Những kỳ EURO đáng nhớ: Khi cựu danh thủ Việt bị “sốc”

Thứ ba, ngày 05/06/2012 06:46 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhớ lại những kỳ EURO đầu tiên được xem truyền hình trực tiếp, các cựu danh thủ, HLV, cầu thủ Việt Nam đều có chung cảm giác về một sự choáng ngợp trước đẳng cấp mà các ngôi sao thể hiện...
Bình luận 0

Nếu như số ít người dân Việt Nam phải chờ đến năm 1988 mới được xem trực tiếp EURO, thì các cựu cầu thủ Thể Công từng sang Thượng Hải (Trung Quốc) thi đấu giao hữu còn may mắn hơn khi có dịp xem trực tiếp trận chung kết EURO 1964.

img
Các cầu thủ Đan Mạch đăng quang tại EURO 1992.

HLV Nguyễn Văn Vinh kể lại: “Như một giấc mơ, sau niềm vui thắng Thượng Hải 3-2 đầy kịch tính, toàn đội Thể Công đã được xem trực tiếp trận thư hùng giữa chủ nhà Tây Ban Nha - Liên Xô qua màn hình đen trắng tại khách sạn.

Thời tiết nóng kinh khủng ở Tây Ban Nha đã ảnh hưởng nhiều tới những nhà đương kim vô địch Liên Xô, cứ một lúc họ lại phải ra ngoài đường biên dùng nước đá. Nhưng với nghị lực, sự quyết tâm phi thường, những Lev Yashin, Voronin, Chislenko, Ponedelnik, Ivanov… vẫn khiến ngay cả các CĐV chủ nhà vỗ tay ngợi khen.

Nhưng phải thừa nhận dàn cầu thủ Tây Ban Nha đã thể hiện được lối chơi kỹ thuật nhỉnh hơn hẳn để thắng 2-1 xứng đáng”.

Theo ông Vinh, bóng đá thời điểm đó đề cao chất kỹ thuật, đẹp mắt, cống hiến. Những trận đấu bóng đá hiện đại ngày nay “giản dị” hơn do phải quan tâm nhiều tới thể lực, tốc độ: “Hy vọng EURO 2012 sẽ có nhiều trận đấu chất lượng không chỉ về chuyên môn, mà còn xuất phát từ tinh thần, ý chí thi đấu trung thực, cao thượng như trong quá khứ” - ông Vinh nói.

Ông Nguyễn Hữu Thắng - HLV SLNA chia sẻ: “Nghệ An vốn nghèo, phải đến EURO 1992, SLNA mới có một chiếc tivi đặt ở hội trường cho cầu thủ xem, và tôi cực kỳ ấn tượng với màn thể hiện của Brian Laudrup. Không ghi được bàn thắng nào nhưng lối chơi kỹ thuật, tốc độ của anh đã khiến chúng tôi rất khâm phục. Từ chỗ đánh giá thấp Đan Mạch, chúng tôi đã phải ngỡ ngàng, dõi theo từng bước chân và cổ vũ nhiệt tình cho họ”.

Cựu danh thủ Nguyễn Hồng Sơn: “EURO 1988 tôi đang là thành viên đội trẻ Thể Công. Việc xem bóng đá lúc đó rất khó, và cả đội thường rủ nhau tới nhà bạn Hải, bạn Trung có điều kiện kinh tế khá giả để xem bóng đá. Ngoài nhóm chúng tôi, mỗi trận còn có rất đông người hàng xóm đến cổ vũ cho Liên Xô.

Thời điểm đó, lương của các cầu thủ đội 1 xứ Nghệ chỉ có được khoảng mấy trăm nghìn đồng/tháng. “Chúng tôi cũng… cá cược với nhau và phần thưởng cho người thắng cuộc là được “bao” ăn sáng” - ông Thắng kể.

HLV Triệu Quang Hà (Thanh Hóa) thì ấn tượng về EURO 1988:

“Năm đó, tôi được cha đưa tới nhà một người bạn của ông xem bóng đá. Ngày đó rất hiếm nhà có tivi, nên sau mỗi trận, tôi tha hồ kể với nhóm bạn trong đội năng khiếu Thanh Hóa. Khi ấy, tôi mê mẩn bộ ba “người Hà Lan bay”: Gullit-Rijkaard-van Basten, đặc biệt là “cơn lốc” bên hành lang phải Gullit.

Về sau, đó cũng là vị trí sở trường của tôi trong màu áo CLB Quân đội và tuyển quốc gia. Giờ mỗi khi nghĩ tới EURO tôi lại nhớ về người cha đã mất của mình, người đã khởi nguồn đam mê bóng đá cho tôi”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem