Những người thợ mỏ đi tìm nguồn vàng đen cho Tổ Quốc

P.V Thứ tư, ngày 04/09/2019 14:55 PM (GMT+7)
“Người thợ mỏ chúng tôi ngày nay đã không còn nhiều vất vả như xưa, được chăm lo chu đáo về đời sống, việc làm, sinh hoạt một cách đầy đủ, được đi thăm quan học tập trong và ngoài nước; thu nhập ngày một tăng cao, chế độ chính sách được quan tâm kịp thời”...
Bình luận 0

Người thợ mỏ nói về nghề mỏ

Gắn bó với nghề mỏ từ những ngày đầu Công ty Than Quang Hanh mới thành lập anh Phạm Văn Chiều (thợ lò bậc 6/6 Phân xưởng KT2) đã coi nơi này chính là gia đình thứ hai của mình. Đất mỏ Quảng Ninh là nơi chứa đầy những kỷ niệm với ngành than và đồng nghiệp của anh, gắn liền với mỗi tấn than ra lò. Quê anh Chiều ở Hải Dương. Trước khi đến với nghề mỏ, vì cuộc sống mưu sinh, anh lặn lội vào Nam làm nương rẫy cà phê. Nhưng rồi mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió cũng không khiến anh yên tâm bám trụ, anh trở về quê cùng bạn bè ra đất mỏ mưu sinh. Rồi cái duyên với nghề mỏ được bắt đầu từ đấy, anh được đi học nghề công nhân khai thác mỏ. Trải qua 14 năm gắn bó với nghề, giờ đây anh Chiều đã là thợ lò bậc 6/6.

img

Thợ mỏ Phạm Văn Chiều được nhận Bằng khen của Bộ Công Thương.

Anh Chiều chia sẻ, anh đã từng là bộ đội, môi trường quân đội đã rèn cho anh tính kỷ luật, đoàn kết và kiên trì. Ở môi trường thợ mỏ ngành than, anh càng phát huy được những kinh nghiệm đã có trong quân ngũ, cùng đồng nghiệp vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiêm vụ được giao.

Với sự cố gắng quyết tâm của bản thân, bằng những thành tích trong lao động sản xuất, anh Chiều đã nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương, hai lần nhận bằng khen của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và nhiều phần thưởng của các cấp, các ngành trao tặng.

Người con “đất nhãn” yêu nghề mỏ

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh Bùi Xuân Thoảng (quê Hưng Yên) đã “đắm” mình trong những giấc mơ về người thợ mỏ. Anh tạm biệt quê hương đến vùng đất mỏ, may mắn được làm công nhân khai mỏ ở Công ty Than Quang Hanh, người thanh niên này chẳng màng đến những nhọc nhằn, gian khó, anh vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Anh Thoảng tâm sự: “Nhớ ngày bắt đầu công việc mới, có rất nhiều bỡ ngỡ, trong đầu tôi đã nghĩ đến tìm việc khác, nhưng rồi nhờ sự động viên của anh em, ngẫm về cảnh quê nhà còn khó khăn, cùng với đó là ngọn lửa yêu nghề nên tôi quyết định ở lại gắn bó với than Quang Hanh cho đến bây giờ”.

img

Công nhân lò chợ cơ giới hóa Phân xưởng khai thác 2 làm chủ công nghệ khai thác than hiện đại.

Đã 15 năm vào ra hầm lò, chặng đường dài đã biến anh từ một con người nhút nhát trở nên can đảm hơn. Những gian khó biến mất, đọng lại là một tình yêu thực sự dành cho nghề khai thác mỏ. "Mỗi lần nhìn dòng than chẩy, chúng tôi cảm thấy tự hào và sung sướng như “quê mình” được mùa bội thu.

Rồi thu nhập của công nhân mỏ ngày càng tăng cao, thấp nhất cũng 15 triệu đồng/tháng, vào dịp cuối năm mùa khô có tháng đến 20-25 triệu, mức thu nhập như vậy cũng lo được cho vợ con khá giả, chính điều này cũng một phần giúp chúng tôi gắn bó với nghề hơn” - anh Thoảng chia sẻ.

“Chắc có lẽ gia đình mỏ, anh em ở mỏ đã lôi cuốn, tạo động lực để tôi bám rễ với “nghiệp” này. Ai cũng từng có những phút bỡ ngỡ khi làm những công việc mới, ai cũng có phút giây nặng lòng khi nghĩ về quê hương, chính những người đồng nghiệp đã kề vai sát cánh trong hầm lò đã động viên khích lệ chúng tôi gắn bó với nơi đây!” - Anh Thoảng cười nói.

Cống hiến đi tìm nguồn vàng đen cho Tổ quốc

img

Thợ mỏ vào ca.

Để cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, chăm lo tốt đến đời sống công nhân, trong những năm qua Công ty Than Quang Hanh đã luôn đổi mới công nghệ khai thác, đào lò; đầu tư đưa giàn chống tự hành, máy khấu than, máy đào lò Com bai, giá chống di động, giàn chống mền, hệ thống vận tải liên tục, tàu điện vào sản xuất. Làm theo lời dạy của Bác Hồ “sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc”, mỗi công nhân than Quang Hanh đang ngày đêm cố gắng lập nhiều chiến công trên mặt trận sản xuất đầy gian nan, nhưng cũng đầy tự hào này.  

Những nụ cười phấn khởi mỗi giờ vào, tan ca, những dòng than đen tuôn chảy không ngừng, những mệt mỏi được hòa quyện vào tiếng cười giòn giã cùng với lời ca, tiếng hát đầy khí thế hào hùng: “Khi chúng tôi vào lò, ánh bình minh rạng rỡ… Khi chúng tôi vào lò, thấy ngày mai gần lại… Khi chúng tôi vào lò, thấy càng yêu cuộc sống…”.   

Bản hùng ca người thợ mỏ như thêm động viên, thêm khích lệ những người thợ mỏ ngày đêm hăng say lao động, phát huy truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” sản xuất nhiều than cho Tổ quốc.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem