Những người hùng nơi biên ải: Máu người lính vẫn đổ

Thứ năm, ngày 22/12/2011 17:18 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Để bảo vệ, giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ, không ít những người lính biên phòng ở xã vùng cao A Mú Sung đã phải nằm xuống mãi mãi nơi mảnh đất biên cương này.
Bình luận 0

Liệt sĩ giữa thời bình

Khi chúng tôi vượt qua chặng đường tuần biên cao nhất Đông Dương để đến với vùng cực bắc Y Tý của tỉnh Lào Cai, các cán bộ Đồn Biên phòng 273 đã đưa chúng tôi đến thăm cửa khẩu Thiên Sinh - nơi có một hiện tượng tự nhiên kỳ lạ mà tới nay vẫn chưa có lời giải đáp.

img
Các chiến sĩ Đồn Biên phòng A Mú Sung dẫn giải đối tượng vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy.

Tại cột mốc số 87 phân chia ranh giới Việt Nam và Trung Quốc, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng khi được chứng kiến một kẽ nứt rộng chừng 1m xẻ dọc cả trái núi hùng vĩ phân ra ranh giới giữa hai nước. Đứng trên cầu Thiên Sinh nhìn xuống kẽ núi này, ai cũng phải dựng tóc gáy vì độ sâu hun hút của nó.

Phía bên nước bạn Trung Quốc đã kỳ công xây hẳn hơn 400 bậc thang có tay vịn vững vàng để đưa khách du lịch xuống tận dưới dòng suối chảy xiết bên dưới tham quan, chụp ảnh. Cũng vì không biết vì sao quả núi này lại bị phân chia ra như vậy nên hàng trăm năm qua, người ta vẫn gọi nơi này ngắn gọn với hai chữ Thiên sinh nghĩa là Trời sinh ra.

Điều lạ kỳ nữa là có lẽ cũng bởi trời đã phân định như vậy nên tất cả các cuộc ngoại xâm từ phía Bắc đều bỏ qua Y Tý, bỏ qua cửa khẩu Thiên Sinh mà vòng xuống tận A Mú Sung với đường đi khó khăn và dài hơn gấp nhiều lần.

Chính vì thế mà trong công cuộc bảo vệ vùng biên cương của Tổ quốc, Đồn Biên phòng A Mú Sung đã phải chịu thiệt hại nặng nề với gần 30 cán bộ, chiến sĩ hy sinh.

Gần đây nhất, vào tháng 2.2011, trung úy Trần Văn Duẩn phát hiện tàu cá lạ vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam tại bãi sông thôn Tùng Sáng. Cùng với 2 cán bộ biên phòng và 5 dân quân xã, Duẩn lội ra sông xua đuổi tàu lạ thì bất ngờ bị nước lớn cuốn trôi. Khi hy sinh, anh mới vừa tròn 30 tuổi.

Châm nén hương cắm lên khu tưởng niệm của đồn, đại úy Lương Khắc Của - Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng 267 - trầm lắng: "Đồng chí Duẩn là người tận Hải Hậu, Nam Định, lên đây công tác theo nhiệm vụ được giao. Duẩn mới lấy vợ là cô giáo cắm bản ở cùng địa bàn và có một con nhỏ chưa đầy 1 tuổi. Sau khi Duẩn hy sinh, lãnh đạo chính quyền các cấp đã tạo điều kiện cho vợ Duẩn chuyển về dạy ở một trường gần thị trấn hơn cho nguôi ngoai nỗi đau mất chồng. Ngôi nhà nhỏ lợp tre nứa đơn sơ của đôi vợ chồng trẻ giờ bỏ hoang vắng lạnh.

Hiện Bộ Tư lệnh Biên phòng đã phong vượt cấp quân hàm đại úy cho đồng chí Trần Văn Duẩn. Đồn chúng tôi cũng đang làm đề nghị Nhà nước truy tặng Huân chương Chiến công hạng Ba và công nhận danh hiệu liệt sĩ cho đồng chí Duẩn".

Không rời xa trận tuyến

Ngoài sự hy sinh lớn lao trên, trong cuộc chiến đấu hàng ngày với tội phạm, những người lính biên phòng cũng thường xuyên phải chống lại những cám dỗ, mua chuộc bằng tiền và những tài sản giá trị khác của chúng.

Ngày 22.11.2011 vừa qua, đối tượng Lý Có Mờ, dân tộc Hà Nhì, sinh năm 1979 tại thôn A Lù 1, xã A Lù, huyện Bát Xát đã bị các chiến sĩ của Đồn 267 bắt quả tang khi đang bơi qua thượng nguồn sông Hồng, mang theo một gói bột trắng nghi là ma túy.

Khai thác tại chỗ, đối tượng Mờ khai nhận vừa sang Trung Quốc mua heroin mang về để sử dụng và xé lẻ bán cho các con nghiện. Thấy tội nặng, Lý Có Mờ đã xin thiếu tá Hà Chí Thiện - Phó Đồn trưởng tha cho và hứa sẽ cảm ơn bằng 30 triệu đồng tiền mặt hoặc 2 con trâu. Thiếu tá Thiện và các chiến sĩ biên phòng đã kiên quyết bắt giữ, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và chuyển Mờ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bát Xát xử lý.

Không ít những người vợ thương chồng đã lặn lội xuống tận Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh để xin cho chồng được chuyển công tác. Thế nhưng chẳng ai trong những người lính ấy chịu rời xa trận tuyến của mình, kể cả ngày mai họ có thể hy sinh.

Trao đổi với chúng tôi, thiếu tá Thiện cho biết, hiện ở Bát Xát có một số tụ điểm phức tạp về ma túy như thôn Cửa Suối, Ngám Xá, Ma Cò, Nậm Chạc, Tùng Sáng… Trong năm 2011, Đồn 267 đã bắt 4 vụ với 4 đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy từ Trung Quốc về Việt Nam.

Ngoài việc mua chuộc các chiến sĩ biên phòng bằng tiền bạc và tài sản có giá trị ra, nhiều đối tượng manh động trên địa bàn đã không ngại ngần sử dụng các chiêu bài đe dọa qua điện thoại, đe dọa gia đình người thân các cán bộ biên phòng để hòng giải cứu đồng bọn hoặc chống đối lực lượng chức năng.

Đồng chí Đoàn Kim Vũ - cán bộ Đội phòng chống tội phạm ma túy ở Đồn Pha Long đã từng bị các đối tượng tội phạm mang mìn đến tận nhà dọa nổ và đánh đập người thân trong gia đình. Trước tình hình đó, đồng chí Vũ đã phải chuyển công tác và đưa cả gia đình chuyển về Đồn Mường Khương để đảm bảo an toàn.

Cũng vì nhiệm vụ ở vùng biên cương luôn có nhiều hiểm nguy như vậy nên không ít những người vợ thương chồng đã lặn lội xuống tận Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh để xin cho chồng được chuyển công tác. Thế nhưng chẳng ai trong những người lính ấy chịu rời xa trận tuyến của mình, kể cả ngày mai họ có thể hy sinh. Bởi lẽ máu của đồng đội họ đã thấm vào từng mạch đá, tiếng gọi gìn giữ non sông vẫn âm vang khắp núi rừng và họ phải thức cùng cây súng để vùng biên cương nơi cực Bắc này luôn được đón những mùa xuân ấm áp, yên vui.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem