Dòng sông khát vọng hòa bình
Sông Bến Hải, dòng sông xuất hiện sớm nhất trên phim Việt, chứng nhân cho sự ngăn cách tình yêu, nỗi khát khao đất nước nối liền một dải. Cũng dễ hiểu, bởi Chung một dòng sông (Đạo diễn Hồng Nghi & Phạm Kỳ Nam) - bộ phim đầu tiên của điện ảnh Cách mạng Việt Nam ra đời năm 1959, khi mà Hiệp định Genève vẫn đang chia cắt đất nước ta thành hai miền Nam – Bắc. Bộ phim chạm ngay vào vấn đề nóng hổi mà người dân cả nước đều quan tâm, dùng tình yêu của Hoài và Vận bị ngăn trở bởi dòng sông để tạo sự đồng cảm, khẳng định tư tưởng: muốn có hạnh phúc lứa đôi thì chỉ có con đường duy nhất là đấu tranh cho hòa bình, thống nhất, non sông một dải. Sông Bến Hải chứng kiến nhà trai hồ hởi sang bờ Nam rước dâu rồi tức tưởi quay về khi bị tên đồn trưởng vốn mê Hoài quậy phá; sự quyết liệt của Hoài khi cô vượt sông để gặp người yêu cũng như quyết tâm quay lại, cùng người thân và dân làng đấu tranh cho hòa bình, thống nhất và cuối cùng, với cánh buồm no gió trên sông, cô gái Quảng buông giọng hò êm ái…, sông Bến Hải gợi sự bình yên, ôm ấp tới ngày hòa bình đẹp đến nao lòng.
Cảnh trong phim Chung một dòng sông
Sau Chung một dòng sông, chủ đề chia cắt đất nước với dòng sông làm bối cảnh tiếp tục là chủ đề của một loạt phim sau đó như Trên vỹ tuyến 17, Vỹ tuyến 17 ngày và đêm. Sông Bến Hải tiếp tục là bối cảnh chính, là “vũ khí” đấu tranh trên mặt trận phim ảnh. Nếu như Chung một dòng sông là câu chuyện lứa đôi chia cắt, gợi ý chí đấu tranh cho thống nhất thì Trên vỹ tuyến 17 (1965), ngoài thể hiện sự chịu đựng, bền bỉ đấu tranh ở ranh giới sông Bến Hải thì còn là câu chuyện về sự đấu trí giữa công an vũ trang của ta với cảnh sát bờ Nam của địch. Biên kịch bộ phim là Hoàng Tích Chỉ và chính ông, cùng đạo diễn Hải Ninh sau này tiếp tục lấy sông Bến Hải làm đề tài cho Vỹ tuyến 17 ngày và đêm (1972) với nhân vật chị Dịu ở bờ Nam kiên trinh bất khuất, bám dân, bám đất hướng tới niềm tin thống nhất.
Chín hệ thống sông len lỏi trong lòng đất Việt, tạo thành hơn 2000 dòng chảy lớn nhỏ bồi đắp phù sa cho dải đất hình chữ S này. Không khó để nhìn thấy những dòng sông cùng câu chuyện của mình hiện diện trong đời sống của người dân cũng như hòa mình trong văn hóa Việt. Và trên màn ảnh, những dòng sông cũng lấp lánh trong dòng chảy điện ảnh
“Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ”
Cảnh thả hoa trên dòng sông Thạch Hãn trong Mùi cỏ cháy
“Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi 20 thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”. Hẳn nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm và đạo diễn Hữu Mười phải đồng cảm lắm với câu thơ của nhà báo Lê Bá Dương mới có thể tạo ra được trường đoạn những chiến sỹ vượt sông Thạch Hãn xót thương và bi hùng đến thế trong Mùi cỏ cháy (2012).
Trong tiếng nhạc như cầu siêu mà đầy hào khí, đạn bom khốc liệt, những xác người tan vào nhuộm đỏ dòng sông. Mới đây nhất, trong Sống cùng lịch sử, trường đoạn những chiến sĩ trên đường lên Điện Biên hy sinh, máu nhuộm dòng sông cũng gây xúc động mạnh cho khán giả xem phim. Máu của những người ngã xuống cho đất nước đã đổ xuống, tan hòa vào dòng sông, như huyết mạch của tổ quốc này, chảy rần rật trong lòng những người còn sống. Không chỉ những màu xanh áo lính, những tà áo dài trắng trinh nguyên, những cô bé đang còn tuổi ăn tuổi chơi, cũng được dòng sông ôm ấp vỗ về khi chọn con đường hy sinh vì tổ quốc. Khó ai có thể quên được hình ảnh của bốn cô gái biệt động thành áo trắng thướt tha, mái tóc xõa ngang lưng bay trong gió, với nụ cười thanh thản trên môi, bị trói vào cọc xử bắn trong Dòng sông hoa trắng (1989).
NSƯT Tố Uyên vai bé Nga trong Con chim vành khuyên
Trong Con chim Vành khuyên (1962), một dòng sông êm đềm, đầy chất thơ với con thuyền nhỏ như cánh lá lướt trên dòng sông êm đềm in bóng trời mây mới đó thôi mà đã phải đón nhận, ôm bé Nga vào lòng khi cô bé chọn cách lao mình, chấp nhận làn đạn của địch để báo cho cán bộ biết có phục kích đừng sang sông.
Chìm nổi phận người
Năm 1987, đạo diễn Đặng Nhật Minh lần đầu tiên bứt ra khỏi đề tài chiến tranh, xây dựng đất nước quen thuộc với Cô gái trên sông. Nhân vật chính là cô gái điếm và câu chuyện đạo đức, tình người và lương tâm. Nguyệt, cô gái điếm trên sông Hương đã cứu Thu – một cán bộ cách mạng đang bị truy lùng. Thu đã cấy vào trong cô niềm tin về một ngày mai tươi sáng khiến cô tin tưởng, chờ đợi. Nhưng sau giải phóng, niềm tin ấy hoàn toàn đổ vỡ, khi người cán bộ ấy trốn tránh cô. Lần đầu tiên, dòng sông Hương hiện lên đầy ẩn dụ về thân phận cô gái với con thuyền phiêu bạt, màn đêm tối tăm mịt mù và cũng đầy thơ mộng với những trường đoạn thay đổi tâm lý của Nguyệt. Dòng sông đã được xử lý nghệ thuật và đầy tính ẩn dụ.
Sau Cô gái trên sông, một loạt phim đã theo bước, chạm đến thân phận con người trong cuộc sống với cách xử lý bối cảnh ẩn dụ hơn ví dụ như Chuyện tình bên dòng sông (1991) của đạo diễn Đức Hoàn khai thác câu chuyện cảm động về cuộc đời và số phận của hai chị em gái từng là nạn nhân của chiến tranh bên dòng sông Trung bộ; Con thuyền bị đánh đắm (1994) kể về người ngư dân chạy theo ảo tưởng tìm kho báu dưới con thuyền đắm thuở nào dưới lòng sông, cuối cùng, chính ông đã “đánh đắm” gia đình mình…
Thậm chí, ngay chính đạo diễn Đặng Nhật Minh, khi trở lại với Thương nhớ đồng quê (1995) cũng dùng bối cảnh dòng sông để chăm chút cho nhân vật cũng như mối quan hệ giữa Nhâm và Quyên. Đó là cảnh Quyên xuống sông tắm, hòa vào dòng sông xưa vừa lạ lẫm, ngỡ ngàng lại thân quen như nỗi khắc khoải của người con xa quê lâu ngày. Đó cũng là cơ hội để Nhâm, cậu bé đang trưởng thành, nhận biết được hương vị đàn bà qua chiếc áo Quyên để trên bờ. Ở thời điểm sau này, bộ phim Hotboy nổi loạn của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cũng nhiều lần dùng hình ảnh sông Sài Gòn với những mảng lục bình trôi với ẩn dụ về thân phận thằng Cười và cô gái điếm, như bèo bọt giữa dòng đời…
Đôi lúc, xem những bộ phim Xích bíchcủa Trung Quốc hay Đại thủy chiến của Hàn Quốc cứ suy nghĩ. Lịch sử nước ta đâu thiếu những câu chuyện hoành tráng như vậy. Điển hình là hai tướng Ngô Quyền và Trần Hưng Đạo đều lẫy lừng với cuộc chiến trên sông Bạch Đằng. Không biết đến bao giờ, trận thủy chiến đó được các nhà làm phim phục dựng trên màn ảnh…
Ít ai biết rằng, bộ phim
Ngày ấy bên sông Lam (1980) chính là nơi dệt nên chuyện tình đẹp của diễn viên - NSƯT Diệu Thuần và họa sĩ - NSND Phạm Quang Vĩnh. Lúc đó, Diệu thuần 23 tuổi, là diễn viên chính của phim còn Phạm Quang Vĩnh, 35 tuổi, là họa sĩ chính. Quen nhau từ trước đó khi chị trở về Bắc sau khi tham gia
Tội lỗi cuối cùng còn anh vào Nam tìm bối cảnh cho
Ngày ấy bên sông Lam, nhưng qua phim này mới thực sự thân thiết.
Thời đó, đi làm phim phải tự túc nấu ăn. Và hai người hợp khẩu vị đã… lập bếp riêng. Tình yêu bắt đầu từ đó. Khi thành vợ thành chồng và có với nhau hai đứa con. Để nhớ về ngày ấy, vợ chồng nghệ sỹ đặt tên con là Phạm Quang Trung và Phạm Diệu Thùy. Quang Trung là tên khách sạn đoàn phim ở. Thùy là vai diễn chính của Diệu Thuần trong phim.
(Theo Gia Sơn/Thế giới điện ảnh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.