Ngàn người lấy mộtGiữa tháng 9.2013, khi có cơ hội được Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam mời tới thăm và tìm hiểu về Đoàn 5 Đặc công nước (Binh chủng Đặc công), chúng tôi mới biết ở các vùng biển, đảo của nước nhà luôn có các chiến sĩ người nhái ngày đêm ẩn mình trong nước quan sát bảo vệ Tổ quốc.
Mỗi ngày người nhái bơi huấn luyện hàng chục km.
Sáng sớm tinh mơ, thao trường huấn luyện của Đoàn 5 ở vịnh Phan Rang (Ninh Thuận) đã rộn ràng những tiếng xé nước soạt soạt. Theo thượng tá Hoàng Văn Kiên (Phó Chính ủy Đoàn 5), sức khỏe của đặc công nước ít nhất phải ngang ngửa với phi công chứ chưa nói là phải hơn. Để đạt chuẩn, ngoài tiêu chí như sức khỏe tốt, các chiến sĩ sẽ được kiểm tra sức khỏe tiền đình bằng việc dang 2 tay 2 chân cột vào một khung hình tròn rồi xoay vòng tròn 3 lần trong vòng 3 phút. Với bài thử vòng quay thì hàng ngàn ứng viên thử chỉ có chưa đến 10 người là vượt qua.
Từ con số ban đầu tuyển vào đặc công nước, đoàn tiếp tục chọn 2 đến 3 chiến sĩ vào đội đặc công người nhái. Khi vào đây, các chiến sĩ sẽ được huấn luyện tất cả kỹ thuật của đặc công nước, biệt đội chống khủng bố, ngụy trang dưới nước, tránh các thiết bị dò tìm người nhái… và có thể sử dụng tất cả các loại vũ khí hiện đại nhất bởi nhiệm vụ người nhái đặc biệt vì tính bí mật tối cao.
Thiếu tá Nguyễn Văn Điền- Tổ trưởng tổ người nhái (40 tuổi, quê huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) - người có 22 năm trong đội đặc công nước chia sẻ, để hoàn thiện quá trình huấn luyện, các chiến sĩ phải trải qua thời gian rất khốc liệt bằng việc “ép nhái”. Các chiến sĩ sẽ được đưa vào một buồng ép nhái được vận hành tăng, giảm áp suất tạo nên khí nén cực lớn sẽ tác động lên toàn bộ cơ thể. Ở trong đó, các chiến sĩ sẽ có cảm giác rất khó thở, lồng ngực như muốn nổ tung, rất đáng sợ.
Tuy nhiên, các chiến sĩ người nhái bắt buộc phải qua bài huấn luyện này bởi khi làm nhiệm vụ họ phải một mình lặn sâu hàng chục mét dưới nước. Nếu để xảy ra sơ suất thì chỉ có hy sinh tính mạng chứ không có bị thương- anh Điền nói.
Gặp trung úy Hoàng Nghĩa Sỹ (quê Nghĩa Đàn, Nghệ An)-Mũi trưởng đội 3, Đội người nhái, khi toàn thân Sỹ da bị tróc đỏ rực. Sỹ cho biết, cách đây hơn 1 tuần, đơn vị tổ chức diễn tập đánh chiếm đảo. Anh em lặn mấy chục km, rồi bất ngờ đột nhập lên đảo, đào hố giấu mình trong cát từ 5 giờ sáng hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau giữa cái nắng 38 độ. Tất cả đều bí mật tuyệt đối để hoàn thành nhiệm vụ đến nỗi người dân đi đánh bắt cá giẫm lên người cũng không phát hiện ra. Nằm trong cát nóng cả ngày, da bị nấu chín bong tróc cộng với cát biển mặn chát chà xát vào thân thể anh em đau thấu xương, nhưng vẫn phải chịu đựng.
Còn thượng úy Nguyễn Văn Triển - Tổ trưởng tổ người nhái cho biết: Anh em người nhái không sợ địch, chỉ ngại nhất bị sứa lửa bám vào và cắn. Vết cắn sẽ rất đau đớn nếu không có thuốc bôi ngay rất dễ bị thối thịt. Người nhái thường tác chiến độc lập giữa biển khơi nên việc cấp cứu kịp thời là rất khó.
Quên mình bảo vệ Trường SaMới đây khi diễn tập cùng Hải quân Vùng 4 bảo vệ Trường Sa, đơn vị được giao nhiệm vụ ngay trong đêm phải đột nhập được lên đảo. Hôm đó anh em đặc công nước bơi liên tục hàng chục km, ngâm mình trong nước cả ngày nhằm thám thính để đổ bộ lên bờ. Với khả năng xuất quỷ nhập thần, trong đêm đã có 6 người nhái đột nhập lên đảo, được chỉ huy Bộ Quốc phòng khen thưởng đặc biệt. Tuy nhiên, theo thượng tá Hoàng Văn Kiên, do tác chiến ở vùng biển lạ chưa thích nghi với địa hình cũng như các sinh vật biển mới nên anh em gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể: Khi lặn dưới độ sâu 10m ở địa hình lạ, người nhái rất dễ bị đâm hoặc bị vướng các thiết bị lặn vào các rạn san hô. Khi đó, nếu không có bản lĩnh xử lý, người nhái sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm. Đơn giản nhất, nếu bị đứt tay chảy máu, cá mập sẽ ngửi được mùi tanh và tìm tới. Nhưng điều đáng ngại nhất với người nhái chính là sự thay đổi đột ngột về áp suất và nhiệt độ nước ở vùng biển lạ. Vì khi gặp, trường hợp này huyết áp của người nhái sẽ rất bất thường, việc lưu thông máu trong cơ thể sẽ bị rối loạn và dẫn đến tử vong. “Mặc dù để vào được đội người nhái, các chiến sĩ đã trải qua nhiều bước huấn luyện khắc nghiệt nhưng trong huấn luyện cũng như chiến đấu, người nhái không biết sẽ hy sinh lúc nào”-thượng tá Hoàng Văn Kiên nói.
Theo thượng úy Nguyễn Văn Triển, do thường xuyên phải chịu áp suất nên anh em người nhái thường mắc bệnh xoang, bệnh giảm áp. Ngoài ra, anh em trong đội người nhái khi lập gia đình thường có con muộn hơn các đồng đội khác ít nhất là 3-4 năm.
|
Thượng tá Kiên rơm rớm nước mắt khi nhắc đến trung úy Lê Văn Cu- Tổ trưởng tổ người nhái Đoàn 5 (sinh năm 1984, quê huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). Trong khi huấn luyện kỹ thuật tổng hợp đặc công người nhái phục vụ diễn tập mang mật danh BV12 do Binh chủng Đặc công tổ chức, trung úy Lê Văn Cu thực hiện nhiệm vụ lặn sâu nhiều giờ liền trong thời tiết giá lạnh. Hoàn thành nhiệm vụ, anh ngoi lên mặt nước rồi bất ngờ ngất lịm và hy sinh sau đó.
Trung úy Lê Văn Cu được Thủ tướng Chính phủ quyết định cộng nhận là liệt sĩ vào ngày 24.6.2013. Lúc anh hy sinh, con trai mới 2 tuổi. “Khi lặn sâu dưới biển nỗi sợ hãi ban đầu ai cũng có. Sự hiểm nguy luôn rình rập nhưng lựa chọn con đường thể hiện tình yêu đất nước không chỉ mình tôi mà tất cả anh em trong đội người nhái đều yên tâm công tác huấn luyện và sẵn sàng khi Tổ quốc cần”- thượng úy Nguyễn Văn Triển khẳng định.
Đình Thiên (Đình Thiên)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.