Những cuộc hành quyết ghê rợn ở Mexico

Thứ tư, ngày 09/05/2012 17:31 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ít nhất 23 người bị giết chết trong tình trạng khủng khiếp tại thành phố Nuevo Laredo, Mexico, giáp ranh Mỹ, vào ngày 4.5.2012
Bình luận 0

Hình ảnh cho thấy 9 thi thể đầy máu - một số bị trói, bịt miệng - treo cổ trên cây cầu bắc ngang con đường chính từ Nuevo Laredo đến Monterrey.

Ít giờ sau, 14 thi thể mất đầu được tìm thấy trong một xe hơi. Thủ cấp của họ sau đó được tìm thấy trong các hộp đựng ma túy quăng phía ngoài văn phòng thị trưởng.

Một thông điệp để lại trên các thi thể bị treo nói chúng là thành viên cartel ma túy Gulf đã bị băng đối thủ Zetas thanh toán.

Tiếp đó lại có tin ít nhất 4 phóng viên muốn viết chuyện về tội phạm hình sự bị giết chết trong vòng không đầy 1 tuần tại bang Veracruz. Thi thể của 3 phóng viên ảnh được phát hiện bị chặt tay chân, bỏ trong bao plastic, quăng xuống con kênh vào thứ năm tuần trước, không đầy 1 tuần sau khi một nữ phóng viên bị đánh và bóp cổ đến chết tại Xalapa, thủ phủ bang.

Những cartel ma túy đã từ lâu lâm vào cuộc chiến đẫm máu giành quyền kiểm soát đường đưa ma túy vào Mỹ.

Nhân đây, thử tìm hiểu bạo lực liên quan đến ma túy ở Mexico.

+ Mức độ bạo lực ra sao?

Tổng thống Mexico Felipe Calderon đã thẳng tay với các cartel ma túy từ tháng 12.2006.

Ngày 11.1.2012, chính phủ Mexico chính thức đưa ra một phần số liệu thống kê, cho thấy 12.903 người đã bị giết do bạo lực bị đổ lỗi cho tội phạm có tổ chức, từ tháng 1 đến tháng 9.2011.

Như vậy, 47.515 người đã chết trong 5 năm từ khi ông Calderon giữ chức tổng thống.

Các nạn nhân bao gồm nghi can thành viên băng ma túy, lực lượng an ninh và cả những người được coi là thường dân vô tội.

+ Những khu vực nào có nhiều người chết nhất?

Bạo lực thoạt đầu tập trung tại những vùng biên giới mạn bắc Mexico, nhất là Chihuahua, cũng như các bang dọc Thái Bình Dương như Sinaloa, Michoacan và Guerrero. Ciudad Juarez (nằm ngang El Paso ở Texas) là thành phố nhiều người chết nhất. Năm 2010, khoảng 3.100 người bị giết tại thành phố hơn 1 triệu cư dân này.

Nhưng từ 2010, bạo lực lan đến các vùng khác, kể cả các bang Nuevo Leon và Tamaulipas. Một trong những điểm bạo lực tập trung là Monterrey, thành phố lớn thứ ba của Mexico.

img
Bọn tội phạm ma túy bị dẫn độ từ Mexico qua Mỹ

Năm 2011 cũng chứng kiến bạo lực xảy ra tại những điểm mới, như Veracruz trên bờ biển phía đông với một loạt vụ giết người tập thể.

Tuy nhiên, Mexico là một nước rộng lớn, và vẫn còn nhiều miền tương đối bình yên.

Tỷ lệ bạo lực chung ở Mexico vẫn còn thấp hơn so với một số nước khác trong vùng như El Salvador và Honduras: 11,6 vụ giết người trên 100.000 cư dân, so với lần lượt là 51,8 và 60,9.

+ Việc phát hiện các nấm mồ tập thể có phải do bạo lực gia tăng?

Các nấm mồ tập thể đang gia tăng - một số chứa đến hàng chục thi thể. Thi thể bị chặt đầu và treo ở các cây cầu cũng khiến mức độ khủng khiếp thêm ghê rợn.

Một số quan sát viên cho rằng các cartel đã trở nên mạnh đến nỗi, thực tế chúng kiểm soát một số phần của đất nước và bạo lực, đặc biệt nấm mồ tập thể, là bằng chứng "luật" của chúng.

+ Có phải ma túy ở Mexico liên quan đến cả hoa hậu?

Laura Zuniga, từng đoạt giải hoa hậu bang Sinaloa hồi tháng 7.2008 và danh hiệu "Hoa hậu Hispanic châu Mỹ 2008" (Hispanic là người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha), dự định thi Hoa hậu Quốc tế 2009.

Nhưng ngày 22.12.2008, Zuniga bị bắt ở Zapopan, Jalisco, cùng với 7 nam giới. Họ mang theo 53.000USD, 2 khẩu súng AR-15, 3 súng ngắn, 633 viên đạn cỡ nòng khác nhau và 16 điện thoại di động.

Cô khai chỉ đi theo bạn trai, không hay biết gì về buôn lậu ma túy cũng như súng đạn mang theo.

Cô bị tước mọi danh hiệu, nhốt tù 40 ngày nhưng sau đó được tha vào 30.1.2009 sau khi thẩm phán không tìm ra chứng cứ nào cho thấy cô liên quan với các hoạt động ma túy.

Năm 2010, Zuniga lặng lẽ trở về quê hương và quay lại với nghề người mẫu.

+ Chính phủ đang thua trong cuộc chiến ma túy?

Chính phủ Mexico lập luận bạo lực chứng tỏ chiến lược tấn công của họ buộc các băng nhóm tan rã và đánh lẫn nhau, thường tăng mức độ tàn bạo và khủng khiếp. Các quan chức còn trưng ra số lượng kỷ lục ma túy đã bị bắt giữ, và nhiều tên cầm đầu cartel bị nhốt vô tù hoặc bị giết trong các chiến dịch.

Họ cũng ghi nhận tỷ lệ các vụ giết người từ 2010 qua 2011 tăng 11% - thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tăng của những năm trước là 70%.

+ Đã có lo ngại về liên quan của quân đội đến cuộc chiến ma túy?

img
Cảnh sát Mexico bắt một số thành viên cartel ma túy tại Ciudad Juarez vào ngày 14.3.2009

Khoảng 50.000 binh sĩ và cảnh sát liên bang đã dính vào cuộc chiến chống lại các cartel.

Những nhà hoạt động nhân quyền bày tỏ lo ngại quân đội không được chuẩn bị tốt cho nhiệm vụ cảnh sát, vì họ chỉ được huấn luyện về quân sự và binh sĩ chỉ ra trước tòa án quân sự.

Tháng 7.2011, Tòa án Tối cao phán quyết binh sĩ có thể bị xử trước tòa dân sự.

+ Tham nhũng trong cảnh sát nghiêm trọng ra sao?

Rất nghiêm trọng.

Một lý do khiến chính phủ triển khai quân đội nhiều đến vậy do cảm thấy không thể tin tưởng ở cảnh sát.

Những cartel ma túy với nguồn lợi khổng lồ tha hồ tiêu xài đã luôn cố len lỏi vào đội ngũ cảnh sát lương vốn ít, từ cấp cơ sở đến cấp cao nhất. Đã có nhiều nỗ lực cấu trúc lại toàn bộ lực lượng cảnh sát Mexico, nhưng tiến trình chắc chắn sẽ phải mất nhiều năm.

+ Người dân có ủng hộ chính sách của chính phủ?

Thăm dò ý kiến cho thấy tỷ lệ công chúng ủng hộ đang thấp dần khi bạo lực vẫn tiếp tục không hề giảm và kêu gọi nghĩ lại đang tăng.

Ông Calderon, trong khi nhấn mạnh chống lại hợp pháp hóa ma túy, nói nên mở ra tranh luận về vấn đề này.

Mexico đang tổ chức bầu tổng thống trong tháng 7.2012 và bạo lực là một trong những đề tài chính đối với các cử tri.

+ Những cartel nào mạnh nhất ở Mexico?

Các cartel kiểm soát buôn lậu ma túy từ Nam Mỹ vào nước Mỹ kiếm được khoảng 13 tỷ USD mỗi năm.

Thế lực của chúng tăng lên khi Mỹ đẩy mạnh chiến dịch chống ma túy trong vùng Caribbean và Florida. Ước tính có đến 90% cocaine vào Mỹ qua ngả Mexico.

Liên minh thay đổi giữa các băng ma túy khi chúng tranh quyền kiểm soát những con đường buôn lậu chính. Theo các chuyên gia, nay chỉ còn 2 cartel mạnh nhất: Sinaloa (cũng còn gọi Thái Bình Dương) và Los Zetas (Zetas).

Công ty an ninh Mỹ Stratfor, trong một báo cáo hồi tháng 1.2012, nói Zetas hiện là cartel lớn nhất nếu xét về địa bàn hoạt động.

+ Bạo lực có lan vào tận nước Mỹ?

Hầu hết bạo lực chỉ xảy ra bên kia biên giới, trên đất Mexico, theo một báo cáo của Trung tâm Tình báo ma túy quốc gia Mỹ hồi tháng 8.2011.

Báo cáo viết các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia đặt căn cứ ở Mexico sẽ tiếp tục thống trị toàn bộ việc buôn lậu ma túy vào Mỹ trong tương lai có thể sẽ củng cố hơn nữa vị trí của chúng qua hợp tác với các băng nhóm của Mỹ.

+ Mỹ đã làm gì để đáp trả buôn lậu ma túy và bạo lực?

img
Laura Zuniga, hoa hậu Sinaloa, từng bị bắt do liên quan đến ma túy

Tháng 3.2009, chính phủ Mỹ công bố sẽ tăng cường nỗ lực chặt đứt dòng chảy kiếm lời từ việc đưa ma túy và vũ khí qua lại giữa 2 nước - một yêu cầu chính của chính phủ Mexico do phần lớn vũ khí mà các băng ma túy ở Mexico sử dụng là từ Mỹ tuồn sang.

Tuy nhiên, tháng 11.2010, một báo cáo của Bộ Tư pháp Mỹ nói nỗ lực giải quyết buôn lậu súng của Mỹ đã thiếu tập trung, với việc chia sẻ tin tình báo không đầy đủ giữa các cơ quan Mỹ và đối tác Mexico.

Và một tường trình của Thượng viện hồi tháng 6.2011 cho rằng khoảng 70% vũ khí thu hồi tại các hiện trường tội ác ở Mexico trong 2009-2010 có dấu hiệu xuất xứ từ Mỹ.

Mỹ, Mexico, các nước Trung Mỹ, Haiti và Cộng hòa Dominican đã thành lập Sáng kiến Merida - một kế hoạch 1,5 tỷ USD nhằm giúp cung cấp trang thiết bị và huấn luyện để hỗ trợ các chiến dịch thực thi pháp luật chống ma túy.

Theo Thế giới & Hội nhập
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem