Những cuộc thư hùng giữa 2 trường phái đối lập ở V.League

Chính Minh Thứ ba, ngày 30/12/2014 15:45 PM (GMT+7)
Ngoài cuộc đua đến ngôi vô địch, V.League 2015 còn đặc biệt đáng chú ý ở những trận thư hùng - nơi các đội bóng sẽ ra sân thi đấu với hơn 100% sức lực để bảo vệ danh dự, truyền thống trước “kỳ phùng địch thủ”…
Bình luận 0

Thi đấu vì cổ động viên

Tâm sự với NTNN, cựu tiền đạo Nguyễn Tuấn Thành (Công an Hà Nội-CAHN) từng nói: “Thời chúng tôi, nếu thua đội bóng này hay đội bóng khác thì đơn thuần là chuyện… bóng đá. Nhưng cứ thi đấu với Thể Công thì không thể thua được, tất cả phải chơi hết mình và coi đó như trận đấu của cả mùa giải. Chúng tôi hiểu sự kỳ vọng của các cổ động viên (CĐV) và phải làm hài lòng họ”.

img

Công Phượng (giữa) sẽ tỏa sáng ở V.League 2015 trong màu áo HAGL? Ảnh: Minh Hoàng

Đến giờ chưa ai quên bầu không khí hừng hực “lửa” từ trên khán đài xuống sân cỏ Hàng Đẫy mỗi khi CAHN so tài với Thể Công những năm 90 thế kỷ trước. Ngoài 2 điểm sáng thường đua nhau khoe nét tài hoa ở khu vực giữa sân là Hồng Sơn – Minh Hiếu, trận đấu còn đặc biệt hay với pha xử lý mang theo đầy chất “quái” của những trung vệ như Đỗ Mạnh Dũng (Thể Công) – Mai Tiến Dũng (CAHN). Những pha lên biên phản công sắc như một “mũi tên” của Lưu Thanh Châu, rồi khả năng chớp thời cơ ghi bàn của Tuấn Thành (CAHN) hay sự cần cù, chịu khó của Hải Biên, Công Tuyền bên phía Thể Công. Tất cả đều rất giàu bản sắc khiến người hâm mộ cảm thấy thực sự được tận hưởng vẻ đẹp của môn thể thao vua.

 

“Thế hệ chúng tôi không có tiền tỷ, nhưng thời đó khổ chung, ai ra sân cũng chỉ nghĩ tới danh dự. Cái chúng tôi nhận được là tình cảm chân thành từ phía người hâm mộ. Mà cái đó thì bao nhiêu tiền chưa chắc đã mua được” - cựu danh thủ Nguyễn Hồng Sơn bộc bạch.

U19 “thách thức” tất cả

Thời gian trôi qua, những trận cầu “đinh” như Thể Công – CAHN, Thể Công– SLNA, CAHN- Công an TP.HCM… giờ chỉ còn là những kỷ niệm đẹp. 14 mùa giải chuyên nghiệp đã qua, thi thoảng lắm mới thấy lại “bóng dáng” ngày nào qua các cuộc đọ sức giữa bộ ba HAGL-ĐT.LA-Bình Dương những năm 2003-2008.

Tiếp đến là cuộc đấu giữa “anh em” Hà Nội T&T-SHB.Đà Nẵng với SLNA và những “đại gia” như Bình Dương, XMXT.Sài Gòn giai đoạn 2009-2014. Trong khoảng thời gian này, HAGL của bầu Đức gần như chỉ cố gắng hoàn thành mục tiêu đứng ở nửa trên bản tổng sắp. Nhưng trước những trận đấu với đối thủ tầm cỡ, bầu Đức luôn sẵn sàng “dốc hầu bao” thưởng cho đội nhà nếu chơi đẹp, giành kết quả tốt làm hài lòng CĐV.

Phải tới V.League 2015, lứa U19 được bầu Đức dồn bao tâm huyết đầu tư suốt hơn 7 năm qua mới “ra lò” và được kỳ vọng sẽ giúp ông nở mặt nở mày: “Các cầu thủ của tôi có thể thắng các câu lạc bộ chuyên nghiệp Thái Lan trong chuyến tập huấn vừa qua, vậy thì hoàn toàn có thể chơi tốt ở V.League. Biết đâu, họ có thể vô địch ngay năm nay đó” - bầu Đức phát biểu “vui” trước thềm mùa giải mới như một cách khích lệ tinh thần những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…

Phía trước, những cặp đấu nhiều duyên nợ với sự xuất hiện của “tứ hùng” Bình Dương, Hà Nội T&T, SHB.Đà Nẵng, SLNA cộng với “làn gió mới” HAGL, được VFF kỳ vọng sẽ thu hút sự quan tâm đặc biệt của người hâm mộ, lấp đầy khoảng trống trên khán đài các sân cỏ cả nước.

Những trận đấu được kỳ vọng nhất có lẽ chính là cuộc đối đầu giữa HAGL-Bình Dương. Đây không đơn thuần là trận đấu của “cựu vương” với “tân vương” V.League mà còn là sự lên tiếng của hai cách làm bóng đá đối lập nhau. Một bên chăm chút đầu tư làm bóng đá trẻ và đến lúc hái “quả ngọt”, còn bên kia vẫn trung thành với “sức mạnh đồng tiền”.

Câu chuyện thành - bại giữa lứa U19 HAGL đầy khát khao, được đào tạo bài bản với những ngôi sao tiền tỷ của Bình Dương sẽ cho thấy hướng đi đúng đắn trên hành trình tiến lên chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem