Những người đạp xích lô TP Hội An hướng tới "tuổi già nhàn hạ"
Những người đạp xích lô TP Hội An hướng tới "tuổi già nhàn hạ"
Diệu Linh
Thứ tư, ngày 16/08/2023 06:17 AM (GMT+7)
Khách du lịch trở lại TP Hội An (Quảng Nam) khiến những người đạp xích lô vui mừng hơn bao giờ hết. Nhiều người đã trích ngay phần thu nhập kiếm được để tham gia BHXH tự nguyện.
Người đạp xích lô tham gia BHXH tự nguyện để tuổi già yên tâm hơn
Giữa cái nắng rực rỡ của TP. Hội An, ông Phan Phước Tùng (58 tuổi), Chủ tịch Nghiệp đoàn xích lô tại phố cổ Hội An vui mừng chia sẻ, lượng khách du lịch đổ về TP ngày càng đông khiến anh em đạp xích lô có công ăn việc làm, thu nhập ổn định.
Ông cũng khoe, khi có công việc, có thu nhập, ông đã trích ngay 1 phần tiền để tham gia BHXH tự nguyện. Đến nay ông đã tham gia BHXH tự nguyện được hơn 1 năm.
Ông Tùng cho biết Nghiệp đoàn xích lô Hội An với 102 thành viên là tổ chức cơ sở trực thuộc Liên đoàn Lao động TP Hội An, được thành lập năm 1997 - tập hợp những người lao động tự do làm nghề đạp xích lô tại phố cổ Hội An.
Thời gian qua, được sự vận động, tuyên truyền của chính quyền, của cơ quan BHXH, các thành viên nghiệp đoàn xích lô đã biết tới hình thức tham gia BHXH tự nguyện. Ông và hơn 10 anh em khác cùng rủ nhau tham gia BHXH tự nguyện, hướng tới 1 tuổi già "có lương, có thẻ BHYT miễn phí" để yên tâm hơn.
"Trải qua đại dịch Covid-19 chúng tôi càng thấu hiểu hơn sự bấp bênh của cuộc sống, của công việc. Do đó, chúng tôi rất mong muốn có được thu nhập ổn định khi cao tuổi, chồn chân, mỏi gối không thể hành nghề được nữa.
Được biết về BHXH tự nguyện và những lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện là tôi và nhiều anh em đã tham gia ngay", ông Tùng chia sẻ.
Tham gia BHXH khi đã qua tuổi 55, ông Tùng cho biết nói nếu được giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu xuống còn 15 năm theo dự thảo Luật BHXH sửa đổi thì đến 70 tuổi ông có cơ hội được hưởng lương hưu.
Ông Tùng chia sẻ, hiện nay, thu nhập trung bình của ông và đồng nghiệp khoảng 8-12 triệu đồng/tháng nên trích ra 500.000-1 triệu để tham gia BHXH cũng không quá khó khăn. Anh em tự bảo nhau nếu thu nhập cao hơn sẽ trích nhiều hơn để đóng BHXH tự nguyện, đảm bảo khi về già có mức lương hưu đủ sống.
Ông cũng mong muốn chính sách BHXH tự nguyện có những sự thay đổi về số năm đóng, thêm chế độ thụ hưởng để người lao động yên tâm hơn.
Là người "nối nghiệp cha chú", anh Nguyễn Tiến Mạnh (32 tuổi, thành viên Nghiệp đoàn xích lô tại phố cổ Hội An) cũng cho biết, anh đã làm nghề được 6 năm và cũng mới tham gia BHXH tự nguyện.
Trước đây anh từng đi làm công ty, có BHXH bắt buộc nhưng khi nghỉ việc đã rút BHXH 1 lần nên giờ anh rất tiếc nuối.
"Thu nhập cơ bản khoảng 6 triệu đồng 1 tháng nên tôi trích khoảng 10% ra đóng BHXH tự nguyện. Với mức đóng này cũng sẽ không ảnh hưởng đến cuộc sống. Tôi sẽ kiên trì tham gia đến cùng để sau này có chỗ dựa", anh Mạnh chia sẻ.
Đa dạng hóa các kênh tuyên truyền, vận động BHXH tự nguyện, BHYT
Chia sẻ về việc "đưa" BHXH tự nguyện, BHYT đến với các tổ chức nghề nghiệp, ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết, đây là nhóm đối tượng có thu nhập ổn định nên rất có "cơ sở" để vận động hiệu quả.
Cán bộ BHXH đã từng bước vận động, tuyên truyền cho người lao động ở các nghiệp đoàn ghe bơi, xích lô.... Nhiều người đã hiểu về BHXH tự nguyện và tham gia nhiệt tình, đồng thời cũng vận động đồng nghiệp, anh em khác cùng tham gia.
Nói về khó khăn lớn nhất khi vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, bà Trương Thị Minh Tâm, Giám đốc BHXH TP Hội An (Quảng Nam) cho biết, hiện nay BHXH bắt buộc người lao động được hưởng 5 chế độ còn người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất,
Hơn nữa, quy định điều kiện về thời gian tối thiểu đóng BHXH để hưởng lương hưu là 20 năm, như vậy là còn khá dài, điều này làm giảm tính hấp dẫn, chưa thu hút người dân tích cực tham gia BHXH tự nguyện.
Ngoài ra, nhiều lao động tại Hội An chưa có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh nên chưa nhiệt tình tha gia BHXH tự nguyện.
Nhưng thời gian gần đây, thông qua nhiều kênh tuyên truyền, vận động, người dân đã biết nhiều hơn về BHXH tự nguyện và đã có không ít người vui lòng trích thu nhập để "nhìn ra trông rộng" cho tuổi già bớt nỗi lo cho tuổi già.
Theo bà Tâm, thời gian qua BHXH TP. Hội An đã tích cực triển khai bằng nhiều hình thức linh hoạt, tìm tòi, nghiên cứu cách làm mới để đảm bảo duy trì và tăng nhanh tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT.
BHXH thành phố đã chủ động tham mưu Thành ủy, UBND thành phố đưa chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân; giao chỉ tiêu phát triển người tham gia đến từng xã, phường.
Đồng thời, phối hợp với hội Liên hiệp phụ nữ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ hội viên phụ nữ tích cực tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, nhất là vận động hội viên phụ nữ ở các nơi còn khó khăn tham gia BHYT để có đủ điều kiện khám chữa bệnh khi ốm đau.
Ngoài việc tuyên truyền, Hội LHPN TP. Hội An còn phối hợp với Trung tâm hỗ trợ phát triển xanh GreenHub, Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế triển khai mô hình "Ngôi nhà xanh" đến các chi hội phụ nữ cơ sở, bằng việc thu gom rác thải tái chế để bán gây quỹ thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, trong đó có việc trích mua thẻ BHYT để tặng cho phụ nữ bị bệnh nặng và có hoàn cảnh khó khăn.
Hội Nông dân thành phố cũng đã đẩy mạnh các hoạt động phối hợp tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH, BHYT ở các cấp Hội; xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên ở cơ sở; đưa nội dung về các chủ trương, chính sách BHXH, BHYT lồng ghép vào các buổi sinh hoạt định kỳ của các chi, tổ Hội để ngày càng có nhiều hội viên nông dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT.
BHXH TP. Hội An cùng với Liên đoàn Lao động và Ban Chấp hành nghiệp đoàn Xích lô Hội An và Nghiệp đoàn ghe bơi du lịch sông Hoài tổ chức hội nghị tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện cho các đoàn viên của Nghiệp đoàn.
Kết quả, năm 2022 chỉ có 30 đoàn viên tham gia thì đến nay đã có hơn 30 người tham gia.
Đặc biệt, BHXH TP. Hội An còn chú trọng đưa chính sách BHXH tự nguyện đến với xã đảo Tân Hiệp. Theo đó BHXH đã tổ chức các chuyến công tác đến xã đảo để phối hợp cùng với UBND xã tuyên truyền, giúp người dân an tâm, tin tưởng khi tham gia BHXH tự nguyện.
Không chỉ đến từng nhà để vận động, tuyên truyền, cán bộ cơ quan BHXH còn đến những nơi công cộng tập trung đông người như chợ, trạm xá, khu cầu cảng để cấp, phát tờ rơi.
Nhờ đó người dân trên đảo đã hiểu rõ và an tâm, tin tưởng khi tham gia BHXH tự nguyện bởi đây là chính sách đúng đắn và rất nhân văn của Nhà nước. Hiện nay, toàn xã có gần 120 người tham gia BHXH tự nguyện, tuy số người tham gia chưa nhiều cách làm này đã có sức lan tỏa để người dân xã đảo tích cực tham gia BHXH tự nguyện.
"Dù khó khăn nhưng với phương châm "mưa dầm thấm lâu" và kiên trì, nhiệt tình "đi từng ngõ, gõ từng nhà", cũng như những lợi ích thiết thực của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT, chúng tôi tin rằng sẽ ngày càng nhiều người dân tin tưởng tham gia vì để có sự an tâm cho tuổi già", bà Tâm chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.