Những người từ Campuchia muốn về Việt Nam đều được khuyến cáo 'nóng'

Thứ ba, ngày 20/04/2021 11:24 AM (GMT+7)
Trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp tại Campuchia, quy mô Bệnh viện dã chiến Hà Tiên sẽ được thay đổi từ 200 lên 300-500 giường.
Bình luận 0

Trao đổi với Zing sau buổi làm việc với đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho biết Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và các cơ quan chuyên môn đã đề nghị tỉnh nâng quy mô bệnh viện dã chiến. Vấn đề này đã được lãnh đạo địa phương đồng thuận và nhanh chóng triển khai.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp tại Campuchia. Trong khi đó, Kiên Giang là tỉnh có đường biên giới trên biển và trên bộ dài với đất nước này.

“Trung tâm Y tế TP Hà Tiên đang điều trị cho 18 bệnh nhân Covid-19 và điều trị khỏi bệnh 19 người. Họ đều trở về từ Campuchia qua cửa khẩu Hà Tiên, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thông tin.

Trước đó, địa phương này đã lập đề án bệnh viện dã chiến quy mô 200 giường. Bệnh viện được trưng dụng cơ sở vật chất của Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Mỹ Đức, TP Hà Tiên.

Những người từ Campuchia muốn về Việt Nam đều được khuyến cáo 'nóng' - Ảnh 1.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long (thứ 3 từ trái qua) kiểm tra cơ sở vật chất của Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Mỹ Đức, TP Hà Tiên. Ảnh: Phương Vũ.

Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ Kiên Giang lập đề án mới

Trưa 19/4, ngay sau khi có mặt tại Kiên Giang, 13 bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy đã làm việc với ban chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh để hỗ trợ điều chỉnh đề án bệnh viện dã chiến.

Bác sĩ chuyên khoa II Hà Văn Phúc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, cho biết họ đã nhận được nhiều góp ý của các chuyên gia về việc xây dựng bệnh viện dã chiến và phòng chăm sóc đặc biệt ICU.

“Các bác sĩ khảo sát điều kiện cơ sở vật chất của Kiên Giang để lên kế hoạch cần chuẩn bị gì. Sáng 20/4, đoàn sẽ đi Hà Tiên 2 ngày, sau đó quay về TP Rạch Giá làm việc với UBND tỉnh để thống nhất các việc phải làm”, ông Nguyễn Lưu Trung nói.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang, kinh phí bệnh viện dã chiến theo quy mô cũ khoảng 185 tỷ đồng. Số tiền này không phải vốn đầu tư mới mà được xem là tổng dự toán cho bệnh viện 200 giường. Trong đó, máy móc, thiết bị, vật tư, sinh phẩm… được huy động từ các cơ sở y tế công lập.

“Tổng dự toán 185 tỷ đồng là bao gồm các thiết bị, thuốc men, vật tư, sinh phẩm từ cơ sở y tế khác huy động về bệnh viện dã chiến. Số tiền chi thật sự khoảng 10-20 tỷ để mua sắm các máy móc bắt buộc. Khi thành lập đề án mới, chắc chắn dự toán này sẽ nâng lên”, ông Trung giải thích.

Ông tin tưởng với tính chuyên nghiệp của đội phản ứng nhanh đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy, đề án mới sẽ sớm được xây dựng để trình Chính phủ xem xét.

Không để dịch Covid-19 lây nhiễm ra cộng đồng

Theo lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, hiện tại, những người từ Campuchia muốn về Việt Nam đều được khuyến cáo, vận động đi theo đường chính ngạch để được cách ly, theo dõi sức khỏe.

Trong quá trình cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, người mắc bệnh sẽ được điều trị, khỏi bệnh mới được về nhà. Điều này nhằm đảm bảo an toàn cho cộng đồng và chính người trở về từ vùng dịch.

Những người từ Campuchia muốn về Việt Nam đều được khuyến cáo 'nóng' - Ảnh 2.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long hỏi thăm lực lượng vũ trang làm việc trên tuyến biên giới giáp Campuchia. Ảnh: Phạm Ngôn.

Ông Lê Quốc Anh, Bí thư, Chủ tịch UBND TP Hà Tiên, cho biết địa phương này có 5 khu cách ly tập trung, khả năng tiếp nhận cách ly 720 người. Số người đang có mặt tại các khu cách ly và điều trị tại Hà Tiên là 161 người.

Các đơn vị chức năng của thành phố đang phối hợp thực hiện nhiều giải pháp để kiểm soát tình trạng buôn lậu và người trở về từ Campuchia qua đường mòn, lối mở.

Những đơn vị ở tuyến đầu bố trí 48 chốt trực, 4 đội cơ động, 3 phương tiện tuần tra trên biển với gần 330 chiến sĩ tham gia. TP Hà Tiên cũng có 8 chốt dân quân kết hợp liên ngành ở tuyến sau vành đai biên giới thuộc phường Mỹ Đức, Đông Hồ, Pháo Đài, Tiên Hải và xã Thuận Yên.

Trước tình hình dịch phức tạp tại Campuchia, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh Kiên Giang phải chuẩn bị các kịch bản cho những tình huống xấu, phức tạp hơn.

Đồng thời, địa phương này cần tiếp tục tăng cường công tác chốt chặn trên tuyến biên giới đường biển và đường bộ, huy động tối đa các lực lượng thực hiện công tác phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, ông Long cho rằng việc tăng cường xét nghiệm Covid-19 tại chỗ là biện pháp chống dịch quan trọng. Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu Viện Pasteur TP.HCM thiết lập phòng xét nghiệm Covid 19 để có thể khẳng định kết quả và nâng công suất xét nghiệm tại Hà Tiên.

“Viện Pasteur đang tiến hành hỗ trợ cho Kiên Giang nâng cao năng lực xét nghiệm Covid-19 tại Hà Tiên. Cụ thể là khẩn trương trang bị máy và sinh phẩm để xét nghiệm”, ông Nguyễn Lưu Trung nói.

Sau khi nhận được sự chi viện từ các chuyên gia của TP.HCM, Bộ Y tế lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu lớn nhất là không để ca lây nhiễm ra cộng đồng.

Theo Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, số người mắc Covid-19 tại Campuchia trong những ngày gần đây có xu hướng gia tăng bất chấp hàng loạt các biện pháp phòng chống dịch bệnh quyết liệt của chính quyền.

Chiều 19/4, Bộ Y tế Campuchia thông báo phát hiện thêm 624 ca bệnh mới dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó tất cả đều là các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Chính quyền Phnom Penh đã quyết định đóng cửa thêm một loạt chợ dân sinh tại thủ đô sau khi phát hiện nhiều ca bệnh mới liên quan đến các chợ này.

Như vậy, đến nay, hàng chục chợ cung cấp thực phẩm lớn, gồm chợ đầu mối tại Phnom Penh bị buộc phải đóng cửa. Điều này khiến việc tiếp cận nhu yếu phẩm của người dân trở nên khó khăn hơn trong điều kiện thành phố đang bị phong tỏa hoàn toàn.

Chính phủ Campuchia đã phải mở kho dự trữ lương thực quốc gia để bình ổn giá và đảm bảo cung ứng đủ lương thực cho người dân vùng dịch.

Bên cạnh đó, Ủy ban Quốc gia quản lý và thực thi lệnh phong tỏa Campuchia cũng đã phải triển khai một ứng dụng trực tuyến để các hộ dân bị thiếu đói đăng ký được nhận hỗ trợ lương thực trong những ngày tới.

13 nhân viên của Bệnh viện Chợ Rẫy chi viện Kiên Giang gồm bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu (trưởng đoàn).

Hai bác sĩ phó đoàn là tiến sĩ Phùng Mạnh Thắng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn và thạc sĩ Võ Ngọc Anh Thơ, Phó khoa Bệnh Nhiệt đới.

10 thành viên còn lại đến từ nhiều khoa, phòng khác nhau như Hồi sức cấp cứu, Cấp cứu, Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh Nhiệt đới, Thận nhân tạo, Sinh hóa, Vi sinh...

Việt Tường (zing.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem