Những hành khách "không bí ẩn" trên chuyến bay bí ẩn

Thứ tư, ngày 12/03/2014 11:59 AM (GMT+7)
Họ bay đến Bắc Kinh để nhập học, nghỉ ngơi, làm việc, hay đơn thuần là trở về nhà, và rồi... mất tích bí ẩn cùng chiếc máy bay.
Bình luận 0
Người thân, bạn bè, đồng nghiệp bắt đầu kể những câu chuyện riêng tư về họ trên không gian mạng như một lời nguyện cầu bình an.

Dưới đây là hình ảnh và câu chuyện về một số hành khách “không bí ẩn” trên chuyến bay MH370 mất tích bí ẩn từ rạng sáng 8.3 được trích từ các trang Facebook và Twitter:

“Tình nhỏ Paris” chờ nối dài trên đất Bắc Kinh

Đó là đôi tình nhân tuổi học đường người Pháp Hadrien Wattrelos, 17 tuổi, và Zhao Yan, 18. Họ bay đi Trung Quốc để chuẩn bị nhập học tại Trường quốc tế Pháp tại Bắc Kinh (Lycee Francais International de Pekin), thường được gọi tắt là “Trường Pháp”, sau khi cả hai đăng ký học tại đây.

Ai đó đã tìm thấy bức ảnh đôi bạn được đăng trên website trường trung học mà Hadrien đã theo học vào ngày 29.7.2013.
img
Đôi tình nhân Hadrien Wattrelos và Zhao Yan

Bức ảnh trên website nhà trường có lời tỏ tình của Hadrien với bạn gái: “Je t'aime” (Anh yêu em). Và Yan đáp lại: "Haaaaaa mon amour, trooooop mignon" (Haaaaaa tình yêu của em, quaaaaá xinh)

Trong danh sách có mặt trên chuyến bay mất tích bí ẩn của hãng Malaysia Airlines (MAS) còn có 2 công dân Pháp khác là Laurence Wattrelos, 52 tuổi, và Ambre Wattrelos, 14 tuổi, được tin là mẹ và em gái của Handrien.

Chưa kịp kỷ niệm ngày cưới

Nhân kỷ niệm 2 năm ngày cưới, đôi vợ chồng trẻ người Malaysia Norliakmar Hamid, 33 tuổi và Razahan Zamani, 24, quyết định đi Bắc Kinh để tận hưởng những ngày nghỉ ngơi thân mật sau khi Norliakmar - hơn chồng những 9 tuổi - bị sẩy thai.

img
Đôi vợ chồng trẻ người Malaysia Norliakmar Hamid và Razahan Zamani

Bi kịch thay, người thân của họ giờ đây chỉ còn biết “hy vọng chị tôi và anh rể cùng các hành khách khác được an toàn”, em trai của Norliakmar chia sẻ với thông tấn xã Bernama sau khi biết tin anh chị mình có mặt trên chuyến bay MH370 nhờ một chia sẻ trên Facebook vào ngày 7.3 của chị gái.

Bẽ bàng ô nhiễm Bắc Kinh

Tình trạng khói bụi ô nhiễm đến mức độc hại ở thủ đô quốc gia đông dân nhất thế giới đã khiến nhiều cư dân của thành phố này bay ra nước ngoài tạm “lánh nạn” vài hôm. Trong số đó có cậu bé Wang Moheng chưa đầy 2 tuổi. Đây có lẽ là lần đầu tiên cậu bé được đi nước ngoài.

Moheng cùng cha mẹ, ông bà ngoại và nhiều gia đình của các bạn chung nhà trẻ đã quyết định đi Malaysia để “trốn” khói bụi. “Chúng tôi chuẩn bị trốn khỏi bầu không khí tồi tệ ở Bắc Kinh vài ngày đây”, cha mẹ Moheng nói với cô Xie Yongzhen có con trai học cùng nhà trẻ trước khi lên đường.
img
Cậu bé Wang Moheng

Cô Xie cho báo New York Times biết rằng bố Moheng làm việc tại chi nhánh Bắc Kinh của công ty tư vấn Boston Consulting Group của Mỹ; còn mẹ cậu bé làm cho một công ty phần mềm của Trung Quốc.

Trong lúc các gia đình khác đã rời Kuala Lumpur về nước trước, gia đình Moheng lại chọn chuyến bay định mệnh này.

Và lời hẹn lúc chia tay ở thủ đô Malaysia giữa các gia đình: “Hẹn gặp lại ở Bắc Kinh khói bụi nhé” có lẽ mãi chỉ là lời hẹn.

Vĩnh biệt những bãi biển Đông Nam Á

Sau khi nghỉ ngơi ở một thành phố biển của Việt Nam, cặp vợ chồng người Canada gốc Hoa và gốc Ấn Bai Xiaomo, 37 tuổi, và Muktesh Mukherjee, 42 tuổi, quá cảnh Kuala Lupur để bay về Trung Quốc.

img
Cặp vợ chồng người Canada Bai Xiaomo và Muktesh Mukherjee

Xiao đang học tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, còn chồng là phó giám đốc chi nhánh Trung Quốc của công ty khoáng sản và năng lượng Xcoal Energy and Resources của Mỹ từ tháng 5.2012, theo lý lịch cá nhân của Muktesh trên mạng LinkedIn.

Báo The Telegraph của Ấn Độ cũng cho hay Muktesh là cháu ngoại của cựu Bộ trưởng Khoáng sản và sắt thép Mohan Kumaramangalam trong nội các của cố Thủ tướng Indira Gandhi.

Có lẽ “vẫn vật vã làm quen với cuộc sống ở Bắc Kinh” - như Muktesh từng chia sẻ trên Twitter - mà vợ chồng anh cùng hai con nhỏ thường đi du lịch ở những bãi biển của Đông Nam Á. Lần này, không hiểu vì điều gì, đôi vợ chồng này đi nghỉ mà không mang theo hai đứa con chưa tới tuổi đến trường.

Mỗi hành khách, một cuộc đời

Trên chuyến bay tổng cộng 239 người thì có 239 cuộc đời đang được kể lại.

Đó là đôi vợ chồng già Catherine và Robert Lawton, ở thành phố Brisbane, Úc, nổi tiếng thân thiện, tốt bụng với hàng xóm và tận tụy với con cháu.

Cùng đi với họ còn có cặp vợ chồng đã lên chức ông bà Rodney và Mary Burrows, cũng ở Brisbane, đi nghỉ sau khi người chồng bị mất việc.
img
Đôi vợ chồng già Catherine và Robert Lawton

Đó là nhân viên ngoại giao trẻ tuổi Mohamad Sofuan Ismail, 33 tuổi, được Bộ Ngoại giao và Ngoại thương Malaysia cử sang Bắc Kinh công tác 3 năm.

Người cha 75 tuổi của Ismail cho biết lẽ ra con trai ông đã đi Bắc Kinh từ tháng trước, nhưng vì trục trặc nên chuyến đi bị hoãn lại cho đến hôm 8.3.
img
Nhân viên ngoại giao trẻ tuổi Mohamad Sofuan Ismail và mẹ

Đó là kỹ sư cơ khí Paul Weeks, 39 tuổi, người New Zealand hiện sống tại thành phố Perth của Úc. Để lại vợ và 2 con nhỏ 10 và 3 tuổi ở Perth, Paul bay quá cảnh Bắc Kinh để tới Mông Cổ theo sự phân công của công ty xây dựng và khai thác khoảng sản mà anh đang làm việc.

img
Kỹ sư cơ khí Paul Weeks

“Tôi đang vật vã từng phút một. Tôi không thể nghĩ dài hơn một phút. Tôi có hai con nhỏ, và chúng luôn miệng hỏi: "Khi nào thì bố lên Skype để nói chuyện hả mẹ?'”, vợ anh là Danice chia sẻ với phòng viên.

Đó là ông Philip Wood, 50 tuổi, người Mỹ làm việc cho công ty máy tính IBM và sống ở Kuala Lumpur. Wood trước đây sống ở Bắc Kinh và có hai con trai ở bang Texas, Mỹ.

img
Ông Philip Wood.

Giờ đây, người cha Aubrey Wood - cũng từng làm việc IBM - chỉ còn biết than thở với báo New York Times: “Tôi biết làm gì? Tôi biết nói gì đây? Các thành viên gia đình tôi vốn rất gắn bó với nhau”.

Philip Wood là công dân Mỹ trưởng thành duy nhất trên chuyến bay MH370. Hai công dân người Mỹ khác có mặt trên chuyến bay này là 2 trẻ em.

Những gương mặt phi hành đoàn

Gia đình và cộng đồng mạng cũng chia sẻ ảnh của 12 thành viên tổ bay và tiếp viên trên chuyến bay định mệnh. Tất cả họ là người Malaysia. Bức ảnh ghép gồm ảnh của 12 người này xung quanh những bàn tay với gọi chiếc máy bay “Hãy trở về đi” trở thành một hình ảnh xúc động, lan truyền trên mạng trong mấy ngày qua như một thông điệp cầu nguyện cho chiếc máy bay.
img

Và chuyện riêng tư của họ cũng được xúc động kể lại bởi bạn bè, đồng nghiệp và người thân.

Cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah

Đồng nghiệp cho biết ông Shah mê máy bay Boeing 777 đến nỗi ông lắp ở nhà một bộ mô phỏng buồng lái của dòng máy bay này và suốt ngày “vọc” nó. “Chúng tôi thường chọc ông ấy, mắc chi anh phải mang công việc về nhà vậy?”, một phi công quen biết ông Shah 20 năm kể với Reuters.

Từ nhỏ, ông Shah đã mơ ước trở thành phi công và bắt đầu lái máy bay cho Malaysia Airlines từ năm 1981. “Bạn hỏi anh ấy điều gì về máy bay, anh ấy cũng sẽ diễn giải tường tận cho bạn”, người này kể.
img
Đó là cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, sinh ra ở bang Penang.

Ông Shah cũng có đam mê sưu tập các máy bay đồ chơi có bộ điều khiển từ xa.

Còn cơ phó chuyến bay MH370 hôm 8.3 là một chàng trai mới 27 tuổi, Fariq Abdul Hamid, tốt nghiệp Học viện Không gian Langkawi, Malaysia. Là anh cả với 4 đứa em, Farid Hamid là người anh, người con “có trách nhiệm, tử tế và gần gũi” với mọi người.
img
Cơ phó chuyến bay MH370 Fariq Abdul Hamid

Khi niềm hy vọng mong manh về cú sống sót trở về của chuyến bay ngày càng xuống thấp, em trai của chàng phi công trẻ này đã viết trên Twitter: “Em sẽ đi tìm anh, dù có phải xuyên qua đêm tối”.

Cộng đồng mạng cũng thắt lòng trước những thông điệp mỗi ngày của con gái tiếp viên trưởng Andrew Nari, cô bé Maira Elizabeth Nari.
img
Cô bé Maira Elizabeth Nari

“Ba ơi, tin về ba tràn ngập trên báo chí. Về nhà mau đi để đọc nè. Ba có thấy hứng khởi không?

Từ trạng thái hy vọng, tự động viên, rồi lo lắng và pha phút tuyệt vọng, mỗi ngày Maria vẫn tiếp tục kêu gọi ba trên Twitter “Ba ơi, con chỉ muốn ba trở về thôi!”, như tâm trạng của thân nhân 238 hành khách khác và của cả cộng đồng thế giới.

Điềm báo

Đi công tác nước ngoài đối với Puspanathan Subramaniam, 34 tuổi, giám đốc marketing của tập đoàn dầu khí quốc gia Malaysia Petronas là chuyện “như cơm bữa”. Nhưng không hiểu có điềm gì mà lần đi Bắc Kinh này, hai con của Puspanathan lại khóc lóc và năn nỉ bố đừng đi.

“Hai đứa cháu tôi có cử chỉ thật lạ lùng. Chúng không muốn con trai tôi ra khỏi nhà”, người cha 59 tuổi của Subramaniam kể với báo News Straits Times.

“Hai đứa bé cứ túm lấy chân cha chúng nó mà khóc, khiến thằng nhỏ định hủy chuyến đi. Nhưng tôi bảo nó hãy đi đi”, và gia đình phải vội vã đưa Subramaniam ra sân bay vì sắp trễ sau khi anh nói lời cuối cùng: “Một tuần nữa con về. Khi đó, chúng ta sẽ cùng cắt bánh mừng sinh nhật chị gái con, ba nhé”, người cha kể.

Giờ đây, người cha đó lấy làm hối tiếc: “Tôi ước giá như chúng tôi đã không vội vã và thằng nhỏ đã nhỡ chuyến bay!”.

Thanh Niên/Ảnh: Facebook,Twitter,AAP (Theo Thanh Niên/Ảnh: Facebook,Twitter,AAP)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem