Những người không đầu hàng số phận

Nguyễn Giang Thứ bảy, ngày 22/11/2014 06:10 AM (GMT+7)
Cùng nhóm từ thiện pleikucafe.com đến làng Bluk Blui, xã Ia Ka, huyện Chư Pah (Gia Lai), chúng tôi đặc biệt chú ý đến những người bị bệnh phong. Có người bị bạc màu da, rụng lông mày; người bị nổi từng cục u lớn nhưng ánh mắt của họ vẫn ánh lên một niềm lạc quan như thể những người lành lặn… Anh Rơ Châm Ruen (34 tuổi), là người thuộc thế hệ sau nhưng anh rất hiểu về làng mình. 
Bình luận 0

Anh kể: Làng Bluk Blui được hình thành từ năm 1963 chỉ với trên 10 hộ bị bệnh phong từ nhiều vùng ở Gia Lai và Kon Tum tụ về. Không phân biệt mình là người Ba Na, Jrai hay Sê Đăng, họ nương tựa vào nhau để tồn tại...

imgNhững người bị bệnh phong không ai chịu đầu hàng số phận, ngày ngày họ vẫn hăng say lao động.   pleikucafe.com

 

Vài năm sau, Bluk Blui đón thêm nhiều gia đình bị bệnh phong và cả không bị bệnh phong về cùng sinh sống. Hiện làng có 142 hộ thì 37 hộ có người bị bệnh phong. Nhờ sự tuyên truyền tích cực của chính quyền, trong làng từ lâu đã không còn sự kỳ thị, xa lánh đối với những người bị bệnh. Dân làng đoàn kết giúp nhau làm ăn. Những người bị bệnh nhẹ còn được thuê làm các công việc nhẹ như bỏ hom mì, cấy lúa, vặt chồi cà phê, thu hoạch bời lời… Nhờ đó mà cái đói đã được dân làng xóa bỏ từ lâu. Năm 2013, làng có 78 hộ nghèo, đến nay đã giảm được 10 hộ…

Đến thăm những người bị bệnh phong nặng sống neo đơn trong khu tập thể của làng, càng khâm phục những con người không chịu đầu hàng số phận. Ông Rơ Châm Kơmlo (46 tuổi), bị câm điếc và mất hết 10 ngón chân; bàn tay trái mất 2 ngón cuối nhưng vẫn là một tay đan gùi có tiếng. Gùi ông đan rất đẹp và bền nên nhiều người trong và ngoài làng đến tìm mua. Đan lát là công việc mang lại niềm vui và thu nhập nên ông rất chăm chỉ. Ông sống một mình trong căn phòng nhỏ nhưng gọn gàng, có ti vi, có nồi cơm điện và cả quạt điện…

Ông A Dai, người dân tộc Sê Đăng may mắn hơn là có một gia đình trọn vẹn. Tuy hai vợ chồng đều bị bệnh phong, mất hết bàn chân nhưng các con ông đứa nào cũng lành lặn, khỏe mạnh. Hàng ngày, ngoài việc đi làm thuê vì còn đôi tay lành lặn, ông cùng vợ vót tre đan gùi rồi mang ra chợ bán. Khi tôi ghé thăm nhà, ông vui vẻ khoe những chiếc gùi vừa hoàn thành và nói: “Dù Đảng, Nhà nước quan tâm; những người tốt bụng thường đến tặng gạo, mắm nhưng dân làng mình không ai muốn ngồi một chỗ trông chờ. Đặc biệt là những người bị bệnh phong như vợ chồng mình. Ai còn sức, còn làm được việc gì thì còn gắng đỡ đần con cháu”.

Rời làng Bluk Blui khi mặt trời chưa đứng bóng, tôi vẫn nhớ mãi nụ cười rạng rỡ của những A Dai, Rơ Châm Kơmlo… và người dân làng phong luôn tin yêu cuộc sống…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem