Những nỗi lòng của công nhân, lao động với Đoàn ĐBQH TP.HCM
Công nhân kiến nghị giữ nguyên phương án rút bảo hiểm xã hội 1 lần, công bằng trong việc trả lương hưu
Mỹ Quỳnh
Thứ sáu, ngày 05/05/2023 19:39 PM (GMT+7)
Nhiều ý kiến của công nhân, lao động tại Bình Tân với Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM về góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi).
Ngày 5/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV TP.HCM phối hợp với Liên đoàn Lao động TP.HCM tổ chức buổi tiếp xúc với công nhân, lao động đang làm việc trên địa bàn quận Bình Tân. Nội dung buổi làm việc xoay quanh việc góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi).
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, tổ ĐBQH sẽ ghi nhận những ý kiến của cử tri, xem đây là những đóng góp mang tính thực tiễn để điều chỉnh hiệu quả các chính sách. Ngoài ra, đây cũng là cơ sở để Quốc hội xem xét, xây dựng và thông qua các dự án luật làm cơ sở điều chỉnh chính sách an sinh xã hội.
Giữ nguyên phương án rút bảo hiểm xã hội 1 lần
Đối với Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), cử tri Nguyễn Thị Thanh Vy, công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP.HCM) kiến nghị giữ nguyên phí đóng bảo hiểm xã hội. Đồng thời, giữ nguyên phương án 1 là rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Nếu áp dụng phương án mới thì kiến nghị áp dụng cho người lao động có quan hệ lao động bắt đầu từ năm mà dự thảo Luật BHXH có hiệu lực.
Thêm vào đó, cử tri Nguyễn Thị Thanh Vy cho biết, quy định tại Điều 101 mức hưởng trợ cấp thai sản đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 2 triệu đồng cho một con mới sinh là quá thấp. Cử tri này kiến nghị ĐBQH xem xét kiến nghị tăng mức hưởng trợ cấp thai sản đối với diện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Tương tự, cử tri Nguyễn Thị Huệ, công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam cũng cho rằng, tiền bảo hiểm xã hội là số tiền duy nhất người lao động tích lũy được sau thời gian làm việc tại công ty. Nếu nghỉ việc, người lao động rất cần rút 1 lần để có vốn làm ăn, buôn bán, sinh hoạt...; nếu chỉ được rút 50% (theo phương án 2) thì số tiền sẽ nhỏ. Do đó, người lao động đồng tình với phương án rút bảo hiểm xã hội 1 lần.
Cử tri Lê Thị Ngọc Bích, công nhân Công ty TNHH Top Royal Flash Việt Nam cũng cho rằng, quy định tại Điều 101 mức hưởng trợ cấp thai sản đối với người tham gia bảo hiểm thực sự quá thấp, chưa phù hợp với điều kiện hiện tại nên không thu hút người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cử tri Ngọc Bích kiến nghị ĐBQH xem xét, đề nghị tăng mức hưởng trợ cấp thai sản cho lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Cử tri Mai Ngọc Trâm Em, công nhân Công ty TNHH JW Global (huyện Củ Chi) kiến nghị giữ nguyên quy định về giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội một lần theo phương án 1 của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đặc biệt, cần giảm thời gian chờ đợi để rút bảo hiểm xã hội một lần từ 12 tháng xuống còn 3 tháng (sau khi nghỉ việc) và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội để người lao động có khoản trang trải trong thời gian không có việc làm.
Công bằng với lương hưu
Đối với góp ý việc hưởng lương hưu, cử tri Trần Thị Hạnh, công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam kiến nghị, khi người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội được 20 năm mà chưa đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại thời điểm đó, nếu có nguyện vọng thì cần được lập thủ tục để hưởng lương hưu.
Bên cạnh đó, cử tri này cho rằng, hiện nay quy định về mức hưởng lương hưu tại Điều 73 của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) 75% là quá thấp. Mức lương hưu phải đảm bảo được mức sống tối thiểu cho người lao động.
"Bảo hiểm xã hội không thể áp dụng mức trích nộp ban đầu tham gia để tính bình quân cho mức đóng hiện tại. Không thể áp dụng mức đóng của năm 2000 để tính mức sống sống của năm 2023", bà Hạnh kiến nghị.
Cũng về vấn đề lương hưu, cử tri Vũ Thị Hiền, công nhân Công ty may mặc Quảng Việt (huyện Củ Chi) cho biết, hiện đang có sự phân biệt trong cách tính lương hưu giữa lao động tư nhân và cán bộ, công chức.
Cụ thể, cử tri Vũ Thị Hiền cho biết, đối với người làm nhà nước, tùy vào thời gian bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội mà lương hưu sẽ được tính dựa trên bình quân các năm cuối (trừ lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2025 mới tính lương hưu dựa trên toàn bộ thời gian đóng). Trong khi đó, lao động khối tư nhân đều tính lương hưu dựa trên toàn bộ thời gian tham gia bảo hiểm.
Ví dụ, hai người cùng làm việc vào năm 2000 và về hưu vào năm 2035. Đối với người làm nhà nước, lương hưu sẽ được tính bình quân 6 năm cuối nên sẽ có lợi vì càng thâm niên, lương càng cao hơn. Trong khi đó, người lao động tư nhân được tính lương hưu bằng bình quân cả 35 năm đóng bảo hiểm. Do đó, lương hưu chắc chắn thấp hơn vì từ năm 2008 trở về trước, mức lương công nhân rất thấp.
Từ những điều này, cử tri Vũ Thị Hiền kiến nghị điều chỉnh cách tính lương hưu của lao động khối tư nhân theo lộ trình tương tự như người làm nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân, cho biết công nhân, lao động rất quan tâm đến Luật Bảo hiểm xã hội, cụ thể là vấn đề rút bảo hiểm xã hội 1 lần và lương hưu. Theo ông Hải, mức lương hưu hiện nay rất thấp, không đảm bảo được nhu cầu tối thiểu khiến người lao động không mặn mà với lương hưu mà muốn rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Do đó, cần phải xem xét lại cách tính lương hưu sao cho phù hợp, tạo động lực cho người lao động "ở lại" hệ thống bảo hiểm xã hội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.