Những nông dân quả cảm Làng Đỏ

Hữu Anh Thứ ba, ngày 02/09/2014 15:06 PM (GMT+7)
Làng Đỏ - địa danh được biết đến như một trong những cái nôi của phong trào cách mạng 30-31, là địa phương đầu tiên lập nên chính quyền Xô viết và cũng chính địa danh này ghi dấu chiến thắng cách đây 50 năm với “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” đế quốc Mỹ điên cuồng leo thang ném bom miền Bắc...
Bình luận 0

Những người làm nên chiến thắng vinh quang của Làng Đỏ (nay thuộc phường Hưng Dũng, TP.Vinh, Nghệ An) chính là những người nông dân.

Hào khí Làng Đỏ

Về Làng Đỏ vào những ngày tháng 8 lịch sử, như vẫn còn âm vang đâu đây khí thế sục sôi của những ngày đoàn quân nông dân Hưng Dũng rầp rập tiến về Đình Trung, tổ chức mít tinh tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền Xô viết những năm 1930...

Ông Nguyễn Đức Trung - Bí thư Đảng ủy phường Hưng Dũng hào hứng: Nhắc đến lịch sử TP.Vinh, không thể không nhắc đến địa danh Hưng Dũng với hai từ thân thương Làng Đỏ, nơi đây có 6 điểm di tích lịch sử cấp quốc gia. Vùng đất này trước kia gọi là Dũng Quyết, bao gồm Trung Đô, Bến Thuỷ, Trường Thi, Hưng Dũng, Hà Huy Tập và một phần Hưng Bình ngày nay. Thời Xô viết, những làng nào có chi bộ Cộng sản lãnh đạo, có chính quyền do người dân lập nên để điều hành công việc thì được gọi là “Làng Đỏ”. Hồi đó, các vùng như Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nam Đàn... đều có các làng kiểu này.

Nhưng, khí thế “long trời lở đất” vẫn là xã Yên Dũng Thượng, nay thuộc phường Hưng Dũng. Tháng 9.1930, với sự chỉ đạo của xứ uỷ Trung Kỳ người dân Yên Dũng Thượng tổ chức cuộc mít tinh lớn lại Đình Trung. Trước khí thế của nhân dân, lý trưởng, hào mục phải nộp con dấu, sổ sách. Chính quyền Xô viết được thành lập. Chi bộ từ 12 đảng viên năm 1930 phát triển lên 30 đảng viên vào năm 1931. Các đoàn thể quần chúng thu hút được hầu hết nông dân tham gia. Đến Cách mạng tháng 8.1945, dân Yên Dũng Thượng mạnh mẽ cùng các nơi vùng lên cướp chính quyền...

Chắc tay súng, vững tay cày

Trò chuyện với phóng viên, Bí thư Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh những người làm nên những chiến công vẻ vang cho Làng Đỏ chính là những người nông dân. Trong kháng chiến chống Mỹ, Hưng Dũng là vùng ngoại ô thuần nông, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nhưng với phong trào “Chắc tay súng vững tay cày” người dân Hưng Dũng đã lập nên nhiều chiến công.

Năm 1971, trong chuyến đi thực tế tại trận địa tại Làng Đỏ, từ nguyên mẫu cô dân quân Nguyễn Thị Dần, nhạc sĩ Nguyên Nhung đã sáng tác ca khúc “Cô dân quân Làng Đỏ” với những ca từ tái hiện hình ảnh rực sáng “...ngày theo vệt đường cày, đêm về xây đường đắp ụ, nắng dù sém má em, mưa gió dãi dầu, lòng vẫn vui như pháo hoa đỏ rọi, đánh thắng quân thù trên mảnh đất quê hương…”.

Chúng tôi tìm về nhà cô dân quân Làng Đỏ Nguyễn Thị Dần (SN 1950), ngôi nhà cấp 4 nằm trong ngõ nhỏ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Hưng Dũng.

Cô Dần tâm sự: “Mỗi khi nghe lại bài hát “Cô dân quân Làng Đỏ”, nước mắt tôi lại dâng trào về những ký ức hào hùng năm xưa. Năm 1967, vừa tròn 17 tuổi, tôi xung phong vào Trung đội dân quân trực chiến phòng không xã Hưng Dũng. Trung đội có 12 người, gồm 9 nữ, 3 nam có trách nhiệm trực chiến, hợp đồng chiến đấu với bộ đội và lực lượng phòng không của Thành đội Vinh. Được trang bị súng 12 ly 7, K53… trung đội có nhiệm vụ bảo vệ các trọng điểm như phà Bến Thủy, nhà máy điện, kho xăng, Thành ủy Vinh và ga Vinh. Những người dân Hưng Dũng vốn dĩ gắn bó với ruộng đồng, tuy nhiên khi địch đánh phá quê hương, ngay lập tức tiếng kẻng báo động trên quê hương Làng Đỏ cất lên và các lực lượng dân quân, thanh niên, phụ nữ, nông dân… nhanh chóng tập hợp”.

Cô Dần vẫn nhớ như in trận chiến ngày 25.7.1968: Khi đó trung đội chúng tôi vừa di chuyển xuống ga Vinh, đang triển khai luyện tập thì 2 máy bay F4H bay từ hướng tây lao tới giội bom bắn phá ga. Tôi nhảy xuống công sự. Chiếc máy bay bổ nhào đúng tầm ngắm của khẩu K53, tôi siết cò... Trong tích tắc chiếc máy bay bốc cháy rồi chao đảo rơi xuống đất, chúng tôi bắt sống được 1 phi công”.

Đó là một trong hàng chục trận đánh dũng cảm của cô gái chưa đầy 20 tuổi Nguyễn Thị Dần...

Trong những ngày chiến đấu chống đế quốc Mỹ leo thang ném bom  tàn phá miền Bắc, hơn 100 người dân Làng Đỏ đã ngã xuống, 373 ngôi nhà bị phá hủy, hàng trăm ha đồng ruộng bị cày xới… Hòa bình lập lại, đặc biệt từ 1994 đến nay, Hưng Dũng từ một vùng thuần nông  nghèo khó đã vươn lên trở thành một trong những phường phát triển nhất TP.Vinh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem