Honda CR-V vốn là dòng xe được khách hàng Việt khá ưa chuộng từ những thế hệ trước đây. Đặc biệt, Honda CR-V còn hút khách hơn kể từ khi bước sang thế hệ thứ 5 được giới thiệu tại nước ta vào năm 2017.
Mới nhất, hãng xe Nhật Bản đã bổ sung phiên bản nâng cấp dành cho Honda CR-V và chuyển từ nhập khẩu Thái Lan sang lắp ráp trong nước.
Mặc dù đã có nhiều thay đổi, nhưng người dùng vẫn chỉ ra nhiều nhược điểm của Honda CR-V trong quá trình sử dụng, đó là gì?
Công nghệ Honda CR-V chưa tối ưu
Honda Sensing là gói công nghệ an toàn cao cấp mà CR-V nâng cấp đã được bổ sung. Mặc dù sở hữu nhiều tính năng cao cấp, nhưng gói công nghệ hỗ trợ lái xe này hoạt động vẫn chưa thực sự trơn tru khiến người dùng gặp phải phiền toái trong quá trình sử dụng.
Theo đó, anh N.V.P (Hà Nội) cho biết, hiện tại đang sử dụng chiếc Honda CR-V G mua từ cuối năm 2020. Chiếc Honda CR-V của anh có hiện tượng cảm biến nhận diện quá nhạy khiến nhiều tình huống gây giật mình.
Cụ thể, khi đi quá nắp cống hoặc đoạn đường gồ ghề nhô trên mặt đường khoảng 4-5 cm, Honda CR-V đã nhận diện và tự động phanh trong khi người lái xác định có thể vượt qua dễ dàng.
Tính năng hỗ trợ phanh của Honda CR-V rất hữu ích trong quá trình vận hành, tuy nhiên hoạt động quá nhạy khiến người lái sẽ giật mình khi xe phanh gấp và rơi vào trạng thái bị động.
Ngoài ra, tính năng hỗ trợ cảnh báo lệch làn đường của CR-V chỉ phát ra cảnh báo khi xe chạy tốc độ trên 72km/h cũng là điểm hạn chế. Trong khi đó, các dòng xe đều cảnh báo lệch làn đường khi xe chạy ở tốc độ thấp.
Honda CR-V cách âm kém
Từ thế hệ trước, Honda CR-V vẫn được biết đến với khả năng cách âm kém nhất phân khúc Crossover dù giá bán cao hơn so với các đối thủ. Đặc biệt, khi chạy cao tốc với tốc độ khoảng trên 60km/h, tiếng ồn từ môi trường, lốp xe dội vào khoang lái khiến người dùng dễ dàng cảm nhận và gây ra sự khó chịu.
Nhiều người dùng đồng quan điểm trên và bổ sung thêm tiếng động cơ cũng khá rõ rệt mỗi khi tăng tốc. Động cơ Turbo nên khi tăng tốc có tiếng "gào" lớn, cộng với đó là hộp số vô cấp CVT vốn nổi danh là ồn ào từ trước đến nay.
Không gian chật
Khi so sánh trực tiếp với đối thủ Mazda CX-5 có chiều dài cơ sở 2.700mm và chỉ có 5 chỗ ngồi, Honda CR-V thu thiệt hơn nhiều khi là xe 5+2 song chiều dài cơ sở khiêm tốn ở mức 2.660 mm.
Không gian xe Honda CR-V khá chật. Ảnh Quang Minh.
Việc cố gia tăng thêm hàng ghế thứ 3 ở thế hệ thứ 5 đã khiến không gian nội thất của Honda CR-V càng bị thu hẹp lại. Đương nhiên, hàng ghế cuối sẽ ít sử dụng và chỉ dành cho trẻ em.
Tuy nhiên, ngay cả hàng ghế thứ 2 cũng khá chật khi chạy đường dài sẽ khó chịu. Đặc biệt, khi đi qua G giảm tốc hoặc đoạn được xóc, người ngồi giữa rất dễ chạm đầu vào trần xe.
Đèn pha bị đọng nước
Không ít người dùng Honda CR-V gặp hiện tượng bị đọng nước bên trong cụm đèn pha với phiên bản thấp sử dụng bóng Halogen Projector. Điều này sẽ giảm rõ rệt hiệu quả chiếu sáng của đèn xe gây hạn chế tầm nhìn của lái xe vào ban đêm. Hơn nữa, khi đọng nước bên trong đèn pha sẽ có hiện tượng lớp ngoài của đèn xuất hiện một lớp sương mù mỏng (hay gọi ra mồ hôi).
Hiện tượng gỉ sét
Một số người dùng Honda CR-V bản nhập khẩu Thái Lan phàn nàn về hiện tượng gỉ sét sau một thời gian sử dụng. Theo đó, Honda CRV bị gỉ sét được phát hiện ở các miếng ốp kim loại ở bánh xe.
Bằng mắt thường sẽ rất khó quan sát những vị trí bị hiện tượng gỉ sét mà buộc phải tháo bánh xe ra. Người dùng cũng chia sẻ, gặp hiện tượng này chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng và dù xe không đi vào khu vực ngập nước song vẫn bị hiện tượng trên.
Trên đây là một vài nhược điểm của Honda CR-V mà người đã và đang sở hữu xe phàn nàn trong quá trình cầm lái. Với mức giá cao hơn nhiều Mazda CX-5, Hyundai Tucson…, nhưng lại tồn tài nhiều nhược điểm, liệu người dùng có đánh đổi để tiếp tục lựa chọn Honda CR-V?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.