược chống khủng bố toàn cầu, thì chiến lược riêng của từng quốc gia cũng đang gặp phải thách thức lớn?

img
Những ngày qua Al-Qaeda đang tiếp tục đưa ra những lời đe dọa tấn công vào nước Pháp.     CNN

- Thực tế, ngoài chiến lược chống khủng bố toàn cầu, rất nhiều nước đã có chiến lược chống khủng bố riêng, nhưng họ không công khai, hoặc có công khai thì rất chung chung. Tuy nhiên ngay cả những nước có chiến lược rồi nhưng vẫn bị khủng bố, như Pháp, Mỹ chẳng hạn. Điều này cho thấy, nhiều quốc gia có chiến lược khủng bố rồi, nhưng không có nghĩa khủng bố không mò đến các quốc gia này nữa.

 

Các chiến lược chống khủng bố là cần thiết, nhưng hầu hết các quốc gia chỉ tập trung vào hệ thống phòng ngừa và đối phó với khủng bố từ bên ngoài vào ở quốc gia của mình thôi. Như ở Pháp, hệ thống cảnh báo, phòng ngừa ở sân bay, bến cảng rất chặt chẽ, hướng đích của họ là chống xâm nhập từ bên ngoài vào. Trong khi đó, ngay trong lòng các nước, có những nhân tố khủng bố lại không giám sát chặt chẽ.

Vậy sau vụ việc xảy ra ở Pháp, các nước sẽ phải thay đổi chiến lược?

- Theo tôi, sau các vụ thảm sát ở Pháp, các nước sẽ buộc phải điều chỉnh chiến lược chống khủng bố phù hợp với tình hình thực tế. Khủng bố năm 2015 không còn giống với các cuộc khủng bố năm 2001. Trước đây phần lớn các cuộc khủng bố là do al-Qaeda thực hiện dưới sự điều hành của tên trùm Bin Laden. Hoạt động khủng bố lúc ấy là có một trung tâm chỉ huy, tiến hành khủng bố ở đâu là do Bin Laden chỉ đạo. Chính điều kiện ấy lại dễ phòng ngừa và đối phó hơn. Sau khi Bin Laden bị tiêu diệt vào tháng 5.2011, al-Qaeda gần như rắn mất đầu, người thay thế Bin Laden không đủ tầm ảnh hưởng dể mọi người có thể suy tôn y là thủ lĩnh hàng đầu. Nên khả năng bao quát của thủ lĩnh al-Qaeda hiện nay khác rất nhiều với thủ lĩnh Bin Laden năm xưa.

Chính từ năm 2011 đến nay, riêng tổ chức al-Qaeda đã thay đổi phương thức và chiến thuật tấn công. Bọn chúng đã không cần một chỉ huy tập trung, thống nhất nữa mà giao nhiệm vụ các nhóm, các tổ chức khủng bố đi khắp thế giới, mục tiêu của họ là đánh thẳng vào lợi ích của Mỹ và phương Tây. Bởi vì tư tưởng thánh chiến ở đây đều quan niệm Mỹ và phương Tây gieo rắc thảm họa cho người Hồi giáo, người Ả rập, nên cứ thấy lợi ích của Mỹ, của phương Tây ở nơi nào sơ hở là chúng tấn công.

Có thể nói, sau cái chết của Bin Laden, al-Qaeda gần như phân tán khắp nơi trên toàn cầu này, và mọi hành động khủng bố không cần chỉ đạo tập trung.

Theo ông, lần này vì sao al- Qaeda lại tấn công vào Pháp?

- Có rất nhiều lý do, nhưng theo tôi, lý do lớn nhất đó là do chính sách nhập cư dễ dãi ở châu Âu, đặc biệt là Pháp.

Pháp hiện nay là nước dung nạp người nhập cư Hồi giáo và Ả Rập nhiều nhất ở châu Âu. Trong số 28 triệu người Ả Rập, Hồi giáo thì ở Pháp đã chiếm đến 5- 6 triệu người, nhiều nhất châu Âu. Đấy là môi trường để al-Qaeda, IS cài cắm người vào đây. 5- 6 triệu người Hồi giáo, mặc dù là công dân Pháp, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của Pháp, nhưng sâu xa trong tâm hồn họ vẫn là người Ả rập, là người Hồi giáo. Khi có lực lượng thánh chiến mời chào, tác động, họ vẫn sẵn sàng tham gia.

Bức tranh xã hội ở Pháp phát triển cao, nhưng vấn đề phân biệt chủng tộc chưa giải quyết được. Pháp là một quốc gia muốn bảo vệ giá trị cộng hòa, nên đã không đồng ý đa dạng văn hóa. Pháp đã có quyết định cấm người Hồi giáo ở Pháp che mặt ra ngoài đường phố. Chính quy định này đã tạo ra sự phản đối mạnh mẽ trong cộng đồng hồi giáo, chính điều này đã tạo khe hở để al-Qaeda cài cắm người vào để lôi kéo người gia nhập tổ chức khủng bố, tiến hành các cuộc tấn công.

IS - al-Qaeda: Cái bắt tay đẫm máu

Nhìn riêng từ vụ thảm sát ở tòa báo Charlie Hebdo, có hay không việc đánh tráo khái niệm Hồi giáo và hồi giáo cực đoan, để rồi bọn khủng bố lợi dụng lấy cái cớ để tấn công?

Quan điểm
img
Thiếu tướng Lê Văn Cương
  Có thể nói năm 2015 sẽ là năm đen tối của Mỹ và phương Tây trong cuộc chiến chống khủng bố. Đó là những cuộc tấn công đẫm máu của những con sói đơn lẻ nhưng vô cùng tàn bạo”. 
- Khái niệm hồi giáo và hồi giáo cực đoan phải rạch ròi. Hồi giáo không phải là khủng bố và khủng bố chưa hẳn là do hồi giáo. Tòa báo Charlie Hebdo đã từng bị tấn công năm 2011 vì vẽ tranh châm biếm nhà tiên tri Mohammed. Muốn chiến thắng khủng bố, phải đi sâu vào trong tâm thức của người Hồi giáo, đánh vào gốc rễ của những tư tưởng hồi giáo cực đoan thì cuộc chiến mới thành công.

 

Theo tôi quan sát, năm 2015 Mỹ và liên quân của Mỹ sẽ gia tăng không kích vào IS. Đến giờ phút này, chính quyền Obama đã tiến không được, lùi không được, chỉ có cách là không kích. Nếu đòn không kích càng mạnh, thì sự hận thù càng lớn.

Chỉ riêng Mỹ có khoảng 200 công dân đang ở trong đội ngũ của IS. Có khoảng 3.500 chiến binh IS là người của 28 nước châu Âu, hoặc mang hộ chiếu châu Âu. Khi tần số không kích của liên quân càng mạnh, thì IS càng phái lực lượng này hồi hương để tiến hành các cuộc tấn công liều chết để trả thù.

Từ các vụ thảm sát ở Pháp vừa qua, liệu có phải, khủng bố trong năm 2015 nguy hiểm hơn nhiều chính bởi có sự liên kết của hai cỗ máy giết người là IS và al-Qaeda không, thưa ông?

- Hoàn toàn đúng. Ở đây có một sự liên kết. Chúng ta phải hiểu sự liên kết này một cách linh hoạt; không có sự ký kết văn bản nào, nhưng mẫu số chung tư tưởng của các tổ chức khủng bố al-Qaeda, IS, Taliban đó là lòng thù hận với Mỹ và phương Tây, xem Mỹ và phương Tây là nguồn gốc kẻ thù của người đạo hồi.

Thực chất, IS trước đây là một phần của al-Qaeda, nhưng nay đã tách riêng. Tính tàn bạo của IS lớn gấp nhiều lần so với al-Qaeda. Al-Qaeda không có chủ trương thành lập nhà nước, mà chỉ chủ trương đánh bom để trả thù. Còn IS có chủ trương thành lập nhà nước của người Sunni, trước hết là ở Iraq và Syria, về lâu dài, còn có ý đồ thành lập nhà nước của người Sunni trên khắp hành tinh, bao quát cả Trung Đông, Bắc Phi khoảng 600 triệu người.

Các tổ chức này đều có quan hệ với nhau, nên chiến lược khủng bố toàn cầu đứng trước thách thức lớn. Những kẻ này gặp nhau về tư tưởng thì sẵn sàng hỗ trợ nhau. Như vụ ở Pháp, nữ nghi phạm Boumeddiene nếu không có sự trợ giúp của các tổ chức khủng bố khác thì làm sao chạy sang Syria được. Điều này cũng cho thấy, khủng bố không chỉ có ở Pháp mà còn có ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và nhiều nước trên thế giới. Mặc dù các quan hệ này không chặt chẽ, nhưng bọn chúng sẵn sàng liên kết với nhau bất cứ khi nào nếu có chung kẻ thù, chúng sẵn sàng cứu nhau.

Có thể nói năm 2015 sẽ là năm đen tối của Mỹ và phương Tây trong cuộc chiến chống khủng bố. Đó là những cuộc tấn công đẫm máu của những con sói đơn lẻ nhưng vô cùng tàn bạo.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem