Ngoài những hành động gây hấn đối với các tàu chuyên dụng của Tập đoàn Dầu khí VN, hàng loạt tàu cá của ngư dân Trung Quốc lẫn những "tàu lạ" (không biển số, có vũ trang) tràn vào tận vùng lãnh hải của bờ biển miền Trung VN. Tàu lạ tấn công, cướp bóc của cải của ngư dân trắng trợn trên vùng biển quê nhà. Tuy vậy, ngay mùa đánh bắt chính, ngư dân vẫn can trường ra khơi...
|
Những con tàu cá của ngư dân Đà Nẵng vẫn hàng ngày ra khơi, bám biển. |
"Tàu lạ" đã thành quen
Thuyền trưởng tàu cá ở phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, Đà Nẵng - ông Lê Nam tâm sự: "Việc tàu cá của ngư dân Trung Quốc tràn xuống đánh bắt hải sản, xâm phạm sâu vào vùng lãnh hải VN đã xảy ra từ lâu và thường xuyên.Đáng nói là không chỉ có tàu cá thuần tuý mà còn có nhiều "tàu lạ" đi kèm, và họ sẵn sàng tấn công, cướp bóc hải sản, nhiên liệu, ngư lưới cụ, phương tiện hỗ trợ liên lạc, định vị của tàu ngư dân mình.
Nếu bị ức hiếp trên hải phận quốc tế, vùng biển chung ở biển Đông thì chúng tôi không nói, bây giờ, ngay trong thềm lục địa - đặc quyền kinh tế (200 hải lý) mà tàu cá của mình vẫn bị đẩy đuổi khi đang khai thác là không thể chấp nhận được".
Ông Nam cũng cho biết, việc đánh cướp, đẩy đuổi của Trung Quốc đối với tàu cá VN không đơn thuần là tranh chấp ngư trường. Họ có kế hoạch, chủ ý và thực hiện có hệ thống. Bởi sau những lần tàu cá chúng tôi bị bắt, ngư dân mình đều phải ký vào những biên bản hành chính của họ, với nội dung ghi sẵn, áp đặt rằng ngư dân VN đã xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc.
Thông tin từ ngoài vùng "biển nóng", ngư dân miền Trung vẫn đang hoạt động bình thường. Tuy nhiên, họ không còn được tự do ngược xuôi theo luồng cá như trước đây. Ngư dân Đà Nẵng rất ít khi bị tấn công, cướp hải sản, nhưng mới đây, tàu ông Xin ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê bị tàu cá giả dạng của Trung Quốc tấn công, cướp hải sản chỉ cách bờ biển Đà Nẵng chưa đầy 180 hải lý. Rất may chúng chỉ lấy vài tạ cá rồi cho đi.
Nhóm các thuyền trưởng quận Thanh Khê kiến nghị, cần phải công khai việc tố cáo tàu cá và tàu giả dạng của Trung Quốc gây sách nhiễu, tấn công và cướp bóc tàu cá của ngư dân Việt Nam. Họ không phải là "tàu lạ" và hiện tượng này đã thường xuyên ngay trên vùng biển VN.
Đoàn kết để tự vệ
Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.Đà Nẵng, ông Nguyễn Kim Dũng cho biết, Hội đang "cắm" cán bộ xuống tận phường tại quận Sơn Trà và Thanh Khê để tuyên truyền về biển đảo và vận động ngư dân bám biển.
Hiện ngư dân rơi vào hoàn cảnh kinh tế khó khăn vì vật giá, nhiên liệu liên tục tăng. Nay thêm lệnh cấm biển và mối đe doạ "tàu lạ", nguy cơ nhiều tàu cá sẵn sàng nằm bờ. Cũng ông Dũng cho biết, việc ban bố lệnh cấm đánh bắt hải sản trên biển Đông của Trung Quốc diễn ra nhiều năm nay rồi, tuy nhiên, riêng năm 2011, tình hình có phần phức tạp hơn khi nhiều "tàu lạ" lẫn tàu cá của ngư dân Trung Quốc tràn xuống vùng biển của VN.
Chúng tôi tay không tấc sắt, dám đâu nói không với họ trên biển, nên phải ngậm đắng nuốt cay mà ký vào biên bản của tàu lạ. Nếu có tàu kiểm ngư, cảnh sát biển của mình tại hiện trường thì ngư dân sẽ được giải cứu mà không phải thực hiện việc làm sai trái- phủ nhận chủ quyền biển của mình bằng việc ký vào biên bản khống của Trung Quốc.
Ngư dân Lê Nam (Đà Nẵng)Trước tình hình như vậy, Hội Nông dân TP.Đà Nẵng đã tăng cường công tác tuyên truyền, chỉ đạo các cấp hội thường xuyên liên lạc với ngư dân để nắm bắt tình hình, đề nghị ngư dân hỗ trợ xử lý tình huống khi phát hiện "tàu lạ" có dấu hiệu bất thường...
Đặc biệt, vận động ngư dân ra khơi theo tổ đội, liên kết trong khai thác và giúp đỡ nhau khi gặp hoạn nạn ngoài khơi; Tổ chức cứu hộ, cứu nạn với nhau bởi sau khi bị đánh cướp, "tàu lạ" thường lấy sạch từ hải sản, ngư lưới cụ đến nhiên liệu của ngư dân.
Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Đà Nẵng, ông Huỳnh Vạn Thắng cũng cho biết, sự kết nối thường xuyên của các cơ quan chức năng, đặc biệt là thông tin liên lạc với bộ đội biên phòng từ đất liền, là nguồn động viên mạnh mẽ nhất đối với ngư dân đang ngoài khơi làm ăn.
“Tuy vậy, tôi nghĩ Nhà nước cần có thêm nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực hơn nữa nhằm tiếp sức cho ngư dân duy trì sự có mặt trên biển đảo để khai thác hiệu quả và tham gia bảo vệ chủ quyền biển của mình” - ông Thắng bày tỏ.
Đón đọc bài 2: Tổ quốc trên mỗi con tàu
Quỳnh Châu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.