Cách đây ít ngày, trong phiên họp thường niên của LĐBĐ Đông Nam Á (AFF), các quan chức đứng đầu và những nhà điều hành bóng đá ở các nước thành viên đã đồng ý thông qua nghị quyết tổ chức giải Asian Super League (ASL) kể từ năm 2016. Mô hình giải đấu giống một giải VĐQG mà ở đó, các đội sẽ thi đấu vòng tròn, có lượt đi – lượt về để chọn ra nhà vô địch.
B.Bình Dương đủ tiềm lực và lực lượng để dự Asian Super League. Ảnh: IT.
Thay vì chọn nhà vô địch và Á quân của 8 nền bóng đá mạnh nhất khu vực là Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Myanmar, Philippines, Australia và Việt Nam, AFF yêu cầu mỗi quốc gia cử 2 đại diện góp mặt. Sở dĩ AFF không “chấm” lấy 2 đội bóng mạnh nhất của từng quốc gia trong khu vực là lo ngại không đáp ứng đủ quy định về tài chính, lực lượng.
Theo quy định, một đội bóng khi tham dự Asian Super League cần phải đóng quỹ 5 triệu USD (hơn 100 tỷ đồng). Đối với các đội bóng của Australia, Thái Lan, Malaysia, Singapore hay Indonesia, đây không phải số tiền lớn. Nhưng với 3 nền bóng đá còn lại gồm Việt Nam, Myanmar và Philippines, thì nó lại là cả một vấn đề. Kinh phí hoạt động cả mùa ở những đội bóng chuyên nghiệp thuộc 3 quốc gia này chỉ trung bình vào khoảng 60-70 tỷ đồng, vậy nên con số 100 tỷ đồng ký quỹ quả là quá tầm với họ.
Chưa kể, khi tham gia Asian Super League, mỗi đội sẽ cần phải tăng cường thêm rất nhiều quân số. Vì ngoài giải đấu này, họ còn phải tham dự giải VĐQG của mình, rồi Cúp QG và có thể là cả AFC Champions League hoặc AFC Cup. Nên nhớ rằng, một khi tham dự đầy đủ các giải đấu kể trên, một CLB có thể phải đá tới 60-70 trận trong 1 năm – một mật độ khủng khiếp.
Hà Nội T&T là 1 trong 2 thế lực hàng đầu bóng đá Việt Nam hiện nay. Ảnh: IT.
Nhìn vào những thông tin và phân tích kể trên, để một CLB của Việt Nam tham dự Asian Super League và thành công, quả là điều rất khó. Thế nhưng, khó chứ không phải là không thể. Nhìn vào tình hình bóng đá Việt Nam hiện nay, có ít nhất 3 CLB có thể đảm bảo tài chính và nhân lực để dự giải đấu mang đầy tính thương mại mà những nhà làm bóng đá ở AFF hướng tới. 3 CLB ấy bao gồm B.Bình Dương, Hà Nội T&T và HAGL.
B.Bình Dương thì chắc chắn rồi. Đội bóng đất Thủ có tiềm lực tài chính hùng hậu nhất Việt Nam, đủ tiêu chuẩn dự AFC Champions League, có đội hình 1 và đội hình 2 chất lượng ngang nhau, đồng thời những người làm bóng đá nơi đây cũng rất muốn khuếch trương thanh thế ra bên ngoài đất nước hình chữ S, đặc biệt khi “chống lưng” cho họ là Tập đoàn Becamex. Theo khảo sát, B.Bình Dương cũng chính là ứng viên số 1 của Việt Nam dự giải Asian Super League 2016.
Sau B.Bình Dương là đến Hà Nội T&T. Nhờ được bầu Hiển “chăm lo”, Hà Nội T&T cũng có tiềm lực tài chính chẳng kém cạnh đội bóng đất Thủ. Mức thưởng của họ luôn thuộc tốp đầu V.League. Cách đây ít lâu, bầu Hiển cũng chính là người đã bỏ ra 2 triệu USD để mời Man City sang Việt Nam đá giao hữu 1 trận với ĐT Việt Nam tại Mỹ Đình. Rõ ràng, bỏ ra 5 triệu USD ký quỹ để Hà Nội T&T tham dự Asian Super League 2016 không phải vấn đề lớn với nhà tài phiệt sinh năm 1962, điều ông quan tâm chỉ là đội bóng thủ đô sẽ buộc phải tăng cường thêm nhiều tinh binh, bởi thời điểm này, trong tay HLV Phan Thanh Hùng có lực lương không quá dày.
HAGL có nguồn cầu thủ trẻ rất dồi dào.
Cái tên thứ 3 cần nhắc tới là HAGL. Về khoản tiền 5 triệu USD, đội bóng phố Núi có thể lo, khi bầu Đức rất chịu chi để các cầu thủ của mình có cơ hội cọ xát ở những giải đấu chất lượng. Vấn đề chỉ là xét về kinh nghiệm và thực lực, rõ ràng HAGL chẳng thể bì với B.Bình Dương hay Hà Nội T&T, khi mùa vừa qua, họ chút nữa đã xuống hạng. Tuy nhiên, bù vào đội bóng này lại có lực lượng dồi dào. Ngoài các lứa ở Học viện HAGL JMG Arsenal 2 năm cho ra lò 1 lần, thì HAGL còn có lớp năng khiến gồm các cầu thủ không đỗ vào Học viện. Chỉ cần chọn lọc, rồi bổ sung các lứa cầu thủ này vào đội 1 hiện giờ, đồng thời thuê thêm một số ngoại binh chất lượng, HAGL hoàn toàn có thể đủ nhân lực để dàn trải quân ra mọi mặt trận…
Theo chiều ngược lại, những SHB.Đà Nẵng, SLNA, Than Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, hay ĐTLA.. khó có thể đáp ứng những điều kiện của Asian Super League. Ví dụ như Hải Phòng, Than Quảng Ninh hay Thanh Hóa có tài chính mạnh, nhưng quân số lại eo hẹp. Trong khi đó, SLNA, SHB.Đà Nẵng hay ĐTLA thì kinh phí hoạt động lại không quá dồi dào.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.