Chỉ trong tháng 6.2015, đã có 8 nhà xe phản ánh bị đối tượng xấu ném đá khi đang lưu thông trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua TP.Kon Tum (tỉnh Kon Tum) và cao tốc Nội Bài - Lào Cai…
Gần đây nhất, vào khoảng 0h30 ngày 29.6, chiếc xe khách giường nằm mang BKS 81B-002.78 lưu thông đến đoạn đường ngang qua QL14 thuộc địa phận xã Đức Mạnh (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông), đã bị một nhóm đối tượng gồm cả nam và nữ phục kích, ném đá như mưa.
Xe khách giường nằm BKS 81B-002.78 bị ném đá. Ảnh: Duy Hậu
Tài xế Phan Văn Đoàn (SN 1970, ngụ TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai) bị đá văng thẳng vào đầu và mắt phải, phải nhập viện khâu 29 mũi; 4 hành khách ở trên xe cũng bị thương.
Coi thường tính mạng con người
Trao đổi với phóng viên, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Hữu Sơn cho rằng: Ném đá xe khách là hành vi rất phản cảm của một bộ phận thanh niên ham chơi, đáng lên án. Một bộ phận thanh niên này có hành vi, tư tưởng coi thường tính mạng con người. Họ cho rằng, hành động mình gây ra là bình thường. Họ không nhận thức được những tác hại khôn lường, hậu quả có thể xảy đến với những người xung quanh. Ngoài ra, ném đá xe khách là hành vi của những thanh niên thích nổi trội, thích mình trở thành người nổi tiếng.
“Họ muốn trở thành người "đốt đền" để trở nên nổi tiếng, nhưng sự nổi tiếng này hoàn toàn nguy hại vì nó ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, tâm lý, tâm thần của những người xung quanh”, ông Sơn bày tỏ.
Theo ông Sơn, mặc dù theo cơ quan điều tra, thanh niên ném đá xe khách khai nhận vì bốc đồng mà gây nên sự việc. Tuy nhiên, ở góc độ văn hóa, hành động này thể hiện sự vô ý thức, coi thường, xem nhẹ luật pháp.
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Hữu Sơn chia sẻ: Bao giờ những người ném đá là nạn nhân, khi ấy họ mới hiểu hết tính chất, mức độ nguy hiểm do hành động của mình gây ra. Vì thế, để khắc phục tình trạng nêu trên, các cơ quan quản lý cần có chế tài xử phạt nghiêm minh, đồng thời dư luận xã hội cũng phải lên án gay gắt.
Trong khi đó, bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương phân tích, ở góc độ tâm thần, hành động ném đá của đám thanh niên là hành động bất thường, nhưng cũng chưa đến mức rối loạn tâm thần.
Ông La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương.
Ông Cương lý giải, nhiều thanh - thiếu niên khi bước vào tuổi mới lớn không ngại ngần làm những điều điên rồ như: Uống rượu vô độ, tấn công người khác, ném đá xe khách... Những hành động này do bản tính hiếu thắng, bốc đồng, ngang ngạnh của tuổi mới lớn. Ở độ tuổi này, thanh - thiếu niên thường xuyên làm những điều bạn bè thách thức, không quan tâm đến việc nhận thức điều đó đúng hay sai. Tuy nhiên, sự điên rồ, bốc đồng này lại gây hậu quả đáng tiếc. Đặc biệt, nếu hành động này tiếp diễn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý tài xế khác đi qua những khu vực thường xuyên bị ném đá.
Theo ông Cương, trong trường hợp nhiều người rủ nhau nhậu nhẹt, sau đó cả nhóm ném đá vào xe khách, chắc chắn những người này có vấn đề về nhân cách. Tuy vậy, đối tượng ném đá xe khách có cách sống, cách cư xử và cách phản ứng hoàn toàn khác biệt với người thường, nhưng lại chưa đủ các triệu chứng của một bệnh lý tâm thần.
“Đó là những người tâm lý bất ổn”
Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng không ai dỗi hơi đi nhặt đá ném vào xe đang lưu thông trên đường. Ông nói: “Đó là những người tâm lý bất ổn”.
Theo ông Chất, có nhiều nguyên nhân trong sự việc đáng tiếc này. Chẳng hạn, xe khách đi qua đoạn đường đó gây bất an, gây phiền hà cho người dân. Hoặc cũng có thể những người bán hàng ăn uống ghen tức vì xe đó chỉ đỗ vào một hàng còn hàng khác thì bỏ qua, nên họ thuê người ném đá.
Ngoài ra, kinh doanh vận tải khá phức tạp nên không loại trừ do cạnh tranh, nhà xe thuê người ném đá hãng đối thủ (một hãng nhiều khách, một hãng không có khách). Tuy nhiên, tất cả những giả thiết trên phải điều tra kỹ mới có thể kết luận được.
“Tuy vậy, dù mục đích là gì, ném đá vẫn là hành vi đặc biệt nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của tài xế và hành khách, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông”, ông Chất nói.
Ông Chất cũng cho biết thêm, hành động ném đá xe khách ở tuổi vị thành niên có thể bị kẻ xấu thuê ném hoặc đùa nghịch. Những hành động này, nếu phản ứng nhẹ nhàng tế nhị thì trẻ sẽ dừng. Tuy nhiên, nếu có hành động mạt sát, không lành mạnh thì trẻ sẽ phản đối và có hành động tiếp diễn. Do đó, người lớn phải làm thế nào để trẻ phát huy đúng chỗ, làm những việc đáng tự hào, không phạm sai lầm.
“Nếu chỉ đùa nghịch thì giáo dục để các cháu trở lại bình thường. Cơ quan chức năng cũng phải nghiên cứu để trị tận gốc, không phải hớt cái ngọn, không phải cháu nào làm như thế thì sẽ bị bắt”, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất nói.
Theo ông Chất, trong trường hợp người ném đá là những người không có việc làm, sai lầm tạm thời, thường xuyên tụ tập nhậu nhẹt vào đêm khuya, cũng nên giúp họ trở lại với cộng đồng. Bởi, họ đang gặp khó khăn nhất định trong cuộc sống, nhiều áp lực, mà nhiều người không hiểu họ. Vì vậy, nếu có biện pháp giúp họ thoát khỏi cơ cực, đám thanh niên này sẽ trở thành người tốt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.