“Những kiểu chữa bệnh kỳ quái ở vùng Tây Bắc” (phần 3)

Kiều Thiện (Dòng đời) Thứ bảy, ngày 13/12/2014 10:12 AM (GMT+7)
Không “kiêng khem” sau sinh như phụ nữ người Kinh, phụ nữ Thái ngay sau khi sinh nở đã làm được việc nặng nhờ bài thuốc lá hỗ trợ phụ nữ sau sinh và họ cũng không lo ngại các bệnh liên quan tới xương khớp do có những bài thuốc bó xương hiệu nghiệm bí truyền.
Bình luận 0

Không sợ ốm, không sợ để lại tật

Cách đây đã khá lâu, khi đến chơi nhà anh Lò Văn Tỉnh ở một bản người Thái, ngay phía sau khoa Lây- Bệnh viện Đa khoa huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La), tôi thấy một phụ nữ rất trẻ, địu đứa nhỏ sau lưng, lúi húi giã cối gạo bằng chân ngay ngôi nhà đầu bản.

Để ý thấy ngực người phụ nữ ấy căng tròn. Tôi hỏi anh Tỉnh: “Chị kia mới đẻ hay sao ấy nhỉ ?”. Anh Tỉnh bảo “Đấy là chị dâu tôi, mới sinh con được 1 tuần”. Tôi hỏi lại: “Một tuần mà giã gạo được à?”. 

img Đường về bản Tông - nơi nhiều người dân Sơn La đã tìm đến để lấy thuốc lá của gia đình bà Quàng Ơn. (Ảnh: Kiều Thiện)

Mẹ anh Tỉnh khi ấy đang ngồi gần chúng tôi, bà giải thích: “Người Thái có loại cây thuốc để uống cho phụ nữ mới sinh, co cơ rất nhanh nên mới sinh 3 ngày có thể đi làm nương, giã gạo hoặc làm những việc nặng khác mà không sợ ốm, sợ để lại tật như người Kinh của cán bộ đâu”.

Sau này, khi tôi và anh Tỉnh (cùng công tác ở Đội xây dựng Thuận Châu) làm việc với nhau ở Đội sản xuất vật liệu ngay bãi đá gần nhà anh Tỉnh nên khá thân thiết với gia đình. Ngày ấy, tuy người Thái rất ít biết tiếng Kinh nhưng nhờ anh Tỉnh lấy vợ là chị Duyên-người Kinh nên gia đình anh Tỉnh hầu hết thạo tiếng Kinh, giao tiếp rất dễ. Tôi để ý thấy người chị dâu của anh Tỉnh vẫn khỏe mạnh, gần 1 năm sau thì sinh tiếp đứa con nữa. Khi ấy, tôi ngỏ ý muốn biết cây thuốc đó là cây gì thì mẹ anh Tỉnh chỉ cười rồi bỏ ra ngoài nương. 

Anh Tỉnh thấy vậy, bảo tôi: “Người Thái có nhiều cây thuốc quý lắm nhưng không phải ai cũng biết đâu. Như cái thuốc co cơ mà mẹ tôi vừa nói này, tôi cũng chỉ biết nó là một loại dây rừng. Nếu lấy vào buổi sáng là để chữa bệnh thiếu máu. Còn nếu lấy vào buổi chiều những ngày trời nắng gắt thì là để làm thuốc co cơ cho phụ nữ mới đẻ.

Tất cả phụ nữ ở đây khi đẻ con xong đều được uống bát nước này và mấy ngày sau là đi làm việc nặng được ngay. Nhưng không phải tất cả phụ nữ ở đây đều biết lại cây này. Ngay cả tôi là con trai của bà, đã dò hỏi nhiều lần nhưng bà không nói. Hỏi nhiều, bà chỉ bảo: Thuốc gia truyền chỉ có thể nói cho con dâu biết. Không thể nói cho con trai, con gái trong nhà biết. Nếu biết, khi đi tán gái hoặc tán trai (tìm hiểu nhau) nó sẽ làm lộ ra. Còn con dâu, cũng chỉ người nào tốt thì mới được truyền lại chứ không phải ai cũng được truyền đâu”. 

Học chữa bó xương từ chim bìm bịp

Sau đó, tôi chuyển công tác về Thị xã Sơn La. Dịp ấy, ông Mai Xuân Đỉnh, giám đốc Công ty thương nghiệp cấp 3 Thị xã (sau này là Trưởng phòng hành chính UBND tỉnh Sơn La) có bà mẹ già ngót 70 tuổi lên chơi với con. Bà lưng còng, yếu ớt, chẳng may bị ngã vỡ cả xương chậu.

 

Với y học công cộng vùng cao ngày ấy, bó xương ống tay, ống chân thì dễ chứ bó xương chậu, mà lại là xương chậu của người già thì là một khó khăn không nhỏ, chưa biết bao giờ mới liền.

img Ngôi nhà bà Quàng Ơn vẫn nghèo nàn đơn sơ. (Ảnh: Kiều Thiện)

Ông Đỉnh chơi thân với ông Quàng Ơn (Chủ tịch UBND Thị xã) nên may mắn nhờ được bà cụ nhà ông Quàng Ơn (là người Thái ở Bản Tông, xã Chiềng Xôm, Thị xã Sơn La) lấy cho một bài thuốc lá đắp hàng ngày vào chỗ gãy (với điều kiện phải tháo bỏ lớp băng bó bột của bệnh viện). Tôi khi ấy cũng thân ông Đình nên hay đến chăm sóc bà cụ khi bà bị gãy xương. Có lần tôi tò mò trộm tháo gói thuốc lá mới mang về, đưa lên mũi ngửi để xem là lá cây gì nhưng đành chịu, chỉ thấy hăng hắc, xanh đen và ẩm ướt vì mới được giã nát.

Bó được khoảng 1 tuần thì mẹ ông Đỉnh đã khỏi bệnh, đưa đi chiếu chụp X quang thì bảo xương đã liền. Khi ấy mẹ ông Đỉnh bảo: “Cái thuốc này đắp vào 2 hôm đầu nó cắn đau lắm. Phải đến hôm thứ ba trở đi mới đỡ đau”. Ông Đỉnh giải thích: “Khi lấy thuốc bà người Thái đã bảo rằng 2 ngày đầu thuốc này tập trung kéo các mảnh xương vỡ vào liền nhau nên rất đau. Các ngày tiếp theo thuốc tập trung vào gắn xương nên đỡ đau hơn”.
img Vườn thuốc Nam đã trở thành một yêu cấu bắt buộc với tất cả các cơ sở y tế công lập của Sơn La. (Ảnh: Kiều Thiện)

Khi ấy nhiều người đến chơi, thăm hỏi mẹ ông Đỉnh, có nói rằng bài thuốc lá chữa gãy xương của gia đình ông Quàng Ơn đã có từ nhiều đời trước, do các cụ nhà ông Ơn học được từ con chim bìm bịp. Để có bài thuốc chữa liền  xương siêu đẳng ấy, người ta tìm một tổ con bìm bịp mới nở. Phải rình lúc chim bố, mẹ đi kiếm mồi, bẻ gãy một chân con chim non rồi kiên trì bố trí người phục quanh tổ của nó.

Chim bìm bịp không như một số loài chim khác, khi về tới tổ thấy có hơi người mà bỏ trứng, bỏ con. Bìm bịp bố, mẹ thấy con gãy chân là đi lấy lá về, nhai nát đắp cho chim con. Được cái giống chim bìm bịp không bay được xa như loài chim khác. Còn nào giỏi lắm cũng chỉ bay được chừng hơn chục mét là đỗ xuống chui rúc nên việc theo dõi cũng dễ hơn. Chỉ sau 2 ngày, con chim con mới bị gãy chân ấy lại đứng được. Khi ấy người ta lại tìm cách bẻ tiếp chân con chim khác, rồi bẻ cánh… Cứ kiên trì theo dõi chim bố, mẹ trong nhiều ngày liền là sẽ học được bài thuốc của nó.

Nhưng cũng có người bảo: Hầu hết chim bìm bịp luôn ăn những lá cây là thuốc chữa liền xương, liền khớp, giúp cơ thể nhanh khỏe xương; nhất là khi nó mới đẻ trứng, ấp con xong. Khi ấy cả cơ thể bìm bịp mẹ và con đều cần những thức ăn khỏe xương khớp. Vì thế nên khi người ta già yếu, đau nhức  xương khớp, thường bắt bìm bịp về ngâm rượu làm thuốc uống.

Khi ngâm rượu bìm bịp, nếu ai đó vặt lông, bỏ ruột chim thì bị coi là “ngớ ngẩn”, “phí của giời” vì con bìm bịp bổ nhất là những thức ăn đang có trong ruột chúng… Tôi khi ấy cũng chỉ biết nghe chứ không dám tham gia vào câu chuyện nhưng lòng đã thấy khát khao được biết sự thật về bài thuốc gia truyền kỳ diệu đó bởi bố tôi vốn bị đau xương khớp, chữa rất nhiều năm liền  nhưng chưa khỏi.

Không để thuốc hay vào tay người xấu

Dịp may tình cờ tôi được chứng kiến tận mắt cách chữa gẫy xương diệu kỳ. 

Anh Nguyễn Hữu Huân, sỹ quan tại ngũ với tôi có người vợ bị ốm liệt giường cả chục năm trời nên ngày nào cũng phải mấy lần giúp chị ấy trở mình và tắm rửa, thay quần áo cho chị ấy để tránh bị lở loét da thịt. Lúc đầu còn ngượng nên anh Huân che chắn quanh giường, tự mình chăm sóc vợ. Sau đó cũng phần do đỡ ngượng hơn, phần do anh em thân thiết nhau hơn và một phần do quá mệt mỏi nên nhiều hôm anh ấy gọi tôi giúp khi cần phải tắm rửa, trở mình cho chị ấy. 
img Thần y bản Ôn Ốc -Yên Châu, Sơn La - ông Trang Lao Lềnh với 3 chén rượu thuốc tự chế có thể chữa nhiều loại bệnh. (Ảnh: Kiều Thiện)

Ngày ấy đời sống quân ngũ cũng rất khó khăn. Lương trung úy như của anh Huân vừa nuôi thêm vợ và 2 đứa con nên ăn uống cũng rất kham khổ. Vì thế, mỗi khi trở mình cho chị ấy, chúng tôi luôn nhắc nhau phải nhẹ tay bởi người nằm lâu ngày xương dễ gãy lắm (mục xương). Nói vậy nhưng rồi cái gì phải đến vẫn đến. Một buổi trưa khi trở mình cho chị, cái xương quai xanh bên phải của chị vẫn gãy làm chị kêu ré lên đau đớn. Khi ấy, anh em chúng tôi hoảng lắm. Chuyện chạy chữa thuốc thang tốn kém trong gia cảnh khó khăn đã đành nhưng lo nhất là với xương của người nằm một chỗ, không vận động nhiều năm, ăn uống hạn chế như chị ấy biết có còn khả năng liền được không ? 

Bàn đi tính lại mãi, chúng tôi bảo nhau: Đi xin thuốc bà cụ nhà ông Quàng Ơn, chỉ có nơi ấy thì mới có thể xin không mất tiền và cho khả năng liền xương cao nhất. Đúng như chúng tôi dự đoán, bà cụ Ơn không hề lấy tiền, nhất trí cho thuốc bó dù không cần đến khám bệnh. Tuy thế, do hoàn cảnh khó khăn nên anh Huân chẳng thể ngày nào cũng đi lấy thuốc mới về đắp được như yêu cầu (vì ngày ấy không có sẵn xe máy như bây giờ), nhiều khi thang thuốc ấy đắp đến 3-4 ngày. Nhưng cũng chỉ sau 4 lần lấy thuốc là xương đã liền. 

Tôi bảo anh Huân: “Cụ ấy đã thương mình thế thì hỏi xin luôn bài thuốc ấy để dành phòng thân, biết đâu họ lại chỉ cho mình”. Anh Huân gãi đầu, nói như mắng vào mặt tôi: Bài thuốc gia truyền của nhà người ta, con cháu người ta đến mấy chục người, họ còn chẳng truyền cho ai vì sợ con cháu lợi dụng bài thuốc để kiếm tiền người bệnh, sao mà họ bảo cho mình được. Chú có giỏi thì vào mà xin, anh chịu!  

Sau này, khi đi làm báo, tôi thân với bác sỹ - Thầy thuốc Ưu tú, giám đốc bệnh viện Y học cổ truyền Sơn La – anh Nguyễn Đa Khu. Thấy anh Khu cứ suốt ngày lúi húi với vườn thuốc nam, lúc thì cắm đầu đọc sách y học, lúc đến từng bên bệnh nhân để tìm hiểu về tác dụng của từng thang thuốc, tôi bảo anh Khu: “Em thấy có nhiều bài thuốc nam của người Thái, người Mông ở đây rất hay, như bài thuốc co cơ của người Thái Thuận Châu hay bài thuốc chữa xương của bà cụ Quàng Ơn, sao các anh không sưu tầm về?”. 

Anh Khu nhìn tôi, rồi trầm tư, bảo: “Có những bài thuốc mình biết chắc chắn là dùng với lá ấy, cây ấy nhưng lấy vào giờ nào trong ngày, mùa nào trong năm, liều lượng thế nào để phát huy tác dụng cao nhất thì còn khướt đấy chú ạ! Chúng tôi cũng học hỏi, nghiên cứu nhưng vẫn còn lâu mới bằng những... chuyên gia lá thuốc của rừng. Và bà con cũng không sẵn sàng chia sẻ bởi những bài thuốc ở đây mang nhiều dấu ấn huyền bí không lý giải được vì thế cũng khó học, khó sưu tầm được”. 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem