Những người giữ sử tháng Tám: Từ cái xoa đầu của Bác Hồ đến người chép sử đặc biệt ở Tân Trào (bài 3)

Gia Khiêm Chủ nhật, ngày 21/08/2022 07:49 AM (GMT+7)
Đã 77 năm trôi qua kể từ khi Bác Hồ về Tân Trào (Tuyên Quang) chỉ đạo cách mạng, chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Tân Trào giờ đã khác nhưng những ký ức về mùa thu lịch sử ấy đã được ông Hoàng Ngọc ghi chép tỉ mỉ, cẩn thận và truyền lại cho đến hôm nay.
Bình luận 0

Ký ức đặc biệt về ông Ké (Bác Hồ) về mùa thu lịch sử 77 năm trước

Chiều một ngày giữa tháng Tám, ông Hoàng Ngọc (86 tuổi) đón chúng tôi tại căn nhà sàn nơi gia đình sinh sống nhiều đời nay ở xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Bên trong ngôi nhà đồ đạc xếp ngăn nắp, ngọn gàng. Đặc biệt những tấm ảnh chụp về Bác Hồ được treo trang trọng trong nhà, đầy linh thiêng.

Những người giữ sử tháng Tám: Từ cái xoa đầu của Bác Hồ đến người chép sử đặc biệt ở Tân Trào (bài 3)  - Ảnh 1.

Đã 77 năm trôi qua kể từ khi Bác Hồ về Tân Trào chỉ đạo cách mạng, chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền song những ký ức về mùa thu lịch sử ấy vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí ông Hoàng Ngọc và người dân nơi đây. Ảnh: Gia Khiêm

Đã 77 năm trôi qua kể từ khi Bác Hồ về Tân Trào chỉ đạo cách mạng, chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Tân Trào nay đã có rất nhiều đổi khác song những ký ức về mùa thu lịch sử ấy vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí ông Hoàng Ngọc và người dân nơi đây.

Chuyện về người chép sử đặc biệt ở Tân Trào. Clip: Gia Khiêm

Với người dân làng Kim Long (làng Tân Lập ngày nay), thuộc xã Kim Long (nay là Tân Trào), ông Ngọc được mệnh danh là người giữ sử của Làng. Năm nay đã 86 tuổi, răng đã rụng, một mắt không còn nhìn được nhưng khi nhớ về những ngày mùa thu tháng Tám năm 1945 khuôn mặt ông vẫn rạng ngời niềm vui của một đứa trẻ 9 tuổi khi đó.

Những người giữ sử tháng Tám: Từ cái xoa đầu của Bác Hồ đến người chép sử đặc biệt ở Tân Trào (bài 3)  - Ảnh 3.

Bữa cơm của Bác Hồ và các chiến sỹ ở Tân Trào trong những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh tư liệu

Trong câu chuyện với PV Dân Việt, ông Ngọc rành mạch kể, khoảng cuối tháng 5/1945, làng Kim Long bất ngờ xôn xao hơn ngày thường khi vùng đất này được Trung ương Đảng chọn làm nơi đón Bác Hồ từ Cao Bằng về lãnh đạo kháng chiến. Sau khi đi quãng đường dài hàng trăm cây số qua nhiều tỉnh, chiều tối 21/5, Bác đặt chân đến Kim Long.

Bác ở nhà ông Nguyễn Tiến Sự, Chủ nhiệm Việt Minh Tân Trào, ngay bên cạnh nhưng vẫn làm việc ở nhà ông. Cha ông Ngọc - ông Hoàng Trung Nguyên, là cán bộ giao liên cho Bác và Trung ương Đảng.

Những người giữ sử tháng Tám: Từ cái xoa đầu của Bác Hồ đến người chép sử đặc biệt ở Tân Trào (bài 3)  - Ảnh 4.

Những bức ảnh về Bác Hồ và lãnh đạo Đảng nhà nước tới thăm làng Tân Trào được ông Hoàng Ngọc treo trang trọng trong nhà. Ảnh: Gia Khiêm

"Khi ấy chúng tôi chỉ biết đây là đoàn các đồng chí bộ đội, chứ không biết Bác là Hồ Chí Minh. Dân Kim Long gọi Bác là ông Ké - nghĩa là người cao tuổi theo tiếng Tày. Ông Ké dáng người mảnh dẻ, nước da rám nắng và đặc biệt rất hiền. Ngày ngày, ngoài giờ làm việc, ông Ké vẫn đi ra ruộng, đắp bờ giữ nước, hỏi thăm từng người, từ cụ già đến em nhỏ", ông Ngọc nhớ lại.

Những người giữ sử tháng Tám: Từ cái xoa đầu của Bác Hồ đến người chép sử đặc biệt ở Tân Trào (bài 3)  - Ảnh 5.

Ngôi nhà sàn gắn bó bới gia đình ông Ngọc bao năm tháng qua. Ảnh: Gia Khiêm

Năm ấy ông Ngọc mới được 9 tuổi. Do còn nhỏ ông được tham gia Đội Nhi đồng cứu quốc với nhiệm vụ vừa chăn trâu, vừa theo dõi xem có người lạ vào làng không để báo về cho cán bộ. Bí mật là yêu cầu hàng đầu lúc bấy giờ.

"Tôi nhớ có lần Bác đi thăm bản, thấy người dân đang giã gạo liền hỏi: 'Các cháu giã gạo làm gì vậy?', người dân đáp: 'Chúng cháu giã gạo cho bộ đội ạ! Thấy vậy, Bác hỏi tiếp: 'Thứ quý giá như tiền thì các cháu thường cất ở đâu?' Mọi người trả lời: 'Chúng cháu cất trong túi, trong hòm ạ!'. Bác dặn dò: 'Làm cách mạng còn quý hơn tiền, nên càng cần phải bí mật, càng phải cất kỹ hơn'", ông hồi ức lại.

Đáng nhớ nhất, ngày 16/8/1945, Bác Hồ và Tổng bộ Việt Minh quyết định khai mạc Quốc dân đại hội tại đình Tân Trào với sự tham dự của 60 đại biểu đại diện cho các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc, các dân tộc, tôn giáo trong và ngoài nước. Đó là một sự kiện trọng đại đối với người dân làng Kim Long khi đó.

Những người giữ sử tháng Tám: Từ cái xoa đầu của Bác Hồ đến người chép sử đặc biệt ở Tân Trào (bài 3)  - Ảnh 6.

Năm nay đã 86 tuổi, răng đã rụng, một mắt không còn nhìn được nhưng khi nhớ về những ngày mùa thu tháng Tám năm 1945 khuôn mặt ông Hoàng Ngọc vẫn rạng ngời niềm vui. Ảnh: Gia Khiêm

Ông Ngọc nhớ lại, hôm diễn ra đại hội, người trong làng góp nhau gạo, gà và 1 con bò, rồi cử đoàn đại biểu dân làng do già làng Hoàng Văn Các làm trưởng đoàn ra đình làng chúc mừng Quốc dân đại hội. Hoàng Ngọc là 1 trong 4 thiếu nhi được tham gia đoàn.

"Ông Ké cám ơn dân làng Kim Long đã ủng hộ cách mạng sau đó nhìn 4 đứa chúng tôi gày gò, quần áo rách, vá tứ tung. Người tiến lại gần xoa đầu và nói với đại hội: 'Chúng ta phải làm thế nào cho các cháu đây có cơm ăn áo mặc và được học hành', ông Ngọc xúc động kể.

Mãi tới tận sau đó 1 năm, trong dịp rước ảnh Chủ tịch về làng, người Kim Long vô cùng bất ngờ vì hóa ra Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là… ông Ké làng mình.

Người ghi chép sử làng 

Sau này khi lớn lên trở thành thanh niên trai tráng, mang theo hành trang quý giá là những ký ức đẹp về mùa thu lịch sử và ông Ké, chàng trai Hoàng Ngọc lên đường nhập ngũ. Trải qua hai cuộc chiến tranh chống ách đô hộ của thực dân Pháp và chống Mỹ cứu nước, đầu những năm 1980, ông chính thức giải ngũ, trở về quê hương. Tuy nhiên, thay vì nghỉ ngơi, ông lại bắt đầu công việc đặc biệt của mình đó là chép sử làng.

Những người giữ sử tháng Tám: Từ cái xoa đầu của Bác Hồ đến người chép sử đặc biệt ở Tân Trào (bài 3)  - Ảnh 7.

Ông Ngọc đang kể về chuyện làng ngày xưa cho những sinh viên cảnh sát đến chơi. Ảnh: Gia Khiêm

"Tôi viết lời giới thiệu quyển lịch sử này với mở đầu "Con người có tổ có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn/ Muốn cho lịch sử trường tồn/ Cháu con phải biết ngọn nguồn ông cha.." Tôi bắt đầu bằng việc hỏi các cụ cao tuổi về gốc tích, truyền thuyết về làng", ông Ngọc nhớ lại.

Ngày ngày, ông Ngọc lần mò từng mẩu chuyện nhỏ nhất về Kim Long. Mỗi lần nghe được một tích mới, ông lại mừng như bắt được vàng, cứ tủm tỉm cười suốt cả ngày.

Những người giữ sử tháng Tám: Từ cái xoa đầu của Bác Hồ đến người chép sử đặc biệt ở Tân Trào (bài 3)  - Ảnh 8.

Một vài tác phẩm của người giữ sử Hoàng Ngọc. Ảnh: Gia Khiêm

Ròng rã suốt 4 năm trời, người Tân Trào quen dần với hình ảnh người cựu chiến binh bất kể nắng mưa, gõ cửa từng nhà, "ngồi lì đến nhạt ấm trà" chỉ để nghe các cụ già kể chuyện. Ông tỉ mẩn ghi chép tất cả vào một cuốn sổ vốn là tập giấy kẻ ô ly được đóng dày cộp, bọc bìa đỏ, trong đó trang đầu tiên luôn trang trọng dán ảnh Bác Hồ.

Kết quả của hành trình kỳ lạ ấy chính là tập bản thảo chép tay có tên Lịch sử làng Kim Long ra đời, trong đó hệ thống khá đầy đủ, chi tiết về bối cảnh ra đời, phong tục tập quán, lịch sử cách mạng… thậm chí cả sơ đồ làng với từng nóc nhà, con đường, bụi cây lớn… do chính tay ông Ngọc vẽ lại.

Những người giữ sử tháng Tám: Từ cái xoa đầu của Bác Hồ đến người chép sử đặc biệt ở Tân Trào (bài 3)  - Ảnh 9.

Lúc rảnh rỗi ông Ngọc tranh thủ đan lát các vật dụng trong gia đình. Ảnh: Gia Khiêm

Chỉ vào tấm bản đồ đặc biệt có ghi chú: Làng Kim Long tháng 8/1945, ông Ngọc giải thích: Sở dĩ gọi là Kim Long vì làng nằm trong một thung lũng nhỏ, bốn bề có núi rừng bao bọc. Phía bắc là núi Khau Hắp, Khau Tam; phía đông là núi Nà Lừa; phía tây nam có núi Au Rừm, Nản Đeng… Các thôn, bản nằm dọc theo dòng sông Phó Đáy, giống một con rồng đang cuộn mình. Vì thế, các cụ từ xa xưa đặt tên làng là Kim Long – tiếng Tày là Kim Lôông.

Tới thời vua Gia Long, để tránh phạm húy, tên làng được đọc lái thành Kim Lung trước khi được Bác Hồ đổi lại thành Tân Lập – với mong muốn bà con các dân tộc nơi đây có một cuộc sống mới với nền độc lập, tự do vào mùa thu năm 1945 lịch sử.

Những người giữ sử tháng Tám: Từ cái xoa đầu của Bác Hồ đến người chép sử đặc biệt ở Tân Trào (bài 3)  - Ảnh 10.

Những người giữ sử tháng Tám: Từ cái xoa đầu của Bác Hồ đến người chép sử đặc biệt ở Tân Trào (bài 3)  - Ảnh 11.

Du khách lên thăm lán Nà Lừa - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945, để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Ảnh: Gia Khiêm

Riêng giai đoạn lịch sử từ sau năm 1945, ông Ngọc viết dựa trên trí nhớ của mình, kết hợp đối chiếu, kiểm chứng lại từ các nhân chứng lịch sử cũng như các tài liệu khoa học đã được công bố nhằm bảo đảm tính chính xác cao nhất.

Sau khi hoàn thành cuốn Lịch sử làng Kim Long, ông Ngọc lại tiếp tục ghi lại lịch sử dòng họ Hoàng, "chép" riêng những phong tục, tập quán, câu hát, câu ví quê hương thành cuốn "Kho báu". Ngoài ra, gia sản của ông còn có 2 tập thơ ông tự sáng tác trong những ngày rong ruổi làm sử gia… không chuyên.

Cho tới nay mỗi lần lật giở từng trang giấy đã ngã màu theo thời gian, ông Ngọc cười móm mém bảo: "Ở tuổi này rồi, tôi không nghĩ sẽ làm gì cho riêng mình mà muốn con cháu biết về lịch sử dòng họ, quê hương và vùng đất của mình. 

Đây có lẽ cũng là kho báu quý giá nhất tôi muốn gửi tới mai sau… Ở đó là vùng đất yên bình, từng là Thủ đô Khu giải phóng, Trung tâm Thủ đô Kháng chiến trong cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 và trong cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ nhưng rất anh dũng của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược".

(Hết)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem