Những đứa trẻ từng ngày chống chọi bệnh máu

Thu Mai Thứ bảy, ngày 06/12/2014 14:29 PM (GMT+7)
Mới 2 tuổi nhưng bé Mai mang bệnh máu đã phải nằm trên giường bệnh, yếu ớt nép người vào lòng mẹ nhìn các bạn chơi đùa.
Bình luận 0

Đó là hình ảnh của một trong số hơn 200 bệnh nhi đang điều trị tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Tại đây, mỗi em một loại bệnh nhưng đều là những em bé mang bệnh máu hiểm nghèo. Các em không có được niềm vui như bao bạn nhỏ khác, các em đang phải chống chọi từng ngày với những cơn đau bệnh tật.  

Những ánh mắt thèm sự sống

Bé Mai (2 tuổi, Nam Định) có gương mặt xinh xắn, nước da trắng ngần, ánh mắt sáng long lanh. Không ai nghĩ em đang mang trong mình căn bệnh máu ác tính.

img Bé Mai, 2 tuổi, bị mắc bệnh máu ác tính

Chia sẻ với chúng tôi, chị Hiền (mẹ bé Mai) kể: “Gia đình phát hiện bệnh của con cách đây 3 tháng. Đến nay, cháu phải lên viện điều trị 2 lần, mỗi lần cách nhau một tháng”.

So với các bệnh nhi đang nằm điều trị tại đây, bệnh tình của Mai có vẻ nặng hơn cả. Em phải nằm im trên giường bệnh. Em không thể chạy nhảy, chơi đùa như các bạn. Thỉnh thoảng em đưa ánh mắt mệt mỏi xen lẫn thèm thuồng nhìn các bạn tụm năm, tụm bảy chơi đùa. Nhưng chỉ một lúc, em lại quay đầu, yếu ớt nép người vào lòng mẹ.

Để duy trì sức khỏe và sự sống, mỗi ngày bé Mai đều phải truyền máu đều đặn, huyết tương, hồng cầu và tiểu cầu.

Dù hi vọng mong manh, nhưng cả gia đình và các bác sĩ vẫn ngày đêm cố gắng kéo dài sự sống cho em.

Ở giường bên cạnh, chúng tôi bắt gặp bé Ngọc Nhi (4 tuổi, Thanh Hóa) mang trong mình hai căn bệnh là xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn và bệnh viêm gan C. Em điều trị tại viện từ năm 3 tuổi.

Đôi chân nhỏ bé của em đầy những vết sưng tấy, em không thể chạy nhảy, nô đùa cùng các bạn. Để được sống, em chỉ có thể truyền máu, có những ngày truyền liên tục, những túi tiểu cầu, những “bịch” máu đã lên tới hàng chục để giúp em tăng thêm số tiểu cầu đang rất ít trong cơ thể.

Nhi thiệt thòi hơn các em nhỏ khác khi chỉ có hai bà cháu nương tựa lẫn nhau trong những ngày tháng khó khăn, vất vả này. Bố mẹ em vì cuộc sống mưu sinh đã không thể ở bên đỡ đần, lo toan cho em.

Cô bé 4 tuổi, với đôi mắt trong sáng, thông minh dù trong mình đang mang những căn bệnh khó, nhưng em ước mơ được đi học cùng các bạn, được viết, được vẽ, được nhảy, múa, hát…

Những đứa trẻ cứ hồn nhiên, vô tư như vậy nhưng với gia đình của các em “chỉ mong sao các em được sống khỏe mạnh”.

Sẵn sàng giúp người bệnh bớt đi đau đớn

Gắn với hoạt động tình nguyện vận động hiến máu, nên các tình nguyện viên của Hội Thanh niên Vận động Hiến máu Hà Nội có điều kiện tiếp xúc thường xuyên hơn với các bệnh nhân cần truyền máu.

Họ hiểu hơn những khó khăn của y bác sĩ và bệnh nhân khi phải chờ máu. Có lẽ vậy mà việc vận động hiến máu là việc khó nhưng hơn 3.000 tình nguyện viên là các sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học… vẫn đang nỗ lực từng ngày để có được máu truyền cho người bệnh.

Anh Chử Nhất Hợp, Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội cho biết: “Vận động hiến máu là việc tốt ai cũng biết nhưng để lay động lòng người và để họ tự nguyện tham gia hiến máu không phải là việc đơn giản”.

Mong muốn chia sẻ nhiều hơn nữa với người bệnh, nên dù có khó khăn trong vận động hiến máu, không ngại nắng nóng mùa hè hay giá rét mùa đông, các tình nguyện viên vận động hiến máu vẫn ngày, đêm tuyên truyền, vận động hiến máu từ những khu phố, những ngõ ngách, những khu công nghiệp…

Anh Hợp cho biết, những người làm tình nguyện họ đến bất cứ đâu trong thành phố 8 triệu dân để truyền đi thông điệp về nghĩa cử cao đẹp của lòng nhân ái. Họ giúp những người bệnh bớt đi khó khăn, bớt đi đau đớn.

“Mọi hoạt động tình nguyện đều đẹp, đều thiêng liêng, xuất phát mục đích cao đẹp vì sự tiến bộ của xã hội, vì cuộc sống tốt đẹp của con người”, Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội chia sẻ.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem