Những lưu ý khi làm bài thi đánh giá năng lực vào ĐHQG Hà Nội

Tuệ Nguyên Chủ nhật, ngày 14/03/2021 13:04 PM (GMT+7)
Ngày 14/3, Đại học quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ công bố bài thi mẫu đánh giá năng lực năm 2021. Các thí sinh cần chú ý một số điểm quan trọng để làm tốt bài thi lần này.
Bình luận 0
Những lưu ý khi làm bài thi đánh giá năng lực vào ĐHQG Hà Nội  - Ảnh 1.

Dự kiến ngày 15/3/2021, ĐHQGHN sẽ công bố bộ đề mẫu thi đánh giá năng lực để thí sinh tham khảo.

Lưu ý khi làm bài đánh giá năng lực

Chia sẻ PV Dân Việt, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí (ĐHQGHN) cho hay, bài thi đánh giá năng lực gồm 150 câu hỏi làm trong thời gian 195 phút. Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực học sinh THPT sẽ gồm 3 nhóm năng lực chính:

Sáng tạo và giải quyết vấn đề; năng lực Toán, tiếng Việt, tư duy ngôn ngữ, lập luận, tính toán và xử lý số liệu; tự khám phá khoa học (tự nhiên – xã hội) và ứng dụng công nghệ; theo hướng cá thể hóa.

Bài thi đánh giá năng lực tiếp cận theo hướng đánh giá năng lực toàn diện học sinh THPT, chứ không đơn thuần để xét tuyển đại học.

Thí sinh phải làm tuần tự từ phần 1 (Tư duy định lượng) đến phần 2 (Tư duy định tính) rồi sang phần 3 (Khoa học tự nhiên và xã hội). 

Sau khi kết thúc mỗi phần, máy tính sẽ tự chuyển sang phần tiếp theo. Nếu đang làm bài ở phần 2, thí sinh không thể quay trở lại làm các câu hỏi ở phần 1.

Kỳ thi đánh giá năng lực 2021 không giới hạn số lần dự thi của thí sinh. Tuy nhiên, thời gian dự thi giới hạn cách nhau tối thiểu là 28 ngày.

Những lưu ý khi làm bài thi đánh giá năng lực vào ĐHQG Hà Nội  - Ảnh 2.

Là một giáo viên dạy hai môn Toán, Hóa học tại Hà Nội, thầy giáo Lê Văn Hoa cũng đưa ra một số góp ý để các thí sinh tham khảo trước khi làm bài thi đánh giá năng lực vào ĐHQGHN năm 2021. 

Các em cần chuẩn bị đầy đủ máy tính, giấy nháp (nhà trường có phát nhưng ta vẫn nên chuẩn bị giấy A4), kèm ít nhất 3 cây bút. 

Các câu hỏi trong đề sẽ được xáo trộn nên có thể những câu đầu là câu khó. Khi đó thí sinh có thể đánh dấu vào nháp và làm những câu dễ trước, đừng vì thấy khó ngay câu đầu mà hoang mang. 

Thường sẽ có khoảng 30 câu mức độ từ khá trở xuống, 20 câu là khá cứng trở lên. 

Riêng những câu điền đáp án, các em lưu ý điền như dạng đáp án trắc nghiệm, hỏi gì điền đó. Dạng số hỏi giá trị m bằng mấy, tỷ số bao nhiêu nếu làm ra m=2 hoặc tỷ số là 1/3 ta chỉ nên điền vào ô trả lời là 2 hoặc 1/3. 

Ngoài ra, thí sinh nên dành từ 3 - 5 phút đọc lướt qua đề để xác định phần dễ khó, phần nào dễ có thể làm được luôn để tiết kiệm thời gian. 

Trước khi nhấn gửi bài thi phải xem lại toàn bài có bỏ sót câu nào để hoàn thiện nốt bài thi.

Điều quan trọng, các em phải giữ gìn sức khỏe và thực hiện nghiêm nguyên tắc phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo, Phó Trưởng ban chỉ đạo tuyển sinh ĐHQGHN năm 2021, ĐHQGHN dự kiến tuyển sinh 11.250 chỉ tiêu, với 132 ngành/chương trình đào tạo thuộc các lĩnh vực: Khoa học tự nhiên, Khoa học Xã hội và nhân văn, Công nghệ - Kỹ thuật, Kinh tế - Luật, Y – Dược, Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên với các phương thức xét tuyển khác nhau.

Trong đó, xét tuyển thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực do Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN tổ chức đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ngành/chương trình đào tạo theo quy định của ĐHQGHN.

Kết quả thi đánh giá năng lực được sử dụng chỉ như một phương án xét tuyển khác, song song với phương thức xét tuyển theo kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT và các phương thức khác.

Được biết, kỳ thi đánh giá năng lực chính thức của ĐHQGHN tổ chức 6 đợt kéo dài từ tháng 5 đến tháng 7/2021. Mỗi đợt cho khoảng 1.000 - 2.000 thí sinh tham gia.

ĐHQGHN không yêu cầu thí sinh phải sơ tuyển. Kết quả bài thi này được sử dụng để tuyển sinh đại học. Ngoài ra, nhà trường vẫn duy trì xét tuyển thẳng cũng như sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem